Đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn
Lý Sơn là đảo tiền tiêu ẩn chứa kho tàng giá trị di sản địa chất, văn hóa, lịch sử độc đáo. Trải qua 11 triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào núi lửa đầu tiên, Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn quần thể thắng cảnh tuyệt tác, địa hình, địa mạo độc đáo trên bờ cũng như hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú.
Lý Sơn cũng là nơi cất giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá được hội tụ và kết tinh từ ba nền văn hóa cổ của Việt Nam là văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, văn hóa Việt cổ còn được hiện hữu, thấm đẫm đến ngày nay thông qua hệ thống di tích dày đặc gồm 6 di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh và 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và Lễ hội đua thuyền Tứ linh. Đây cũng là nơi lưu giữ những tài liệu, bằng chứng quý hiếm minh chứng về lịch sử xác lập cột mốc và chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được những thế hệ người dân Lý Sơn trao truyền, gìn giữ nhiều thế kỷ qua.
“Vương quốc tỏi” Lý Sơn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình của mỗi người dân Việt Nam hướng về biển đảo của Tổ Quốc thân yêu.
Các điểm đến tại đảo Lý Sơn:
- Chùa Hang
Chùa Hang
Chùa Hang hay còn gọi là Thiên Khổng Thạch tự (Chùa đá trời sinh), do cư dân trên đảo Lý Sơn đã tận dụng hang đá tự nhiên lập ra cách đây khoảng 500 năm, nằm ở phía Đông Bắc đảo Lý Sơn, dưới chân núi Thới Lới. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn trong hệ thống hang động ở Lý Sơn. Chùa có nhiều ngóc ngách kỳ thú, có “đường lên trời, đường xuống âm phủ”, minh chứng rằng sườn núi lửa Thới Lới trước kia lan rộng ra phía biển và bị nước biển mài mòn tạo nên hình thù của hang như ngày nay. Đây là nơi lưu giữ văn hóa tín ngưỡng riêng có và là nơi linh thiêng đối với người dân đất đảo.
Chùa Hang cách đình làng An Vĩnh - trung tâm của đảo không xa, nhưng đường lên chùa vòng qua eo núi, tạo cảm giác bất ngờ cho du khách khi gặp vẻ đẹp của những thảm cỏ, vạt ngô ven đường, phong cảnh xóm làng, cánh đồng trồng hành tỏi dưới chân núi. Đứng trên núi có thể ngắm toàn cảnh trời mây, non nước của biển đảo Lý Sơn. Từ đỉnh núi, du khách đi bộ vài chục bậc thang thì xuống tới chùa Hang ở lưng chừng núi.
Chùa Hang được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1994.
- Hang Câu
Hang Câu - Lý Sơn
Nằm ở thôn Đông, xã An Hải, vách Hang Câu chính là sườn ngoài của miệng núi lửa trẻ Thới Lới, là một thắng cảnh nổi tiếng trên đảo Lý Sơn. Du khách đến đây ai cũng cảm thấy nhỏ bé trước biển bao la, dưới chân một vách núi dựng đứng cao hàng trăm mét, dài cả kilômét, phần chân vách đôi chỗ còn bị khoét hàm ếch trông khá chênh vênh. Vách đá được cấu tạo từ đá basalt - một loại dung nham núi lửa phun ra chảy tràn trên mặt đất từ vài triệu năm trước và tro bụi núi lửa được hình thành khi núi lửa phun nổ tung lửa, khí và các hạt vụn lên không trung rồi rơi xuống tích thành từ vài chục ngàn năm trước.
Hang câu một bên là Biển một bên là núi khiến du khách không ngại tìm đến bởi mỗi thời điểm Hang Câu lại mang một vẻ đẹp kỳ ảo khác nhau. Từ trung tâm huyện, đi dọc men theo con đường nhựa nằm ngay chân núi Thới Lới, tiến về phía Đông Bắc chỉ khoảng 15 phút, du khách có thể bắt gặp ngay cảnh tượng đẹp đến ngỡ ngàng. Hang Câu hiện ra như một bức điêu khắc khổng lồ, nằm giữa mênh mông đất trời, trước mắt là sóng nước kéo dài đến bất tận, những con sóng bạc đầu kiên trì vỗ ngày đêm.
