Viêm da tiếp xúc là bệnh da phổ biến, có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm da tiếp xúc qua chia sẻ của BSNT.CKI Phan Sơn Long, khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Viêm da tiếp xúc là bệnh gì?
Viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da do tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng (viêm da tiếp xúc kích ứng) hoặc dị nguyên (viêm da tiếp xúc dị ứng). Những triệu chứng phổ biến của viêm da tiếp xúc gồm mẩn đỏ, đau rát, ngứa ngáy, đôi khi da phồng rộp và lở loét.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây viêm da tiếp xúc như hóa chất, kim loại, cây cối, ánh sáng, côn trùng, thời tiết… Viêm da tiếp xúc là bệnh phổ biến, đặc biệt ở những người có làn da nhạy cảm, người mắc các bệnh mạn tính về da hoặc thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây viêm da. (1)
Các loại viêm da tiếp xúc
1. Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD)
Phản ứng dị ứng xảy ra khi cơ thể gặp chất lạ hoặc có thể gây hại cho cơ thể (dị nguyên), ví dụ: cồn, cao su (latex), hóa chất trong mỹ phẩm,… Phản ứng dị ứng da thường xảy ra dưới nhiều dạng như da mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa ngáy, mụn nước, mày đay… Ngoài dị ứng da, có thể xuất hiện nhiều phản ứng khác như ho, chảy dịch mũi, nước mắt, hen suyễn, thậm chí sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Viêm da tiếp xúc dị ứng thường chỉ xảy ra ở một nhóm nhỏ đối tượng mắc dị ứng. Một số chất gây dị ứng có thể dễ tìm thấy như thực phẩm (tôm, cua, mực, bơ đậu,…), phấn hoa, mạt bụi hay thậm chí ánh sáng.
2. Viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD)
Viêm da tiếp xúc kích ứng là dạng viêm da phổ biến nhất, xảy ra khi da tiếp xúc với hóa chất độc hại. Khác với viêm da dị ứng, các chất độc này gây viêm da ở hầu hết mọi người thay vì chỉ với một số cá thể nhạy cảm, một số ví dụ phổ biến gồm:
- Chất hoá học trong thuốc nhuộm tóc, chất tẩy, hóa chất y tế,…
- Da bị ma sát, đổ mồ hôi, nhiệt độ cao.
- Độc do côn trùng.
Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc
1. Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD)
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng như:
- Chất tẩy rửa, hóa chất, mỹ phẩm, nước hoa,…
- Thời tiết khô, ẩm, nóng, lạnh,…
- Bụi, nấm mốc, mạt bụi, lông hay da thú cưng,…
- Các loại hạt từ cỏ, cây, phấn hoa,…
- Thức ăn như hải sản, thịt, trái cây, sữa, trứng, ngũ cốc,…
- Vật liệu như vải sợi, len, cao su,…
Mỗi người sẽ có những chất và mức độ dị ứng khác nhau. Ngoài ra, nếu cha mẹ mắc các bệnh dị ứng như viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn,… tỷ lệ con mắc bệnh dị ứng cũng cao hơn.
2. Viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD)
Những chất gây viêm da tiếp xúc kích ứng phổ biến gồm:
- Hóa chất có tính acid, kiềm, các loại muối kim loại, dung môi,…
- Chất tẩy rửa, xà bông.
- Thực vật như ớt, hoa trạng nguyên.
- Ánh sáng cường độ cao, nhiệt lượng lớn.
- Da bị chà xát, tiếp xúc với nước trong thời gian dài.
- Độc từ côn trùng.
3. Viêm da tiếp xúc ánh sáng
Viêm da tiếp xúc kích ứng do ánh sáng còn gọi là bỏng nắng, xảy ra khi tiếp xúc ánh sáng cường độ cao. (2)
Viêm da tiếp xúc do dị ứng ánh sáng (tia UV) kích hoạt các kháng nguyên bên trong da, dẫn đến phản ứng miễn dịch. Các chất có thể gây ra dị ứng ánh sáng như nước hoa, kem chống nắng, thuốc kháng viêm không steroid như ketoprofen,…
4. Viêm da tiếp xúc côn trùng
Viêm da tiếp xúc côn trùng xảy ra khi da tiếp xúc với các chất được tiết ra từ côn trùng như pederin của kiến ba khoang.
