Tác giả bài viết: HOÀNG BÁ THỊNH
1. Dẫn nhập
Một trong những câu hỏi mà sinh viên khoa xã hội học thường đặt ra đối với bất cứ giảng viên xã hội học nào là “Em sẽ làm gì với một tấm bằng xã hội học?”.
Đây là một câu hỏi phổ biến không chỉ của sinh viên theo học chuyên ngành xã hội học, mà cả với những người khác: bè bạn, cha mẹ của các em sinh viên đó, và còn rất nhiều người khác (trong đó có nhiều người làm công tác quản lý, lãnh đạo ở các cấp, các ngành khác nhau) cũng hỏi một câu tương tự: “Học xã hội học ra sẽ làm gì?” và “Xã hội học có ích gì cho cuộc sống?”.
Có hiện tượng đó, theo chúng tôi xuất phát từ hai lý do chính sau đây:
Thứ nhất, xã hội học là một ngành học mới được đưa vào đào tạo chuyên ngành ở Việt Nam trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Điều này được đánh dấu bằng lớp xã hội học ngắn hạn khóa I (1998 - 1990) dành cho các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, các viện nghiên cứu do Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) kết hợp với Viện Xã hội học, thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức. Trước đó, từ năm 1976, môn xã hội học được đưa vào dạy trong chương trình đào tạo của Khoa Triết học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), giảng viên là GS Đỗ Thái Đồng khi đó công tác tại Viện Xã hội học.
Tiếp theo là việc thành lập Khoa Xã hội học - Tâm lý học (1991) thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là khoa Xã hội học (tách ra từ 1997) thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể nói rằng đây là đơn vị đào tạo sinh viên chuyên ngành xã hội học đầu tiên trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng của cả nước. Vì là một trong những ngành học còn rất mới ở Việt Nam (so với các nước phương Tây, xã hội học đã được đào tạo ở trường học cách đây hàng thế kỷ), nên nhiều người chưa hiểu nhiều về ngành học này.
Thứ hai, ngay cả giới khoa học, thậm chí trong giới giới khoa học xã hội và nhân văn cũng không ít người chưa biết rõ xã hội học sẽ làm gì. Mặt khác, vì “sản phẩm” được đào tạo từ các trường đại học ra còn mới và chưa nhiều nên sự “lượng giá” của xã hội về “chất lượng” của nó chưa đầy đủ để thấy được sự hữu ích và cần phải có xã hội học trong đời sống xã hội.
Với mong muốn góp phần đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi nêu trên, bài viết này đề cập đến một số vấn đề sau đây:
2. Về vai trò của xã hội học trong đời sống xã hội
2.1. Xã hội học có thể giúp chúng ta trong cuộc sống như thế nào?
Xã hội học có rất nhiều ứng dụng trong đời sống thực tiễn của chúng ta như Mills đã nhấn mạnh khi phát triển tư tưởng của ông về hình ảnh xã hội học.
Trước hết, xã hội học cho phép chúng ta hiểu được thế giới xã hội từ rất nhiều quan điểm. Hoàn toàn hiển nhiên, nếu chúng ta hiểu biết một cách đúng đắn cuộc sống của những người khác như thế nào, chúng ta cũng đạt được sự hiểu biết tốt hơn về những vấn đề xã hội của họ là gì. Các chính sách thực tiễn mà không được dựa trên một sự nhận thức có hiểu biết về những lối sống của con người thì những chính sách đó ít có cơ may thành công.
Thứ hai, nghiên cứu xã hội học giúp cho việc đánh giá các kết quả của chính sách. Một chương trình cải cách thực tiễn có thể dễ dàng đạt được thành công theo các nhà hoạch định chính sách, hoặc cũng có thể tạo ra những kết quả ngoài ý muốn, nhờ nghiên cứu xã hội học người ta có thể biết được sự phù hợp hay chưa phù hợp của các chính sách xã hội đó đối với đời sống xã hội.
Thứ ba, tự khai sáng bản thân mình: tăng sự hiểu biết là điều mà xã hội học có thể đem lại cho chúng ta. Chúng ta có được hiểu biết nhiều hơn về tại sao chúng ta hành động như chúng ta đã làm, và về tất cả công việc trong xã hội của chúng ta. Chúng ta có nhiều khả năng hơn để có thể ảnh hưởng đến tương lai riêng của mỗi người.