Đây là một trong những nơi đón bình minh đẹp nhất của đảo Lớn và cũng là nơi bạn có thể khám phá những rạn san hô đầy màu sắc và rong nho xanh rì dưới nước.
- Cổng đá Tò Vò
Cổng Tò Vò
Cổng Tò Vò là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất trên đảo Lớn, hình thành từ hoạt động phun trào dung nham điển hình khoảng 4.000 năm về trước, chỗ xốp, chỗ đặc, thậm chí phun trào dưới nước biển, tạo ra vòm đá basalt dài hơn 40m, cao 3,5m, chỗ rộng nhất khoảng 8m, chỗ hẹp nhất khoảng 1,5m. Quanh Cổng Tò Vò là những bãi nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ nhấp nhô trên làn nước trong veo của đảo Lý Sơn.
Cổng Tò Vò ở Lý Sơn là một “vòm cổng” bằng đá cao khoảng 2,5m. Điều đặc biệt khiến nơi đây trở nên hấp dẫn khách du lịch chính là bởi vẻ đẹp nguyên sơ, không hề có bàn tay con người động đến. Đây là địa điểm du lịch không thể thiếu trong các tour Lý Sơn.
Được mệnh danh là kiệt tác của thiên nhiên, từ cổng Tò Vò bạn sẽ được phóng tầm mắt ra xa ngắm khu làng chài của ngư dân trên đảo. Khu vực phía Nam của cổng Tò Vò chính là núi Giếng Tiên hùng vĩ, đây là một ngọn núi lửa đã tắt. Với khung cảnh đẹp tuyệt vời như vậy, cổng Tò Vò còn được ưu ái với tên là cổng Thiên Đường.
- Núi Thới Lới - Cột cờ Tổ Quốc
Núi Thới Lới
Thới Lới là một ngọn núi lửa trẻ cao 169m, là loại núi lửa tro bụi (tuffring), có hai miệng gồm miệng lớn có đường kính gần 1km, hoạt động khi quanh nó là biển nông khoảng 20.000 - 30.000 năm trước, phun ít nhất từ 5 - 6 đợt; miệng nhỏ có đường kính khoảng 500m, hình thành trên cạn, khi nước biển hạ thấp, chỉ khoảng 3.000 - 4.000 năm trước. Miệng nhỏ hiện được be thành hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho đảo, một phần miệng lớn phía Bắc bị bào mòn tạo thành vách hang Câu. Núi lửa Thới Lới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2020.
Cột cờ Tổ quốc
Đứng trên đỉnh Thới Lới có thể quan sát toàn cảnh đảo Lý Sơn đẹp như một bức tranh với cánh đồng tỏi xanh bạt ngàn, ngoài khơi xa, biển trong xanh, rộng lớn, những con thuyền đánh cá hối hả ra khơi. Trên đỉnh Thới Lới có cột cờ Tổ Quốc, sừng sững khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới ở đảo Lý Sơn không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn được ví như “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước. Đây là công trình thể hiện sự chung sức, đồng lòng, sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc của thế hệ trẻ cả nước.
- Núi lửa Giếng Tiền
- Giếng Tiền
Tương truyền, ngày xưa trên đảo rất khó đào giếng. Thế nhưng, khi vua Gia Long đích thân đứng ra sai quân đào đất nặn hình nhân chiêu hồn cho những người lính Hoàng Sa - Trường Sa hy sinh khi đi làm nhiệm vụ thì từ cái hố đào ấy bỗng tuôn ra mạch nước ngọt, hình thành nên cái giếng, đặt tên là giếng Tiền (nằm ở thôn Tây, xã An Vĩnh). Điều đặc biệt là miệng núi lửa Giếng Tiền quanh năm đầy ắp nước, nước trong vắt, ngọt mát. Đây là giếng thiêng của người dân đảo Lý Sơn.
