Gù lưng là hiện tượng phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trừ tình trạng nhẹ, mọi trường hợp nghiêm trọng đều phải can thiệp y tế, thậm chí là phẫu thuật để chỉnh hình cột sống. Thực tế, gù vẫn có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được điều trị sớm, điển hình như: Hạn chế chức năng cơ học, gây ảnh hưởng tiêu hóa…
Gù lưng là gì?
Gù lưng hay gù cột sống (tên tiếng Anh là Kyphosis) là hiện tượng cột sống bị cong quá mức về phía trước, gây biến dạng phần lưng trên. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đối với người già, gù thường xuất hiện do chất lượng xương giảm, gây lún xẹp đốt sống. Trong khi đó, nguyên nhân chính ở trẻ sơ sinh hoặc thanh thiếu niên có xu hướng xuất phát từ dị tật hoặc khớp xương cột sống bị chèn ép theo thời gian. (1)
Đa phần các trường hợp gù lưng nhẹ thường gây ra một số vấn đề không đáng kể, không cần thiết điều trị. Người bệnh chỉ cần đeo nẹp hoặc tập luyện để cải thiện tư thế cũng như tăng cường sức mạnh cột sống. Tuy nhiên, tình trạng nghiêm trọng sẽ gây đau đớn, biến dạng cấu trúc, thậm chí ảnh hưởng đến hô hấp. Tùy vào từng mức độ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật để điều chỉnh kịp thời.
Phân loại
Gù cột sống được phân loại như sau: (2)
1. Gù tư thế
Đây là gù cột sống ngực với đường cong lớn hơn 50 độ trong khi các đốt sống có hình dạng bình thường, xuất hiện phổ biến trong giai đoạn niên thiếu. Dấu hiệu điển hình là tư thế xấu, đầu cúi về phía trước nhưng không liên quan đến bất thường nghiêm trọng ở cấu trúc cột sống. Người bệnh hoàn toàn có thể tự điều chỉnh bằng cách đứng thẳng.
Theo đó, gù tư thế phổ biến ở nữ hơn là nam giới, hiếm khi gây đau đớn do đường cong không tiến triển trầm trọng theo thời gian. Tình trạng này có thể được cải thiện hiệu quả bằng cách thực hiện các bài tập chống gù lưng phù hợp.
2. Bệnh gù cột sống Scheuermann
Đây là tình trạng các đốt sống đã phát triển thành hình chêm, xảy ra ở 0,4% dân số, tỷ lệ nam nữ như nhau. Gù cột sống Scheuermann cũng có xu hướng trở nên rõ ràng trong những năm thiếu niên, có nguy cơ dẫn đến biến dạng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm.
Cụ thể, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự bất thường về cấu trúc cột sống. Kết quả chụp X-quang nghiêng cho thấy các đốt sống phát triển thành hình chêm, hình tam giác thay vì hình hộp hay chữ nhật như bình thường. Hình dạng này đã làm cho không gian đĩa đệm bị thu hẹp, tạo ra độ cong quá mức cột sống ngực
3. Gù lưng bẩm sinh
Gù lưng bẩm sinh cho thấy sự khác biệt về hình dạng của một hoặc nhiều đốt sống ở trẻ sơ sinh, có nguy cơ tiến triển nặng hơn hơn khi lớn lên. Do đó, đối với tình trạng này, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật từ sớm để hạn chế biến dạng nghiêm trọng trong tương lai.
Nguyên nhân gù cột sống
Tình trạng gù cột sống có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình phải kể đến như: (3)
- Gãy xương: Các đốt sống bị gãy có thể dẫn đến hiện tượng cong vẹo cột sống. Hiện tượng này thường xảy ra ở xương yếu, do nén, không có triệu chứng rõ rệt.
- Loãng xương: Xương loãng dễ dẫn đến hiện tượng cong vẹo cột sống. Theo đó, loãng xương xuất hiện phổ biến nhất ở phụ nữ sau mãn kinh, người lớn tuổi và những người đã dùng corticosteroid trong thời gian dài.
- Thoái hóa đĩa đệm: Theo thời gian, đĩa đệm có xu hướng xẹp xuống và co lại, làm nặng thêm chứng gù lưng.
- Bệnh Scheuermann: Bệnh này thường bắt đầu trong giai đoạn trước tuổi dậy thì, cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng gù lưng. Theo đó, các đốt sống phát triển thành hình chêm, hình tam giác thay vì hình hộp hay chữ nhật như bình thường. Điều này dẫn đến hiện tượng gù.
- Các vấn đề khác: Xương cột sống phát triển không bình thường từ trước khi sinh, hội chứng Ehlers-Danlos…
- Tư thế sai: Thói quen cúi người, dựa lưng vào ghế, mang balo nặng… có thể kéo căng các cơ và dây chằng, làm tăng độ cong của cột sống.
Triệu chứng gù cột sống thường gặp
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của chứng gù lưng, triệu chứng biểu hiện ra sẽ khác nhau. Trong đó, một số dấu hiệu điển hình phải kể đến gồm:
Vùng lưng trên nhô cao bất thường.
- Đau lưng.
- Mệt mỏi.
- Cứng cột sống.
