Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Chỉ định và chống chỉ định lấy máu tĩnh mạch bẹn
Lấy máu tĩnh mạch bẹn được chỉ định khi:
- Lấy máu để làm xét nghiệm, đặc biệt là các xét nghiệm khí máu, điện giải ở người bệnh trụy mạch, phù to toàn thân, quá béo, tĩnh mạch dễ vỡ, khó dùng các tĩnh mạch ngoại vi khác do tĩnh mạch bị tổn thương hoặc da vùng lấy máu bị bỏng, loét.
- Bệnh nhân làm xét nghiệm huyết học - truyền máu: Tổng phân tích máu, đông máu cơ bản, HIV, HBsAg, HCV.
- Tiêm thuốc trong hồi sức cấp cứu đặc biệt khi có ngừng tuần hoàn, truỵ mạch.
- Truyền dịch khi không thể dùng mạch khác, đặc biệt là trẻ em, hoặc khi phải dùng nhiều đường truyền trong một lúc.
Chống chỉ định lấy máu tĩnh mạch bẹn với các trường hợp sau:
- Vùng tĩnh mạch bẹn bị tổn thương, bầm tím, bỏng.
- Thận trọng trong các trường hợp người bệnh bị bệnh rối loạn đông máu.
2. Chuẩn bị lấy máu tĩnh mạch bẹn
Người thực hiện lấy máu tĩnh mạch bẹn: 02 điều dưỡng viên.
Phương tiện, dụng cụ:
- Dụng cụ vô khuẩn: Khay chữ nhật, khay hạt đậu, kìm kocher, ống cắm kìm kocher, hộp đựng bông cồn, bông khô vô khuẩn, gạc vô khuẩn, găng tay vô khuẩn. Bơm, kim tiêm vô trùng dùng một lần (cỡ số phù hợp).
- Dụng cụ khác: Cồn 70 độ, cồn iốt, cồn sát khuẩn tay nhanh, kéo, băng dính, băng ép, băng cuộn, gối kê mông, ống nghiệm, giá để ống nghiệm, bút ghi ống nghiệm, phiếu xét nghiệm. Hộp kháng thủng đựng vật sắc nhọn, xô hoặc túi đựng rác thải.
Chú ý:
- Tất cả các dụng cụ dùng để thực hiện thủ thuật lấy máu tĩnh mạch bẹn phải sắp xếp, gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.
- Phải để trong thùng có nắp đậy để tránh bụi.
- Phải để những nơi dễ thấy, dễ tìm để thuận tiện cho các thao tác kỹ thuật.
Chuẩn bị cho người bệnh:
- Điều dưỡng: thăm hỏi người bệnh, giới thiệu tên, chức danh của mình.
- Thông báo, giải thích cho người bệnh hoặc người nhà biết về kỹ thuật sắp làm.
- Cho người bệnh nhịn ăn trước khi lấy máu theo yêu cầu của xét nghiệm.
Hồ sơ bệnh án: Có kèm theo phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh.
3. Tiến hành lấy máu tĩnh mạch bẹn
- Điều dưỡng rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang. Mang dụng cụ đến bên giường người bệnh, động viên người bệnh. Ghi tên, tuổi, số giường, khoa phòng của người bệnh vào ống nghiệm
- Đặt người bệnh ở tư thế thích hợp: nằm ngửa, đầu hơi cao, chân thấp, quay ra ngoài và duỗi thẳng (300 so với trục giữa thân), đặt gối kê mông để bộc lộ đường đi của tĩnh mạch bẹn.
- Sát khuẩn tay nhanh, đi găng vô khuẩn. Sát khuẩn vùng làm thủ thuật bằng bông cồn theo hình xoáy trôn ốc 2 lần (cồn iốt trước, cồn 70 độ sau.
- Xác định tĩnh mạch đùi (Chỗ tĩnh mạch nảy mạnh nhất trên đường nếp lằn bẹn), dùng ngón trỏ và giữa cố định tĩnh mạch đùi.
- Chọc kim chếch 45 độ so với bề mặt da tại vị trí dưới cung đùi 2cm, phía trong tĩnh mạch đùi 1cm, vừa chọc vừa hút chân không tới khi có dòng máu đỏ thẫm trào vào bơm tiêm thì dừng lại hút nhẹ nhàng đủ số lượng máu làm xét nghiệm.
- Rút kim nhanh, ấn giữ bông khô vô khuẩn tại nơi vừa lấy máu trong 3-5 phút để cầm máu, đồng thời đặt bơm kim vào khay vô khuẩn. Dùng băng dính băng ép điểm chọc kim.
- Bơm máu nhẹ nhàng vào ống nghiệm, tránh để vỡ hồng cầu. Bỏ bơm kim tiêm vào nơi quy định, lắc nhẹ ống máu (nếu có chất chống đông).
- Giúp người bệnh về tư thế thoải mái. Dặn người bệnh những điều cần thiết.
- Thu gọn dụng cụ, tháo bỏ găng tay, rửa tay.
- Ghi phiếu theo dõi và chăm sóc. Gửi bệnh phẩm đi làm xét nghiệm.
Chú ý: Nên có người phụ để giúp giữ và cố định người bệnh khi tiến hành lấy máu, đồng thời ấn giữ bông cầm máu tại điểm chọc kim sau khi lấy máu.
4. Tai biến và xử trí khi lấy máu tĩnh mạch bẹn
Các tai biến hiếm gặp khi lấy máu tĩnh mạch bẹn:
- Chảy máu chỗ chọc gây tụ máu: có thể đã chọc nhầm vào động mạch trong khi thao tác. Băng ép. Có khi phải làm thủ thuật bên chi kia.
- Nhiễm khuẩn tại chỗ, nhiễm khuẩn máu (sốt cao, rét run): vệ sinh nơi chọc, cấy máu, rút ống thông, kháng sinh.
- Viêm tắc tĩnh mạch chủ dưới: chi to lên, phù, rút ống thông, tiêm urokinase, hoặc streptokinase, kháng sinh.
- Trụy mạch ngay sau khi chọc trong 24 giờ đầu: thủ thuật viên đã chọc xuyên thủng tĩnh mạch đùi và chọc quá cao cạnh cung đùi làm cho chảy máu vào hố chậu. Phải truyền máu, nếu không đỡ phải can thiệp phẫu thuật.
Lấy máu tĩnh mạch bẹn là thủ thuật đơn giản nhưng cũng có nguy cơ đặc biệt là nhiễm khuẩn. Vì vậy khi thực hiện thủ thuật này yêu cầu người thực hiện phải có kỹ năng, trình độ chuyên môn và dụng cụ thực hiện phải được vô trùng kỹ lưỡng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.