Trên núi Giếng Tiền có nhiều vùng đất đỏ, người dân đảo Lý Sơn lấy nguồn đất này về làm lớp đất mặt để trồng hành, tỏi. Tại đây còn có một khoảnh đất đỏ nhỏ không một loài cây cỏ nào mọc được. Theo người dân Lý Sơn, đây chính là vùng đất thiêng, đất tinh khiết nhất được dùng để nặn hình nhân chiêu hồn cho những người lính Hoàng Sa - Trường Sa có đi mà không trở về ngày trước.
- Nhà Trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nằm ngay tại trung tâm huyện đảo Lý Sơn, là nơi trưng bày và giới thiệu các tài liệu quý giá, các bằng chứng sống động về hành trình khai khẩn, xác lập cột mốc và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông của những người lính hùng binh Hoàng Sa từ 3-4 thế kỷ trước gắn liền với giai thoại về những ngôi mộ chiêu hồn và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013.
Nhà trưng bày Hoàng Sa Bắc Hải lưu giữ các hiện vật đang trưng bày mô hình những chiếc thuyền nan, chiếc chiếu cói, nẹp tre, sợi dây mây và một số vật dụng thiết yếu...là hành trang của binh phu ngày trước khi ra Hoàng Sa.
Ngoài ra, đây còn là nơi trưng bày các bộ sưu tập bản đồ hàng hải cổ của Việt Nam, Trung Hoa và các nước phương Tây khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam, và những hình ảnh về Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, về các danh lam thắng cảnh và con người Lý Sơn. Nổi bật nhất ở Nhà trưng bày Hoàng Sa Bắc Hải là khối tượng đài sừng sững khắc họa hình ảnh đội hùng binh năm xưa...
- Đình làng An Vĩnh, Đình làng An Hải
Đình làng An Vĩnh
Đình làng An Vĩnh và đình làng An Hải là hai di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và là hai trong những ngôi đình được xây dựng sớm nhất và được bảo tồn còn tương đối nguyên vẹn của tỉnh Quảng Ngãi, có giá trị lịch sử và tâm linh rất đặc biệt đối với người dân Lý Sơn. Đây không chỉ là nơi bảo tồn các hoạt động văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cũng như các lễ tế đình, các lễ hội truyền thống của người Việt trên đảo Lý Sơn, mà nơi đây còn có giá trị đặc biệt trong việc bảo tồn các tài liệu văn bản cổ, khẳng định chủ quyền biển đảo của nước Việt Nam. Hằng năm vào tết Nguyên Tiêu, nhân dân hai xã An Vĩnh và An Hải đều tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng, thu hút rất đông du khách đến tham gia.
Đình làng An Vĩnh được xây dựng từ thế kỉ 18 và đến nay đã được trùng tu nhiều lần, có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng được liên kết với nhau bằng máng xối dài. Các bộ vì kèo giống các bộ vì kèo nhà rường miền Trung. Mô thức trang trí tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm dương cầu mong mọi sự bình an cho dân làng. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị tiền hiền, cai đội, người lính hải đội Hoàng sa hàng trăm năm trước.
Đình làng An Hải
Đình làng An Hải được xây dựng từ năm đầu thế kỉ XIX, mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn được phản ánh qua nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo ở án thờ, bề mặt vì kèo, cột chống, đỉnh cửa… và kỹ thuật đắp nổi, tác tượng tinh xảo ở ô trang trí cổ diêm đình thượng, mái bờ mặt tiền. Trong đình còn phối thờ Thiên - Y - A - Na, chúa Ngung Man Nương và các tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng của làng, thể hiện sự dung hòa các mảnh vỡ của văn hóa Chăm trong lòng văn hóa Đại Việt.
Đình làng An Hải nổi tiếng với những giá trị văn hóa truyền thống, là nơi sinh hoạt của nhiều lễ hội của người dân địa phương và tại đây sở hữu nhiều cảnh đẹp và không gian yên bình, tĩnh lặng không chỉ mang đến nhiều kiến thức và khám phá cho du khách mà còn là nơi du khách có thể thư giãn tuyệt vời.