Cuối cùng, người được đào tạo trong xã hội học có thể được xem như là những nhà tư vấn công nghiệp, những người quy hoạch đô thị, những cán sự xã hội và các nhà quản lý nhân sự, cũng như trong nhiều công việc khác. Liệu chính bản thân các nhà xã hội học có thể hoạt động tuyên truyền hoặc thúc đẩy cho các chương trình cải cách hoặc biến đổi xã hội? Một số người tranh luận rằng xã hội học có thể duy trì, bảo tồn tri thức độc lập của nó chỉ có thể nếu như các nhà xã hội học nghiên cứu trung tính về đạo đức và những tranh luận chính trị. Ngay cả trong trường hợp có sự liên hệ giữa nghiên cứu xã hội học và sự thúc đẩy khoa học xã hội phát triển. Không thể có nhà xã hội học thông thái nào lại có thể không nhận thức về sự bất bình đẳng đang tồn tại trên thế giới hiện nay, và thiếu sự công bằng trong nhiều thiết chế xã hội và sự nghèo khổ của hàng tỷ người. Điều đó sẽ là xa lạ nếu các nhà xã hội học không thấy các khía cạnh khác nhau của những vấn đề thực tiễn và nó sẽ phi lôgic nếu cố gắng ngăn cản họ xuất phát từ tri thức tinh thông của họ để làm.
Trong xã hội hiện đại, nhu cầu về nghiên cứu, điều tra ngày càng trở nên cần thiết không chỉ với lĩnh vực hàn lâm. Nhiều doanh nghiệp cần điều tra thị trường, sản phẩm; các tổ chức chính quyền quan tâm đến dư luận xã hội, nhiều tổ chức trong xã hội dân sự cần khảo sát trước khi triển khai các dự án, các hoạt động can thiệp,.vv. rất cần nhân lực có thể đảm nhận khâu khảo sát - một lợi thế của người được đào tạo chuyên ngành xã hội học. Thêm nữa, việc “đọc” các dữ liệu thống kê cũng cần có kiến thức, điều này dường như không phải là một công việc khó khăn với sinh viên xã hội học.
Với xã hội học Việt Nam, có thể nói rằng mặc dù là ngành khoa học đang ở độ tuổi đôi mươi, nhưng đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đất nước bước vào thời kỳ Đổi Mới, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ Đổi Mới vừa là điểm xuất phát, vừa là nơi “gợi mở” cho những nghiên cứu xã hội học. Có thể nhận thấy, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hàng loạt vấn đề quan trọng của đời sống xã hội đang “đặt hàng” các nhà xã hội học nghiên cứu.
Có thể thấy những đóng góp của xã hội học qua 20 năm xây dựng và phát triển Viện Xã hội học “Trong số các đề tài nghiên cứu theo yêu cầu của Nhà nước, Viện Xã hội học đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các cơ quan trung ương và địa phương như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (nay là ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em), các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, v.v…” (Trịnh Duy Luân, 2003). Với những mảng đề tài nghiên cứu hết sức quan trọng, như nghiên cứu những biến đổi xã hội và văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nghiên cứu về phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo và công bằng xã hội trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “Năm 1992, lần đầu tiên Viện Xã hội học đề cập tới chủ đề này thông qua cuộc nghiên cứu về “Thực trạng kinh tế xã hội 4 quận nội thành Hà Nội” theo chỉ thị của Tổng Bí thư Đỗ Mười… Tiếp sau đó là những hoạt động nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KX 04” (Trịnh Duy Luân, 2003). Bên cạnh đó là những nghiên cứu về hệ thống chính trị và dân chủ cơ sở, nghiên cứu đánh giá tác động xã hội và thẩm định chính sách, nghiên cứu về dân số; về nông thôn, nông nghiệp, nông dân, v.v…
Xã hội học, với những phương pháp nghiên cứu của nó, từ những công trình nghiên cứu được thực hiện có thể góp phần vào sửa đổi chính sách, hoàn thiện luật pháp, dự báo xu hướng biến đổi trong đời sống xã hội, góp phần hữu hiệu cho quá trình quản lý xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Với chức năng và nhiệm vụ của xã hội học, từ những đề tài nghiên cứu của mình, làm cơ sở xây dựng, sửa đổi, hoạch định chính sách xã hội, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Xã hội học cũng góp phần hoàn thiện các chính sách xã hội và xây dựng các Luật, ví dụ như nghiên cứu về Bạo lực gia đình theo đơn đặt hàng của ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (khóa XI) để xây dựng Luật phòng chống bạo lực gia đình, do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) thực hiện mà Trưởng nhóm nghiên cứu và các thành viên đa số là giảng viên Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Những nghiên cứu về phụ nữ, về giới từ cách tiếp cận của xã hội học những năm qua đã góp phần vào quá trình thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Còn có thể kể ra rất nhiều ví dụ tương tự như vậy cho thấy sự đóng góp của Xã hội học vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Xã hội học, bằng những hoạt động nghiên cứu, đào tạo những năm qua đã góp phần phát triển khoa học - cộng nghệ của Việt Nam. Những đề tài nghiên cứu từ các cấp khác nhau, với những khía cạnh phong phú của đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa,… không chỉ góp phần làm giàu thêm kho tàng tri thức - khoa học của ngành khoa học xã hội và nhân văn mà còn góp phần vào việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.1
Có thể thấy điều đó qua đánh giá của Đảng về vai trò của khoa học xã hội và nhân văn (trong đó có Xã hội học) trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nhận định “Khoa học xã hội và Nhân văn đã có tiến bộ trong việc điều tra, nghiên cứu, cung cấp tư liệu và luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2006: 155).