5. Các nguyên nhân khác
Một số chất thường không viêm da tiếp xúc nếu cơ thể tiếp xúc trong thời gian ngắn như xà bông, nước rửa tay khô, xi măng ướt, mồ hôi,… Tình trạng viêm chỉ xảy ra khi da tiếp xúc nhiều, lặp đi lặp lại với các chất này.
Triệu chứng viêm da tiếp xúc
Triệu chứng viêm da tiếp xúc rất đa dạng như: (3)
- Vùng da dị ứng có màu hồng, đỏ, tím hay sẫm màu hơn bình thường.
- Sưng, phù nề, phát ban.
- Nốt sần sùi, mụn nước.
- Da rỉ dịch.
- Cảm giác ngứa, đau, rát, châm chích.
- Da bong tróc, đóng vảy.
Nếu vùng da đang viêm gặp tác động từ bên ngoài (sờ, chạm, gãi, chất kích ứng,..), rất dễ dẫn đến tình trạng bội nhiễm. Mức độ tổn thương do viêm da có thể khác nhau dựa trên các yếu tố như:
- Nồng độ, số lượng, đặc tính của chất gây kích ứng.
- Thời gian, tần suất tiếp xúc.
- Độ nhạy cảm của da.
- Tổn thương, bệnh về da đã mắc trước đó.
- Các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm.
Hình ảnh nhận dạng bệnh viêm da tiếp xúc
Dưới đây là một số hình ảnh triệu chứng của viêm da tiếp xúc:
Viêm da tiếp xúc phổ biến ở đối tượng nào?
Một số đối tượng dễ mắc viêm da tiếp xúc gồm:
- Người có tiền sử dị ứng hoặc các bệnh về da như vảy nến, viêm da cơ địa, chàm,…
- Người có nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với các chất gây dị ứng, kích ứng, ví dụ như pha chế hóa chất, thợ làm tóc, nhân viên xây dựng, người làm việc ngoài trời,…
- Người có sức đề kháng yếu như trẻ em, người già, mắc bệnh gây suy giảm miễn dịch như tiểu đường, HIV,…
- Người có màu tóc và da sáng cũng dễ mắc viêm da tiếp xúc hơn.
Viêm da tiếp xúc có nguy hiểm không?
Tình trạng viêm da tiếp xúc thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống và thẩm mỹ da. Viêm da có thể gây đau nhức, khó chịu, cản trở sinh hoạt. Những vùng da viêm nặng có thể để lại thâm, sẹo, gây mất thẩm mỹ sau khi đã hết bệnh.
Biến chứng viêm da tiếp xúc có thể gặp
Biến chứng của viêm da tiếp xúc, tuy ít gặp, nhưng có thể xảy ra bao gồm:
- Mày đay lan tỏa toàn thân, ngứa dữ dội.
- Phù mạch: phù mi mắt, phù môi, phù thanh quản gây khó thở.
- Nhiễm trùng, bội nhiễm.
- Sốc phản vệ, đây là phản ứng dị ứng nguy hiểm nhất, diễn tiến nhanh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tình trạng viêm da tiếp xúc nào cần phải gặp bác sĩ?
Người bệnh nên tìm đến sự hỗ trợ y tế khi vừa xuất hiện tình trạng viêm da, tránh để xảy ra các biến chứng nặng như nhiễm trùng. Nếu tình trạng viêm da nhẹ, người bệnh có thể không cần điều trị hay uống thuốc. Nếu cần, bác sĩ có thể kê thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng hay đẩy nhanh tốc độ lành của vùng da bị viêm.
Chẩn đoán bệnh viêm da tiếp xúc
Đối với viêm da tiếp xúc, bác sĩ thường chẩn đoán thông qua khám lâm sàng, gồm đánh giá triệu chứng và khai thác bệnh sử. Bên cạnh việc xem xét các triệu chứng như da mẩn đỏ, mề đay, ngứa rát, mụn nước,… bác sĩ có thể khai thác tiền sử bệnh bằng một số câu hỏi như:
- Triệu chứng xuất hiện từ bao giờ?
- Tiếp xúc với chất gì trước khi xuất hiện triệu chứng (cây cối, hóa chất, thức ăn,…)?
- Thói quen, sản phẩm chăm sóc da đang dùng (như mỹ phẩm, sữa tắm).
- Từng gặp tình trạng viêm da tiếp xúc trước đây chưa?