- Âm Linh tự
Di tích Âm linh tự
Âm linh tự làng An Vĩnh được xây dựng tại một giồng đất cao, thoáng đãng ở thôn Tây xã An Vĩnh, cách cảng Lý Sơn chừng 500 m về phía tây. Mặt tiền Âm linh tự nhìn ra hướng nam, trước sân có đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong uy nghi bề thế. Đây là nơi thờ tự những người lính Hoàng Sa năm xưa đã vượt trùng dương ra Hoàng Sa, Trường Sa thu sản vật, cắm mốc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Âm Linh tự cũng có ý nghĩa rất linh thiêng với người dân trên đảo Lý Sơn. Là nơi ngư dân gửi gắm niềm tin tâm linh, cầu xin thần thánh và linh hồn người khuất phù hộ độ trì cho cuộc sống được bình an, làm ăn được mùa, những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, con cái học hành thi cử đỗ đạt... Sau khi đạt thành ý nguyện, người dân sẽ mang lễ vật đến đây để làm lễ tạ ơn. Đây là một nét văn hóa tốt đẹp, gắn bó với tình yêu biển đảo quê hương.
Theo tài liệu gia phả dòng họ ở Lý Sơn, lính đội Hoàng Sa gồm 70 người đi trên 5 chiếc ghe bầu, hành trang của mỗi người lính là 1 đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán và phiên hiệu. Để tưởng nhớ những anh hùng vô danh, đánh đổi cả mạng sống của mình dâng hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia Việt Nam, nhân dân đã đắp các mộ gió tưởng niệm và xây dựng đền Âm Linh Tự để phụng thờ những người lính Hoàng Sa. Di tích “Âm Linh Tự và mộ lính đội Hoàng Sa” là di tích lịch sử quan trọng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
- Đảo Bé - Lý Sơn
Là một phần của đảo Lý Sơn, đảo Bé được ví như hòn đảo thiên đường, nơi bạn có thể sống chậm trong khung cảnh tuyệt đẹp, hoang sơ để khám phá những điều kì diệu của di sản địa chất núi lửa biển, cổng Tò Vò đá dưới nước và nghĩa địa tàu cổ đắm vài trăm năm trước.
Cách đảo Lớn 5km với diện tích 0,7km2, có khoảng 500 người dân sinh sống chủ yếu nhờ vào du lịch, nghề đi biển và trồng cây hành, tỏi. Đảo Bé được hình thành từ hoạt động núi lửa. Trên đảo có nhiều hình thái địa chất như các bờ biển cổ, trầm tích halocen ở Mom Tàu, hòn Đụn, bãi Hang... Đặc biệt hơn nữa, ở khu vực bãi Tiên của đảo Bé đã phát hiện ra các vách dung nham dựng đứng, phẳng và mịn kỳ lạ. Đó là vách lộ của các dòng dung nham mỏng và nóng tương tác với nước biển bị nguội lạnh đột ngột trở thành thủy tinh núi lửa. Điều đặc biệt lý thú là các dòng dung nham mỏng này xuất hiện thành nhiều đợt xếp chồng lên nhau, giữa chúng là basalt xốp, đây là dạng cấu tạo rất hiếm gặp, chỉ có ở đảo Bé và vài nơi trên thế giới.
Ở đảo Bé, dưới bàn tay lao động, con người đã tạo nên các thửa ruộng bậc thang trồng hành, tỏi bằng cách xếp các bờ đá cao uốn lượn theo địa hình tự nhiên. Ngoài ra, vùng biển xung quanh đảo Bé còn là nơi có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với các loại thủy sản và san hô. Du khách có thể trải nghiệm dịch vụ lặn ngắm san hô, lặn ngắm cổng đá trầm tích dưới nước và khám phá thế giới đại dương muôn màu sắc.