2.2. Tầm quan trọng của xã hội học trong đời sống xã hội
Một câu hỏi ở đây là: tại sao cần nghiên cứu xã hội học?
Một số sinh viên có thể bị cuốn hút vào ngành xã hội học vì xã hội học được xem như là một ngành học quan trọng. Đó là sự thích thú, sự thách thức và khả năng có thể áp dụng đối với những vấn đề được chú ý quan tâm. Đôi khi, xã hội học trở thành một chiếc cầu nối đến với một nghề nghiệp hấp dẫn. Nó chuẩn bị cho cá nhân đến với rất nhiều nghề khác nhau thông qua dạy các kỹ năng nghiên cứu xã hội, tạo nên một sự nhạy cảm đối với các hình mẫu tổ chức và tương tác, và thông qua một sự cung cấp một hệ thống tri thức mà có thể được áp dụng đối với hầu hết những nghề nghiệp mà có liên quan đến con người. Tuy rằng, cũng giống như nhiều ngành kho học khác, những nghề nghiệp xuất phát từ một bối cảnh xã hội học, hoặc làm công việc đúng với chuyên ngành xã hội học không phải dễ tìm. Tuy nhiên, rất nhiều người tốt nghiệp xã hội học đã có những vị trí trong nghiên cứu, công tác xã hội, chính trị, và doanh nghiệp. ở đó, các sinh viên đã tốt nghiệp có thể làm cho những người sử dụng lao động (các ông chủ) tin rằng những kỹ năng và hiểu biết của họ là độc nhất và rất hữu ích.
Các nhà xã hội học có sự giải thích giống như các nhà giáo dục khác: quan điểm này tạo nên sự hiểu biết, nó hình thành nên một cá nhân được giáo dục. Sự tin tưởng của các nhà xã hội học, giống như các học giả khác, rằng hiểu biết tốt hơn sự lãng quên, hiểu biết là tốt hơn sự chấp nhận ảo tưởng.
Theo đuổi tri thức vì lợi ích riêng của nó là đủ đối với một số người. Với một số người khác, điều quan trọng là biết được kiến thức có thể được vận dụng như thế nào.
Một lý do khác, hiểu biết xã hội học là thứ có thể hữu ích để vận dụng trong cuộc sống riêng của mình. Điều này là hiển nhiên bởi vì giờ đây các khái niệm, những kết luận và các cách tiếp cận được mô tả trong các cuốn sách xã hội học có thể được vận dụng cho những tương tác hàng ngày của mỗi người. “Tại sao tôi hành động như vậy?” “Tại sao tôi suy nghĩ như thế?” “Tại sao lại có mâu thuẫn trong quan hệ của mình?” “Là một người phụ nữ hoặc nam giới có nghĩa là gì?” “Tại sao mình muốn kết hôn?”… Hầu hết chúng ta tìm kiếm câu trả lời về những tư duy và hành động của riêng mình, cũng như về các tư tưởng và hành động của những người gần gũi chúng ta. Hình ảnh xã hội học có thể đem lại một vài sự giải thích rất quan trọng.