- Các cơ ở mặt sau đùi căng cứng.
Trong một số trường hợp, theo thời gian các triệu chứng tiến triển nặng hơn có thể dẫn đến:
- Yếu, tê, ngứa ran ở chân.
- Mất cảm giác.
- Thay đổi thói quen đại tiện hoặc bàng quang.
- Khó thở.
Phương pháp chẩn đoán gù cột sống
Đối với tình trạng gù cột sống, ban đầu bác sĩ sẽ tiến hành khám thể chất, bao gồm cả chiều cao.
Người bệnh thực hiện tư thế cúi người về phía trước để đánh giá độ gù cột của cột sông, trải qua quá trình kiểm tra thần kinh để đánh giá phản xạ gân xương và cơ lực. Cùng với các thăm dò cận lâm sàng để đánh giá bao gồm: (4)
- Chụp X-quang: Kết quả chụp X-quang sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc xương, từ đó giúp xác định mức độ gù cột sống và phát hiện dị tật (nếu có). Bác sĩ có thể yêu cầu chụp từ nhiều góc độ khác nhau để có chẩn đoán chính xác nhất.
- Chụp CT: Phương pháp này có thể được khuyến nghị nếu bác sĩ muốn thu thập hình ảnh chi tiết hơn về cột sống.
- Chụp cộng hưởng từ: Phương pháp này sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để đánh giá tình trạng tủy sống, các dị tật cột sống, cũng như phát hiện nhiễm trùng hoặc khối u trong cột sống.
- Điện chẩn thần kinh- cơ: Nếu người bệnh có dấu hiệu tê hoặc yếu cơ, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện điện chẩn thần kinh- cơ để xác định mức độ truyền xung thần kinh giữa tủy sống và các chi.
- Kiểm tra mật độ xương: Nếu mật độ xương thấp, bác sĩ có thể sẽ chỉ định điều trị bằng các thuốc chống loãng xương nhằm ngăn chặn tình trạng gù tiến triển nghiêm trọng hơn.
- Xét nghiệm chức năng phổi: Nếu đường cong nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra chức năng phổi. Các xét nghiệm này sẽ giúp xác định xem việc thở của con bạn có bị hạn chế do không gian lồng ngực bị thu hẹp lại hay không.
Gù lưng có ảnh hưởng gì không?
Gù lưng ở mức độ nghiêm trọng có thể dẫn đến một số biến chứng đáng lo ngại như sau:
- Hạn chế chức năng vật lý: Tình trạng này sẽ khiến cơ lưng yếu dần và khó thực hiện các động tác đơn giản như đứng dậy hay đi bộ. Ngoài ra, độ cong của cột sống cũng có nguy cơ khiến người bệnh khó nhìn lên trên, lái xe hoặc gây đau đớn khi nằm xuống.
- Vấn đề về tiêu hóa: Gù cột sống nghiêm trọng có thể gây chèn ép đường tiêu hóa, dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại như trào ngược axit, khó nuốt…
- Vấn đề cảm xúc: bệnh nhân có cột sống bị gù thường có xu hướng tự ti bởi vóc dáng không như ý, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Gù có chữa được không?
Gù lưng có thể chữa khỏi bằng nhiều phương pháp khác nhau. Mục tiêu chung là ngăn chặn sự tiến triển phức tạp của đường cong và hiện tượng biến dạng. Theo đó, tùy vào từng mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định các lựa chọn sau:
- Dùng thuốc: Thuốc giảm đau (Acetaminophen, Ibuprofen, Naproxen Natri…), thuốc điều trị loãng xương…
- Vật lý trị liệu: Người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các bài tập kéo giãn để tăng cường sức mạnh, cải thiện tính linh hoạt của cột sống và làm giảm đau lưng.
- Đeo nẹp: Phương pháp này thường được áp dụng cho tình trạng gù lưng trẻ em, đeo nẹp cột sống khi xương vẫn đang phát triển có thể ngăn chặn hiệu quả sự tiến triển của gù cột sống.
- Phẫu thuật: Phương pháp này thường hiếm khi được áp dụng, chủ yếu thực hiện đối với tình trạng gù nặng gây chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh. Các phẫu thuật viên sẽ sử dụng bắt vít qua cuống, sau đó sẽ đặt nẹp nắn chỉnh cột sống.
Bệnh gù ở cột sống vẫn có thể quay trở lại ngay cả khi đã điều trị. Do đó, bạn nên chủ động thực hiện các giải pháp chăm sóc, luyện tập theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để cột sống phát triển khỏe mạnh.
Cách phòng tránh gù cột sống
Gù lưng hoàn toàn có thể được phòng tránh ngay từ đầu bằng một số giải pháp hữu ích sau đây: (5)
- Thực hành tư thế đúng, đặc biệt là luôn ngồi thẳng lưng.
- Không nên mang đồ quá nặng trên lưng.
- Tập thể dục thường xuyên để bảo vệ lưng chắc khỏe và linh hoạt, một số hoạt động bổ ích có thể tham khảo như: bơi lội, đi bộ, chạy bộ, yoga…
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích liên quan đến gù lưng. Hy vọng với những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức mới để chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng tránh được các bệnh lý không mong muốn.