- Núi lửa Hòn Đụn
Thắng cảnh Hòn Đụn, trầm tích núi lửa độc đáo ở xã An Bình (đảo Bé), huyện Lý Sơn
Đảo Bé có một số miệng núi lửa trên cận và dưới nước, trong đó Hòn Đụn cùng một số nón núi lửa nhỏ về phía Đông Bắc còn để lại vết tích rõ ràng nhất.
Hòn Đụn cao chỉ 20 - 25m, đường kính 200 - 500m, đáy chỉ ngang mực nước biển, lộ toàn bộ thành miệng, sườn trong và sườn ngoài. Hoạt động phun trào của Hòn Đụn có sự khác biệt, phun nổ không mạnh nên dung nham được bắn lên rơi ngay xuống tạo sườn, nóng chảy một phần nhưng liên kết chặt, giai đoạn phun trào tiếp theo làm tràn dung nham ra biển. Xỉ núi lửa có màu nâu đỏ do vật liệu vụn núi lửa có chứa sắt bị oxy hóa chứng tỏ núi lửa hoạt động trong điều kiện trên cạn từ 3.000 - 4.000 năm trước.
- Mom tàu
Mom tàu là một bãi đá basalt rộng hơn trăm mét vuông, nằm cách Hòn Đụn khoảng 200m về hướng Đông, được giả thuyết hình thành từ 3.000 - 4.000 năm trước từ sự phun trào của Hòn Đụn. Điều đặc biệt của Mom tàu là bãi đá được cấu tạo bằng đá basalt xám đen, chỗ đặc, chỗ xốp, nhiều chỗ thấy rõ cấu tạo dòng chảy dạng quấn thừng (giống như được mô tả tại đảo Hawaii). Dòng chảy rất chậm và chồng chéo lên nhau chứng tỏ dung nham rất đặc và quánh.
- Bãi Hang
Bãi Hang là điểm “phải đến” khi đến với đảo Bé, cảnh quan tuyệt đẹp với những vách đá basalt đen thẫm, cao chừng 3 - 5m, xù xì, khúc khuỷu, chỗ đặc sít, chỗ bọt xốp, chỗ dạng cột, chỗ dạng hàm ếch, chỗ dạng quấn thừng rất đa dạng được hình thành khoảng vài ngàn năm trước. Bên dưới lớp đá basalt này là lớp nền đá basalt cổ hơn khoảng hàng triệu năm trước. Bãi Hang là nơi bạn có thể thỏa thích thả mình vào làn nước trong vắt nhìn thấu đáy và cũng là nơi để từ đây chèo thuyền thúng ra xa một chút để ngắm san hô hay lặn xuống độ sâu khoảng 6m với hướng dẫn viên lặn và thiết bị chuyên nghiệp để chiêm ngưỡng hệ sinh thái đa dạng, rặng san hô sắc màu lấp lánh đến mê hoặc.
- Cánh đồng dung nham
Theo giả thuyết cánh đồng dung nham nằm ở phía Bắc đảo Bé do một số miệng núi lửa nhỏ phun nổ lẫn phun trào trên cạn cách đây từ 3.000 - 4.000 năm tạo nên. Một dải basalt xám đen trải dài trên cạn và ngoài khơi dầy đặc những hình khối dạng tảng, hòn, cục, quấn thừng và cả những “mảnh bom” dung nham nằm phủ trên một phần các đụn cát vàng đỏ tạo nên cảnh tượng kì vĩ, đặc sắc.
- Sa Huỳnh - Nơi hội tụ tinh hoa các nền văn hóa cổ
Sa Huỳnh là tên gọi một vùng đất ven biển nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc địa phận các xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, cách trung tâm Thành phố Quảng Ngãi 60km về hướng Nam, tiếp giáp với tỉnh Bình Định.