Hình ảnh xã hội học có thể được áp dụng đối với những tổ chức mà chúng ta là một bộ phận. Sự hợp tác, xung đột, bất bình đẳng, quan liêu, quyền lực xã hội và giao tiếp chỉ là một số chủ đề mà các nhà xã hội học biết và có thể vận dụng để hiểu và nâng cao đời sống của tổ chức (hoặc phá vỡ nó, nếu ai đó muốn)…
Hình ảnh xã hội học, tuy vậy là nhiều hơn một cách thức hiểu về đời sống của chúng ta, nó có thể được vận dụng để hiểu xã hội, hiểu các xã hội khác và các giai đoạn trong lịch sử. Hầu hết chúng ta đều sử dụng một phần cuộc đời để xem tivi, đọc báo, tạp chí. Hầu hết những thời gian này là được miêu tả thiếu bối cảnh và chiều sâu. Hình ảnh xã hội học đem lại cho chúng ta một cách thức hữu hiệu để giải thích thế giới và các sự kiện xã hội, do vậy nó có cơ sở rộng hơn và sự vận dụng rộng lớn hơn. Như quyền công dân, bình đẳng cho phụ nữ, chiến tranh giữa các xã hội, nghèo và đói, sự quan liêu hóa, vai trò của tôn giáo, ly hôn,… đều là những chủ đề của xã hội học. Có thể nói, xã hội học đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cho con người có được những kỹ năng tư duy. Xã hội học giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn về những việc làm trong cuộc đời, trong xã hội mà họ là thành viên, và hiểu biết được các nền văn hóa khác.
Nghiên cứu xã hội học, theo như A. Giddens thì “không phải chỉ là quá trình đều đặn đạt được kiến thức” và công việc xã hội học phụ thuộc vào cái mà nhà xã hội học nổi tiếng một thời C. W Mills gọi là sự tưởng tượng xã hội học. Ví dụ xem xét hành động uống một tách cà phê, chúng ta có thể nói gì từ quan điểm của xã hội học? Và nhà xã hội nổi tiếng người Anh này đã cho bạn đọc một cách giải thích hành vi uống tách cà phê qua thuật ngữ “xã hội học về cà phê”. Theo đó, có thể giải thích việc uống cà phê từ những khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, giá trị biểu tượng: đối với nhiều người phương Tây, một tách cà phê buổi sáng là một nghi thức cá nhân, còn những lần uống cà phê trong ngày sau đó với những người khác, là một nghi thức có tính xã hội nhiều hơn. Hai người hẹn nhau uống cà phê có thể có nhiều chuyện lý thú hơn là cái mà họ thực sự uống. Uống và ăn, trong nhiều xã hội là những cơ hội cho sự tương tác xã hội và thể hiện những nghi thức, và những điều này là những chủ đề phong phú cho nghiên cứu xã hội học.
Thứ hai, sử dụng cà phê như một chất gây nghiện, rất nhiều người uống cà phê để có thêm sự tỉnh táo, minh mẫn, do cà phê có chứa chất caffeine. Rất nhiều xã hội tiêu dùng cà phê trong khi có một số nền văn hóa lại ngăn cấm việc sử dụng cà phê. Xã hội học có thể tìm hiểu vì sao lại có sự trái ngược đó.
Thứ ba, cà phê là quan hệ kinh tế và xã hội: việc sản xuất, lưu thông và phân phối cà phê đòi hỏi những quá trình chuyển giao liên tục giữa hàng ngàn con người ở cách xa nhau hàng vạn dặm. Sự phát triển việc đóng gói, phân phối và tiếp thị xã hội của cà phê như là một doanh nghiệp toàn cầu đã ảnh hưởng đến một số nền văn hóa, các nhóm xã hội và các tổ chức xã hội trong những nền văn hóa này, và hàng triệu con người. Rất nhiều cà phê được sử dụng ở châu Âu và ở Mỹ được nhập khẩu từ Nam Phi. Nghiên cứu quá trình lưu thông toàn cầu này là một nhiệm vụ quan trọng của xã hội học, bởi vì rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta hiện nay bị tác động do giao tiếp và ảnh hưởng xã hội toàn thế giới.
