Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 21-7-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 21-7
Sự kiện trong nước
- Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ đưa quân Tây Sơn ra Bắc Hà lần thứ nhất, với khẩu hiệu "Phò Lê diệt Trịnh" và thống nhất đất nước sau hơn 200 nǎm bị thế lực phong kiến họ Trịnh và họ Nguyễn chia cắt.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, sinh ngày 21-7-1892 tại Hà Tĩnh. Ảnh: Tự họa của Nguyễn Phan Chánh.- Ngày 21-7-1892, ngày sinh họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông sinh ra tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hà Tĩnh và qua đời ngày 22-11-1984 tại Hà Nội. Ông học khóa đầu tiên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nǎm 1924), trở thành họa sĩ nổi tiếng do đã mở đầu nghệ thuật tranh lụa ở nước ta. Nhiều người còn nhớ bức tranh lụa "Chơi ô ǎn quan" của ông.
- Ngày 21-7-1978, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Văn Bình qua đời. Ông có bút danh là Ngô Y Linh và Nguyễn Vũ, sinh nǎm 1929 tại thị xã Thái Nguyên. Thuở nhỏ, ông học trường Thǎng Long (Hà Nội) rồi vào Sài Gòn làm nghề nhiếp ảnh, tiếp tục học hết trung học.
Từ nǎm 1948, ông làm việc ở cơ quan vǎn nghệ của Quân khu 7 - miền Đông Nam Bộ. Nǎm 1954, ông tập kết ra Bắc, rồi đi học đạo diễn ở nước ngoài, đến nǎm 1961 tốt nghiệp, về nước, ông làm giảng viên trường Sân khấu Việt Nam. Nǎm 1964, ông trở về miền Nam, chỉ đạo nghệ thuật Đoàn kịch nói Cửu Long Giang. Những kịch bản chính gồm có: "Những viên đạn đầu tiên"; "Trận đấu thầm lặng"; "Bài ca người thợ trẻ"; "Diễn viên không chuyên nghiệp"; "Ngọn lửa"; "Mùa xuân"... Ngô Y Linh - Nguyễn Vũ được đánh giá là một nhà soạn kịch tài nǎng, một đạo diễn sân khấu xuất sắc, nhưng trước hết ông là chiến sĩ tiêu biểu của nền nghệ thuật Cách mạng nước ta.
Sự kiện quốc tế
Vẻ đẹp tráng lệ của Đền Artemis được tái hiện lại. Ảnh: Orange Smile- Ngày 21-7-356, trước Công nguyên, Đền Artemis ở Ephesus, một trong Bảy kỳ quan thế giới, bị phá hủy.
- Ngày 21-7-1762, trong Chiến tranh Bảy năm, quân đội Phổ do vua Friedrich Đại đế chỉ huy đánh bại quân đội Áo trong trận Burkersdorf.
- Ngày 21-7-1970, sau 11 năm xây dựng, đập Aswan tại Ai Cập được hoàn thành.
Theo dấu chân Người
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng thành viên OSS tại Tân Trào tháng 8-1945. Ảnh tư liệu- Ngày 21-7-1945, từ chiến khu của Việt Nam, Hồ Chí Minh tiễn Frank Tan một nhân viên điện báo gốc Hoa của OSS đã được cử đến giúp lực lượng Việt Minh trở lại Côn Minh. Qua nhân vật này, Bác gửi thư tới Charles Fenn - đại diện OSS ở vùng Hoa Nam, tỏ rõ sự tiếp tục cam kết và sẵn lòng “Nồng nhiệt đón” qua đây hợp tác chống Nhật.
- Ngày 21-7-1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Ban biên tập tờ báo hài nổi tiếng “Le Canard Enchainé” (Vịt bị trói); tiếp các đại biểu tham dự Đại hội Thanh niên thế giới đang được tổ chức tại Pháp; tiếp nhà văn Xô-viết Ilia Érenbua cùng các đại biểu quân sự của Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa dự ngày hội Quân giới Pháp tại sân bay Vilacublay; mời cơm nhiều tướng lĩnh, đô đốc Pháp.
- Ngày 21-7-1949, tại Chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch họp Đảng đoàn Chính phủ và chủ trì lễ truy điệu G.Đimitơrôp, một nhà cách mạng Bungari nổi tiếng, nguyên Tổng thư ký Quốc tế Cộng sản.
- Ngày 21-7-1961, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Cộng hòa Dân chủ Đức, Bác khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết đấu tranh thống nhất Tổ quốc bằng đường lối hòa bình và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneve… Cuộc đấu tranh chống chế độ dã man ấy là quyền thiêng liêng của đồng bào chúng tôi ở miền Nam Việt Nam. Không có bạo lực hay vu cáo nào có thể làm cản trở mục đích đó đi tới thắng lợi”.
Bác Hồ trong một lần về thăm quê. Ảnh tư liệu- Ngày 21-7-1969, Bác gửi thư cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An căn dặn phải chú ý thực hiện dân chủ, khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, phấn đấu xây dựng Nghệ An giàu mạnh xứng đáng với truyền thống quê hương Xô-viết. Thư có đoạn viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Đây cũng là những lời căn dặn cuối cùng của Bác đối với quê hương.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân-tức là phục tùng chân lý".
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, khi Người đến thăm trường ngày 21-7-1956. Đây là thời kỳ miền Bắc bước vào hàn gắn vết thương chiến tranh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bác Hồ với học sinh, sinh viên. Ảnh tư liệuChủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tự do tư tưởng trong học tập, nghiên cứu là bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ mà nhân dân ta đang xây dựng; mục đích của tự do tư tưởng là để tìm ra chân lý và chân lý chính là lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân. Do vậy, nếu đi chệch mục đích đó thì tự do sẽ trở thành phản dân chủ, thành tự do vô tổ chức. Lời dạy trên là minh chứng về phong cách nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước những vấn đề lớn, Bác vẫn khái quát thành những triết lý rất đời thường, để ai cũng hiểu, cũng nhớ và có thể thực hiện được. Thông qua đó, Người cũng muốn gửi gắm tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam phải luôn biết đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào luôn đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân lên trên, lên trước; kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có thái độ phân biệt đúng, sai, không dao động trước những tác động tiêu cực, khó khăn, cũng như sự chống phá của các thế lực thù địch. Nói và làm đúng nghị quyết; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết thống nhất cao; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Dấn ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày 21-7-1968, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng lời Hồ Chủ tịch: “Vì độc lập, tự do, 31 triệu đồng bào ta quyết vượt mọi gian khổ, hy sinh, quyết đánh và quyết thắng”.
Trang nhất Báo Quân đội Nhân dân số 2571 ngày 21-7-1968.TRẦN HUYỀN (tổng hợp)