Cửa biển Sa Huỳnh
Đây là nơi lần đầu tiên, nền văn hóa cổ cách đây khoảng 3.000 năm được phát lộ và định danh là văn hóa Sa Huỳnh với nhiều di chỉ ở quanh đầm nước ngọt An Khê nằm sát ven biển và Gò Ma Vương. Hiện nay, nhiều hiện vật, đặc biệt là kho mộ chum và trang sức hình đầu thú được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Di chỉ văn hóa Sa Huỳnh nằm trên địa bàn các xã Phổ Thạnh, Phổ Châu cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Sa Huỳnh cũng là nơi lưu giữ dấu ấn của nền văn hóa Chăm-pa rực rỡ một thời (192-1832) trên những công trình gắn liền với đá như giếng đá, cầu đá, đường đá, tường đá, bia ký đá… tiếp nối giữa dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Đại Việt sau này. Những di chỉ này còn đậm nét và sống động trong đời sống của người dân bản địa ngày nay, độc đáo nhất là tại làng Gò Cỏ, một ngôi làng cổ dường như còn giữ nguyên vẹn lối sống của người xưa, thanh bình, yên ả, dung dị… nơi mà mỗi bước chân đều đưa ta trở về với phong cách “hóa thạch văn hóa”, nơi mà người dân đang truyền tải những thông điệp và kinh nghiệm sống cho du khách trong ngôi trường “cộng đồng”, lớp học “hỏi” tại “Công viên làng” do Hợp tác xã Du lịch Gò Cỏ tổ chức.
Nếu bạn muốn sống chậm, hãy đến Gò Cỏ bạn nhé!
Đến Sa Huỳnh, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bãi biển chạy dài sát những nhánh núi ngang của dãy Trường Sơn đâm thẳng ra biển tạo nên những ghềnh đá, mõm đá có vẻ đẹp kỳ thú, cánh đồng muối trắng và ẩm thực biển độc đáo mà nổi tiếng nhất là món cua Huỳnh Đế tiến vua và món nhum ngon đến khó cưỡng. Khu du lịch Sa Huỳnh với đầy đủ hạ tầng dịch vụ là nơi bạn có thể lựa chọn nghỉ dưỡng với gia đình hay tổ chức sự kiện team building đáng nhớ nhất.
- Biển Mỹ Khê, TP Quảng Ngãi
Bãi biển Mỹ Khê nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi 12 km, cách cảng Sa Kỳ 4 km, thuộc địa phận thôn Cổ Luỹ, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Biển Mỹ Khê là bãi tắm lý tưởng của tỉnh Quảng Ngãi với không gian mênh mông, bãi cát trắng mịn, độ dốc thoải, chạy dài 7 km, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh mang vị ngọt của thượng nguồn đổ về và vị mặn của biển đem lại nhiều đặc sản biển phong phú.
- Chùa cổ Thiên Ấn và Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng
Chùa Thiên Ấn
Chùa Thiên Ấn năm trên đỉnh núi Thiên Ấn, được xây dựng từ năm 1695 với quần thể tháp mộ các thiền sư cao tăng. Lúc đầu chùa Thiên Ấn chỉ có một thảo am do thiền sư Pháp Hóa, pháp danh Phật Bảo, tục danh Lê Duyệt khai sơn tạo lập. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717), chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề bảng “Sắc Tứ Thiên Ấn tự”. Hiện nay, chùa còn giữ được chiếc đại hồng chung đúc năm 1845 tại làng đúc đồng nổi tiếng Chú Tượng (Mộ Đức) với âm trong thanh, ngân xa và được huyền thoại là chuông thần. Trong chùa vẫn còn giếng Phật, hạt lúa thiêng… với nhiều giai thoại huyền bí. Chùa Thiên Ấn là một ngôi chùa cổ nổi tiếng linh thiêng của vùng đất núi Ấn sông Trà.
Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng
Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), nhà chí sĩ yêu nước, nhà nho, nhà báo nổi tiếng, lãnh tụ của phong trào Duy Tân, người sáng lập báo Tiếng Dân, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và lịch sử, nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được xây dựng trang nghiêm ở phía Tây Nam núi Thiên Ấn. Đây là nơi du khách đến dâng hương tưởng niệm và tri ân.
- Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên là Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn 1955 - 1987.