Thứ tư, sự phát triển kinh tế và xã hội đã qua đi: các mối “quan hệ cà phê” hiện nay tạo nên sự chuyển động không phải mãi như vậy. Nó phát triền dần dần và có thể chấm dứt trong tương lai. Cùng với những thực phẩm hàng ngày khác ở phương Tây - như chè, chuối, khoai tây và đường trắng - cà phê trở nên phổ biến từ cuối những năm 1800s. Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Đông, nhưng việc tiêu thụ phổ biến bắt đầu từ giai đoạn chủ nghĩa đế quốc phương Tây bành trướng từ hơn một thế kỷ rưỡi trước đây. Trên thực tế, tất cả cà phê hiện đang uống ở các nước phương Tây hiện nay đến từ những khu vực mà trước đây từng là thuộc địa của người châu Âu, nó không còn được xem là một phần “tự nhiên” của thực phẩm phương Tây. (A. Giddens, 1997:4).
Như vậy, chỉ với “xã hội học về cà phê” chúng ta đã có thể thấy phạm vi nghiên cứu của xã hội học hết sức đa dạng, từ vi mô, đến vĩ mô và siêu vĩ mô (xã hội học nghiên cứu những hiện tượng có tính toàn cầu).
3. Nghề xã hội học trong xã hội hiện đại
3.1. Vị trí của xã hội học trong nghiên cứu uy tín nghề nghiệp ở Mỹ
Nghiên cứu uy tín nghề nghiệp cho thấy sự khác biệt cơ bản của con người trong các xã hội công nghiệp phụ thuộc vào thu nhập từ một nghề để đáp ứng các nhu cầu của con người. Bên cạnh nguồn thu nhập thì nghề nghiệp là một nền tảng uy tín xã hội quan trọng. Trong xã hội Mỹ, cá nhân thường được đánh giá theo nghề nghiệp, một số nghề được kính trọng và là nỗi ao ước của nhiều người. Trong gần 70 năm, các nhà xã hội học ở Mỹ đã nghiên cứu người Mỹ đánh giá uy tín xã hội của những nghề khác nhau như thế nào (Counts, 1925; Hodge, Treiman & Rossi, 1966; dẫn theo J. Macionis, 2004: 316). Đáng lưu ý rằng, hầu hết các nghề nghiệp thuộc thứ hạng uy tín cao cũng là những nghề có thu nhập cao (Bác sĩ, luật sư, giáo sư), đây là điều mà nhà xã hội học C. Wright Mills cho rằng “Uy tín là sự phản ánh của tiền bạc và quyền lực”. Song cũng có thể nhận thấy, những nghề nghiệp có uy tín xã hội cao còn bao hàm nhiều yếu tố khác hơn là tiền bạc đơn thuần, vì những nghề này đòi hỏi trình độ học vấn, được đào tạo bài bản và có năng lực.
Dựa trên kết quả điều tra xã hội, các thứ hạng được sắp xếp theo điểm từ cao nhất (100) xuống thấp nhất (0). Thứ hạng này được duy trì qua ba phần tư thế kỷ “hầu như không có sự thay đổi gì từ năm 1925 đến năm 1991” (R. Tschaefer, 2005 :294), và thứ hạng của các nghề nghiệp trong các nước công nghiệp khác cũng rất giống với kết quả đã thấy ở Mỹ.
Trong những năm 1972-1983 xếp hạng uy tín nghề nghiệp ở Mỹ cho thấy trong 30 nghề được chọn với số điểm cao, xã hội học xếp thứ 7 trong 10 nghề đứng đầu (xem bảng)
Bảng: Thứ tự uy tín nghề nghiệp ở Mỹ
Nghề nghiệp
Điểm uy tín
1982
1983
Bác sĩ
82
82
Giáo sư đại học
78
78
Luật sư
76
76
Nha sỹ
74
74
Kỹ sư hàng không và vũ trụ
70
71
Linh mục
69
69
Nhà xã hội học
66
66
Nhân viên trị liệu
62
60
Giáo viên phổ thông
63
60
Nhân viên nhà hàng
50
50
Nguồn: Joel M. Charon: Sociology, 1989.
Như số liệu bảng trên cho thấy, trong xã hội công nghiệp xã hội học là một nghề có thứ hạng cao trong uy tín về nghề nghiệp. Điều này ở một góc độ nhất định cho thấy tầm quan trọng của xã hội học trong bậc thang giá trị của xã hội hiện đại.
