Lan đùi gà là giống lan thuộc dòng Hoàng thảo, mang một nét đẹp riêng có đi kèm với hương thơm quyến rũ mê mẩn lòng người. Lan đùi gà ra hoa rất sai và thường được trưng vào dịp Tết Nguyên đán.
Đùi gà rừng có 2 loại là đùi gà tròn và đùi gà dẹt. Để phân biệt 2 loại này, bạn cần quan sát kỹ đặc điểm thân cây của 2 loại này.
1. Đặc điểm của lan đùi gà
Lan đùi gà phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Mianma, Thái Lan và cả Việt Nam. Đây là giống lan sống trong rừng, thường bám vào những thân cây cổ thụ và rất ít lá. Đùi gà nở hoa rải rác từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 4 dương lịch và có độ bền khá lâu, từ 20 - 30 ngày. Do đó, nếu cắt nước sớm và kích hoa đúng lúc thì bạn hoàn toàn có thể dùng lan để trưng vào những ngày Tết cho đẹp cửa, đẹp nhà.
Hoa lan đùi gà thường nở dọc thân, mỗi bông mọc thẳng từ đốt trên thân. Tùy vào xuất xứ mà cây sẽ mang những màu sắc biến thiên nhưng chủ yếu vẫn là trắng đi kèm với đốm hồng, đốm tím ở đầu cánh hoa nên bạn có thể dễ dàng nhận biết được. Tuy cùng một giống lan nhưng sẽ có cây có hoa thơm trong khi cây khác lại không mùi nên bạn chớ hoang mang mua phải cây giả nhé.
Đùi gà rừng có 2 loại là đùi gà tròn và đùi gà dẹt. Để phân biệt, bạn cần quan sát kỹ đặc điểm thân cây của 2 loại này. Nếu là loại tròn thì thân dài 30-60cm, tròn đều hoặc hơi méo một chút, thân tơ có màu xanh vàng, có lớp bẹ lá xám trắng bảo phủ một phần và nhìn khá căng mập. Trong khi đó, loại đùi gà dẹt lại dẹt rất nhiều, gấp khúc ziczac ở đốt rất rõ và có độ dài ngắn hơn đùi gà tròn, chỉ khoảng 25-40cm.
2. Cách trồng lan đùi gà
Để lan có thể nở hoa và dễ chăm sóc nhất, bạn nên trồng chúng vào mùa đông. Bởi khi đó cây đang trong giai đoạn nghỉ nên sẽ không cần chăm sóc quá nhiều. Và đây cũng là thời điểm thích hợp để lan đùi gà bắt đầu ra hoa vào tháng 1, kịp để chơi Tết.
- Chuẩn bị:
+ Giống: Khi mua giống bạn nên chọn những cây già, đã xuống lá nhiều. Tốt nhất nên chọn những cây từ bụi lớn tách ra. Tránh mua những cây lan đùi gà bị thối, bệnh, nấm thân, đốm ở thân.
Sau khi mua về, bạn hãy cắt ngắn rễ cũ đi và chỉ để lại độ dài rễ bằng 1 ngón tay. Đem rửa sạch gốc rễ và ngâm vào dung dịch thuốc kích thích rễ từ 2-3 giờ rồi mới tiến hàng ghép.
+ Giá thể: Với giá thể gỗ, bạn nên ngâm chúng vào nước hoặc nước vôi để khử mầm bệnh.
- Tiến hành trồng: Sau khi hoàn thành các công đoạn trên, bạn dùng súng bắn ghim để cố định ⅓ bộ rễ của cây vào giá thể. Nên hạn chế dùng kim loại vì có thể bị han gỉ, hãy dùng dây nhựa để cố định. Ghép xong, bạn treo cây lên, tránh mưa. Cứ 10 ngày lại phun sương cho phần rễ 1 lần để lan đùi gà phát triển. Nếu nước dính vào thân sẽ ra nhiều nhánh con hơn là ra hoa.
3. Cách chăm sóc lan đùi gà
- Nước: Vì lan đùi gà ưa khô nên bạn chớ tưới nước nhiều cho cây. Chỉ cần đảm bảo 1-2 lần/tuần là cây đã đủ độ ẩm để phát triển. Trường hợp vừa mới trồng xong, cách 5 ngày, tiến hành tưới nước dạng phun sương và phun kích rễ cho cây 1 lần. Và đặc biệt khi cây sắp ra hoa, muốn cây cho hoa đúng thời điểm ta nên cắt nước, để lá lan rụng hết như vậy cây mới có thể ngâm nụ và bung nụ. Chú ý không nên xối mạnh nước vào thân lan, sẽ khiến lá và thân cây bị dập nát.
- Nhiệt độ: Lan đùi gà thích ứng tốt với nhiệt độ trung bình từ 20-27 độ C. Với lan vườn, bạn cần có những phương pháp che chắn tránh mưa và ánh nắng trực tiếp hắt vào cây. Tuy nhiên mỗi ngày cũng nên cho cây ra phơi dưới nắng mặt trời 1-2 tiếng trong điều kiện mát mẻ.
- Bón phân: Thời điểm bón phân cho là khi bộ rễ của lan đã phát triển tốt mọc từ 3 -4 cm và vào mùa phát triển mạnh về lá và thân, giúp lan tích đủ chất dinh dưỡng.
- Phòng bệnh: Phun định kì 1 tháng/lần vào chiều mát. Nếu mắc bệnh, nên phun 15 ngày 1 lần đến khi cây khỏi hẳn theo tỉ lệ 1 thìa cà phê với 4 lít nước.
(Theo Thời Đại Plus)