Đối với tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm để xác định các chất gây dị ứng da, phổ biến nhất là xét nghiệm áp bì (patch test). Bác sĩ dùng những miếng dán có chất nghi ngờ gây dị ứng (dị nguyên) dán lên da người được xét nghiệm. Sau 48-96 giờ, miếng dán được tháo ra, dấu hiệu dị ứng được ghi nhận nếu có. Phương pháp này thường được dùng để xác nhận các chất gây dị ứng như phổ biến, giúp người bệnh xác định và tránh các dị nguyên trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài xét nghiệm áp bì, bác sĩ có thể thực hiện thêm các loại xét nghiệm tìm dị nguyên khác như xét nghiệm lẩy da (prick test), xét nghiệm nội bì (intradermal skin test), xét nghiệm khẳng định (challenge test), đo nồng độ IgE trong máu,… Tuy nhiên, đối với xác định dị nguyên gây dị ứng da, xét nghiệm áp da được dùng phổ biến nhất.
Cách điều trị viêm da tiếp xúc
Dưới đây là một số cách điều trị viêm da tiếp xúc như:
- Chăm sóc hỗ trợ bằng cách chườm mát, dung dịch Burrow (nhôm triacetate) giúp giảm các triệu chứng như ngứa, rát, sưng đỏ,… Ngoài ra, có thể đắp gạc ướt hoặc khô giúp vết viêm mau khô và lành nhanh hơn.
- Thuốc corticosteroid đường bôi trong trường hợp viêm nhẹ đến trung bình, hoặc uống nếu tình trạng viêm nặng như phồng rộp, viêm loét hay lan rộng trên da. Corticosteroid có tác dụng kháng viêm, giảm kích ứng và dị ứng.
- Thuốc kháng histamin giúp giảm nhẹ triệu chứng dị ứng như ngứa, bỏng rát, khó chịu.
Biện pháp phòng ngừa viêm da tiếp xúc
Cách tốt nhất để phòng tránh viêm da tiếp xúc là tránh các tác nhân gây bệnh, có thể thực hiện theo các cách sau:
- Mặc đồ bảo hộ đầy đủ trong trường hợp buộc phải tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, kích ứng như hóa chất, ánh sáng, xi măng, cao su,…
- Với người có tiền sử dị ứng da, nên xét nghiệm xác định dị nguyên để tránh tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày.
- Khi có các dấu hiệu bất thường giống viêm da tiếp xúc, nên nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
- Người mắc các bệnh về da như viêm da cơ địa, vảy nến nên điều trị bệnh để giảm nguy cơ viêm da.
Một số câu hỏi liên quan
1. Viêm da tiếp xúc có lây không?
Viêm da tiếp xúc thường không lây lan, trong một số trường hợp, nhiều người có thể cùng mắc viêm da do tiếp xúc chung với một chất gây kích ứng hay dị ứng. Một số người có nguy cơ mắc viêm da tiếp xúc dị ứng cao hơn nếu cha mẹ có tiền sử dị ứng.
2. Viêm da tiếp xúc có để lại sẹo không?
Khả năng để lại sẹo tùy vào nguyên nhân, tình trạng viêm, mức độ tiếp xúc với chất gây viêm da. Ví dụ viêm da do độc kiến ba khoang thường nổi mụn nước, viêm loét trên vùng da lớn nhưng thường không để lại thâm hay sẹo vĩnh viễn.
3. Viêm da tiếp xúc có tự khỏi không?
Viêm da tiếp xúc tình trạng nhẹ thường có thể tự khỏi mà không cần uống hay bôi thuốc. Với tình trạng viêm nghiêm trọng, người bệnh nên được khám và điều trị để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng hay để lại sẹo trên da.
4. Viêm da tiếp xúc có chữa được không?
Viêm da tiếp xúc có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc bôi/uống và các phương pháp hỗ trợ như chườm mát, đắp gạc ướt/khô. Nên điều trị viêm da từ khi các triệu chứng còn nhẹ, chưa lan rộng để đạt hiệu quả cao hơn.
Viêm da tiếp xúc là bệnh phổ biến, gồm hai loại chính: viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích ứng. Viêm da tiếp xúc thường có các triệu chứng như mẩn đỏ, sưng nề, mụn nước, viêm loét, bong tróc da,… Các phương pháp điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng bao gồm thuốc uống/bôi và điều trị hỗ trợ bằng chườm mát, đắp gạc… Tuy viêm da tiếp xúc không gây nguy hiểm đến sự sống, nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người mắc.