3.2. Sinh viên xã hội học ra trường làm việc ở đâu?
Các nhà xã hội học thường làm việc trong các viện nghiên cứu, hệ thống pháp luật, sức khoẻ công cộng và các tổ chức phúc lợi xã hội, các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức quốc tế. Sinh viên với một tấm bằng cử nhân xã hội học thông thường có việc làm ổn định như là các trợ lý nghiên cứu, phân tích dữ liệu, cán sự xã hội, hỗ trợ luật pháp, quản lý kinh doanh và người quản lý nhân sự. Trong một tổ chức phi hàn lâm như chính quyền (trung ương, tỉnh) hoặc các tổ chức công cộng, các doanh nghiệp công nghiệp hoặc thương mại, các viện nghiên cứu tư nhân,… nhu cầu cần cán bộ nghiên cứu ngày càng tăng lên. Nhìn chung công việc tư vấn vị trí quản lý bậc cao, những công việc nghiên cứu cụ thể và giảng dạy cao đẳng, đại học đòi hỏi những bằng cấp cao hơn.
Trường Đại học York (Vương quốc Anh) trong năm học 1999 theo điều tra của The Daily Telegraph, được xếp thứ hai về chất lượng đào tạo trong tổng số 10 trường đại học tổng hợp hàng đầu của nước Anh, sau Trường Đại học Cambrrigde. Nơi làm việc của sinh viên tốt nghiệp Khoa Xã hội học Trường Đại học York (Vương quốc Anh) 1993-1997 như sau: Việc làm (tổng số 144).
Nguồn: University of York, 2000.
Một người có bằng xã hội học không chỉ được coi như bước chuẩn bị tuyệt vời cho công việc trong tương lai sau khi tốt nghiệp mà nó còn mang lại một nền tảng kiến thức khoa học xã hội nhân văn cho các công việc ban đầu ở các doanh nghiệp, cơ quan xã hội, hiệp hội, tổ chức cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận… Đấy là lý do mà Hiệp hội xã hội học Mỹ cho rằng, được đào tạo chính quy về xã hội học có thể là “tài sản quan trọng để bước chân vào đủ các loại ngành nghề”. Cũng có lẽ vì thế mà ở Mỹ có hơn 250 trường đại học có những chương trình đào tạo xã hội học từ cấp cử nhân đến tiến sĩ.
Ở Việt nam, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có 10 khóa sinh viên tốt nghiệp. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về nơi làm việc và các loại hình nghề nghiệp sinh viên xã hội học ra trường đang làm, nhưng theo thông tin của chúng tôi có được qua liên hệ với một số sinh viên đã tốt nghiệp, thì những công việc mà các cử nhân xã hội học đang làm hiện nay chủ yếu là: giảng dạy (tại các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội; ở các trường Đảng, trường cao đẳng ở một số tỉnh, thành phố); nghiên cứu (Việc xã hội học, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, các trung tâm khác như: Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED); Ban Nghiên cứu của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam và nhiều tổ chức phi chính phủ khác). Bên cạnh đó là các nghề: báo chí - truyền hình (riêng ở Truyền hình Việt Nam có hàng chục cử nhân xã hội học), công tác quản lý nhân sự, tiếp thị xã hội, làm ở Bộ Công an,… Có thể nói mô hình việc làm của cử nhân xã hội học ở nước ta cũng tương tự như các loại hình việc làm ở Vương quốc Anh.
Với những điều đã trình bày ở trên đây, chúng tôi hy vọng giải đáp được câu hỏi mà sinh viên (và những người khác) đã và đang đặt ra. Qua đó phần nào thấy được vai trò quan trọng của xã hội học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X; Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Trịnh Duy Luân (2003): Viện Xã hội học 20 năm xây dựng và phát triển (1983 - 2003);Tạp chí Xã hội học, số 4 (84): 7- 20.
3. Hoàng Bá Thịnh (2002): Mấy nhận xét về sự thích ứng xã hội của cử nhân xã hội học; Tạp chí Giáo dục, số 30 tháng 5/2002.
4. Jhon J. Macionis (2004): Xã hội học, Nxb Thống kê, Hà Nội.
5. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (2005): Website: www.ussh.edu.vn.
6. Joel M. Charon (1989): Sociology, a Conceptual Approach, 2nd, Allyn and Bacon.
7. Anthony Giddens (1997): Sociology, 3rd, Polity Press.
8. R.C. Wallace & W.D. Wallace (1989): Sociology, 2nd , Allyn and Bacon.
9. Harold R. Kerbo (1996): Social Stratification and Inequality Class Conflict in Historical and Comparative Perspective, 2nd , McGraw-Hill Comp.
10. The University of York (2000): Undergraduate Prospectus.
Nguồn: Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org
Thánh Địa Việt Nam Học(https://thanhdiavietnamhoc.com)