Miền Bắc có 4 mùa trong năm vì vậy mà có rất nhiều món ăn được tạo thành dựa trên các loại hoa quả và thực phẩm theo mùa. Vào mùa hè ở miền Bắc đặc biệt là Hà Nội, mùa của hoa sữa và sấu. Người Hà Nội vốn sành ăn, nên đã sáng tạo ra rất nhiều món ăn bắt nguồn từ quả sấu. Sấu có thể ăn sống, ngâm, dầm lấy nước uống hoặc tạo nên gia vị cho các món ăn mặn khác.
Một trong những món ăn nấu từ sấu được nhiều người ưa thích đó là vịt om sấu. Vậy bạn đã biết cách nấu vịt om sấu như nào chưa? Hãy cùng tìm hiểu cách làm qua bài viết này nhé.
Nguyên liệu làm vịt om sấu
- 1 - 1,5 kg thịt vịt
- 100 g sấu (khoảng 6-10 quả)
- 1 củ gừng lớn
- 6-10 cây sả
- 5 củ hành tím
- 1 củ tỏi
- 2 trái ớt
- 1 lít nước dừa
- 400 ml rượu trắng
- 1 chén muối hạt
- 2 thìa canh mẻ xay nhuyễn
- 1 thìa cà phê bột ngọt
- 2 thìa cà phê bột nêm
- 1 thìa cà phê muối
- Hành lá, rau mùi tàu, ngò gai...
Cách làm vịt om sấu
Theo những bước đơn giản dưới đây, chắn chắn bạn sẽ hoàn thành món vịt om xấu ngon chuẩn bị, cả nhà suýt xoa.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Để nấu món vịt om sấu ngon trước tiên bạn cần phải chọn được con vịt ngon, thông thường là vịt đồng hoặc là vịt đực có xương nhỏ và chắc thịt. Khi chọn mua vịt cần chú ý lựa chọn vịt đầu to, cánh dài và thường kêu to. Nên lựa chọn mua vịt trưởng thành, vịt non chưa đủ lớn có nhiều lông măng và thịt sẽ không ngọt.
Sau khi đã lựa chọn được vịt ngon và ưng ý, bạn làm lông sạch sẽ và dùng muối hạt xát toàn thân mình vịt để loại bỏ cặn bẩn còn sót lại trên da và sau đó rửa sạch. Tiếp theo lấy gừng đập dập trộn cùng rượu trắng trong 1 cái bát rồi bỏ vịt vào ngâm cùng hỗn hợp trong vòng 10 phút. Vì vịt sinh sống ở ao hồ nơi có nhiều bùn lầy, làm như vậy để khử mùi hôi tanh của vịt.
- Sau khi đã ngâm vịt trong 10 phút, bạn rửa lại vịt qua nước lạnh, để ráo rồi chặt nhỏ thành từng miếng vừa ăn.
- Hành củ, tỏi rửa sạch rồi băm nhỏ. Củ sả rửa sạch, đập dập và chia làm 2 nửa, 1 nửa băm nhỏ, nửa còn lại cắt khúc.
Để nấu được món này, bạn không nên chọn những quả sấu quá non hoặc quá già. Khi mua sấu, bạn để ý lựa những quả sần sùi, cùi dày mới có nhiều thịt và chua hơn. Những quả sấu da láng bóng thường là những quả còn non, còn chát nên sẽ không được ngon. Ngược lại, những quả sấu già thì có hạt to, cùi mỏng và ít chua. Sau khi đã chọn được sấu cùi dày thì đem đi rửa sạch và cạo vỏ (hoặc để cả vỏ đều được).
Bước 2: Ướp thịt vịt
Chia đôi hành, tỏi vừa băm thành 2 phần, 1 nửa cho vào thịt vịt cùng với sả cắt khúc, mẻ, bột nêm, bột ngọt và muối. Thêm chút dầu hào và rượu trắng ướp cùng cho vị đậm đà hơn. Trộn tất cả hỗn hợp trên và ướp trong khoảng 1-2 tiếng.
Bước 3: Om vịt
- Cho dầu ăn vào chảo, chờ dầu nóng bỏ phần hành, tỏi, sả đẵ băm còn lại vào phi thơm. Sau đó cho thịt vịt vào chảo đảo cho thịt vịt săn lại.
- Tiếp đến, đổ nước dừa cho ngập thịt vào nồi om cùng với sấu. Nước dừa bạn có thể dùng dừa tươi hoặc dừa đóng hộp, hoặc nếu không ăn được dừa bạn có thể om với nước lạnh.
- Lúc om vịt, để lửa lớn cho đến khi nước sôi rồi hạ thấp lửa cho liu riu rồi om thêm khoảng 30 - 40 phút cho đến khi nước cạn bớt còn ½ so với ban đầu.
- Khi gần tắt bếp, sấu ban đầu cho vào đã mềm bạn có thể dùng thìa hoặc đũa dầm nát sấu cho ra nước chua, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Bước 4: Thưởng thức vịt om sấu
Thành phẩm: Thịt vịt chín mềm không bở, khô, đậm gia vị. Nước vịt sánh và trong, có vị ngọt của nước dừa, thơm ngậy của mẻ, có vị chua nhẹ của sấu.
Ngoài ra với công thức này bạn cũng có thể chế biến thành lẩu vịt om sấu, ăn kèm cùng bún mì và rau…
Nếu như bạn thích ăn cay, có thể thêm ớt hoặc sa tế vào om cùng. Vịt om sấu của bạn sẽ thêm dậy mùi béo ngậy với vị tê cay của ớt và sa tế.
Có thể bạn chưa biết
Vịt om sấu không những ngon mà còn là món ăn đầy bổ dưỡng. Thịt vịt là món ăn giàu đạm, và nhiều chất dinh dưỡng có hàm lượng cao khác như canxi, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E)… vì thế các món ăn chế biến từ vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh cho tim mạch, lao phổi và ung thư.
Theo Đông y, thịt vịt có tính hàn được coi là thuốc bổ thượng hạng có tác dụng điều hòa ngũ tạng, trừ nhiệt, bổ hư…
Thịt vịt có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng giúp tăng cường sức khỏe, thích hợp cho những ngày thời tiết trở lạnh. Thịt vịt còn được dùng làm nguyên liệu cho các món quay, nổi tiếng phải kể đến đó là Vịt quay Bắc Kinh. Ngoài ra cháo vịt cũng được nhiều người ưa chuộng do dễ ăn và chế biến đơn giản, tốt cho người đang suy nhược, chán ăn, và một số bệnh khác.