Chị Linh, 22 tuổi, sưng đau vùng cổ chân, đi khám phát hiện u xương, có nguy cơ mất vận động cổ chân; được phẫu thuật nạo bướu kịp thời.
Chị Linh, ngụ An Giang, đi khám vì bị sưng đau phía trên cổ chân hơn 2 tháng nay. Chị bất ngờ được chẩn đoán u bướu đại bào xương. Đây là một dạng u xương lành tính nhưng có nguy cơ chuyển hóa thành ác tính và di căn đến phổi.
TS.BS Văn Đức Minh Lý, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối u của người bệnh nằm trong lòng xương chày, ngay trên khớp cổ chân trái. Đây là trường hợp hiếm gặp vì đa số u xương xuất hiện ở vùng gần gối, khớp cổ tay, khớp vai…
Xương chày có đường kính khoảng 3 cm, trong khi đó khối u đã phát triển với kích thước gần 5 cm. Điều này làm cho xương căng phình ra, bề mặt xương mỏng đi nhiều, người bệnh đối diện với nguy cơ gãy xương rất cao. Ngoài ra, khối u đã bước vào giai đoạn hoạt động, xâm lấn phần mềm, “ăn” xuống sụn khớp cổ chân. Nếu không được điều trị ngay, khối u sẽ tiếp tục phát triển, phá hủy bề mặt khớp cổ chân, xâm nhập vào xương ở vị trí này, làm mất chức năng của khớp.
U bướu đại bào xương là một dạng u nguyên phát phổ biến, xuất hiện ở xương và tiến triển chậm. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không triệu chứng vì khối u còn nhỏ. Khi khối u phát triển, bắt đầu phá hủy vỏ xương, kích thích màng xương hoặc làm xương yếu đi, các triệu chứng không đặc trưng như sưng đau nhẹ có thể xuất hiện nhưng không ảnh hưởng khả năng vận động. Do đó, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, đặc biệt là khi bướu xuất hiện ở vùng khớp.
U bướu đại bào xương có nguy cơ tái phát rất cao. Do đó, phương pháp điều trị tối ưu là cắt và loại bỏ hoàn toàn phần xương chày có khối u, sau đó hàn khớp cổ chân. Tuy nhiên, hàn khớp sẽ làm suy giảm chức năng khớp cổ chân, gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khi người bệnh còn quá trẻ, có nhu cầu vận động cao. Vì vậy, bác sĩ đã lựa chọn phương pháp phẫu thuật nạo bướu.
Đầu tiên, bác sĩ mở một lỗ nhỏ ở xương chày, thông qua lỗ này, nạo bỏ toàn bộ khối u trong lòng xương. Sau đó, sử dụng khoan mài cao tốc để loại bỏ tế bào bướu trong các rãnh xương. Tiếp theo, xi măng sinh học được bơm vào để làm đầy lòng xương. Xi măng này còn có khả năng tỏa nhiệt, tiêu diệt các tế bào bướu còn sót lại, đang bám sát vào thành xương. Từ đó giảm nguy cơ tái phát. Cuối cùng, lấy một phần xương chậu gia cố và tái tạo lại bề mặt xương chày.
Sau phẫu thuật, khối u được loại bỏ hoàn toàn, bảo tồn chức năng khớp cổ chân. Một ngày sau, người bệnh không còn đau, có thể đi lại và bắt đầu tập vật lý trị liệu. Để phòng ngừa nguy cơ tái phát, đặc biệt trong 2 năm đầu sau phẫu thuật, người bệnh cần theo dõi liên tục và tái khám định kỳ.
Bác sĩ Lý cho biết, đối với những bướu xương vùng khớp, nếu bướu tiến triển và phá hủy xương nhiều, không còn khả năng điều trị bảo tồn như nạo bướu, cắt xương… người bệnh có thể được thay khớp cá thể hóa. Đây là khớp nhân tạo được thiết kế riêng cho từng người bệnh, có kết cấu gần giống nhất với khớp tự nhiên, giúp phục hồi chức năng nhiều nhất có thể.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị này tốn kém chi phí. Vì vậy, khi phát hiện các bất thường ở xương khớp, người bệnh nên sớm đi khám để kịp thời điều trị. Từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị, bảo tồn chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.
* Tên người bệnh đã được thay đổi.