Tại quê hương Mộ Đức anh hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng được khởi công xây dựng năm 2006, đưa vào sử dụng từ ngày 01/9/2007. Đây là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật của gia đình Thủ tướng Phạm Văn Đồng và hình ảnh ghi lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông. Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
- Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, TP Quảng Ngãi
Đền thờ được vua Tự Đức cho xây dựng ở xã Tư Cung và cấp thêm 5 mẫu ruộng hương hỏa tế tự để tưởng nhớ công lao to lớn giúp nước, chống quân Pháp xâm lược của Anh hùng dân tộc Trương Định - Người con anh hùng của quê hương Quảng Ngãi. Hiện nay, đền thờ Trương Định được xây dựng khá quy mô tại xã Tịnh Khê cách trung tâm Thành phố Quảng Ngãi 10km về hướng Đông Bắc, cách khu chứng tích Sơn Mỹ chừng 500m.
- Khu chứng tích Sơn Mỹ, TP Quảng Ngãi
Khu chứng tích Sơn Mỹ nằm ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, cách trung tâm thành phố 12 km về phía Đông Bắc, nằm dọc đường quốc lộ 24B. Đây là nơi lưu giữ nhiều chứng tích, hình ảnh, hiện vật về vụ thảm sát 504 đồng bào Sơn Mỹ do quân đội Mỹ gây ra vào ngày 16/3/1968.
Khu chứng tích Sơn Mỹ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm hằng năm.
- Trung tâm phát huy giá trị văn hóa đa năng (Thành cổ Quảng Ngãi)
Đây là nơi diễn ra các hoạt động trải nghiệm, trưng bày chuyên đề, giao lưu văn hóa nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Quảng Ngãi cũng như chiêm ngưỡng kho tàng cổ vật hiếm có với hơn 80.000 hiện vật của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đoàn Ánh Dương.
Khu dịch vụ trải nghiệm gồm có 04 phân khu: Nhà Văn hóa đa năng trưng bày chuyên đề Không gian khai quật tàu đắm Bình Châu hơn 700 năm tuổi; Nhà trưng bày Di sản văn hóa vật thể - hiện đang trưng bày bộ sưu tập “Con đường gốm sứ trên biển” - hàng chục ngàn cổ vật từ 9 con tàu đắm cổ (TK XIII - TK XVIII) trên vùng biển Việt Nam. Một Khu Nhà Rường Cổ Việt với 3 gian nhà rường và một Thư phòng nhà cổ Việt - Chăm thể hiện truyền thống của người Việt cùng với sự giao thoa kiến trúc giữa các nền văn hóa. Khu Nhà văn phòng kết hợp dịch vụ văn hóa Lava - Khám phá di sản địa chất giới thiệu các mẫu đất đá, địa chất, trầm tích núi lửa tại Quảng Ngãi… Ngoài ra, nhiều chợ phiên, sự kiện văn hóa - ẩm thực được tổ chức ở đây để giới thiệu sắc màu văn hóa xứ Quảng đến với du khách.
- Cocoland Resort and Spa
Cocoland River Beach Resort & Spa là khu nghỉ dưỡng cao cấp nằm ẩn mình dưới những rặng dừa xanh ngút ngàn, có đầy đủ các khu dịch vụ như: Khu biệt thự view sông, hồ, vườn với đầy đủ tiện nghi, hệ thống nhà hàng Âu, Á, hệ thống quầy bar, hồ bơi vô cực, spa, tennis, phòng hội nghị, sảnh tiệc cưới... Khu du lịch được yêu thích bởi tính thân thiện môi trường và vô số view đẹp để bạn selfee. Cocoland Resort and Spa chỉ cách thành phố Quảng Ngãi 10km, giao thông thuận tiện trên tuyến Sa Huỳnh - Thành phố Quảng Ngãi - Cảng Sa Kỳ - Đảo Lý Sơn.
Nghỉ dưỡng tại đây bạn còn có cơ hội chiêm bái, dâng hương tại ngôi chùa cổ linh thiêng thờ Đức Quan Thánh (được gọi là chùa Ông), được xây dựng năm 1821, tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo giao thoa văn hóa Việt - Hoa vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn. Chùa Ông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật quốc gia vào năm 1993. Bên cạnh đó, bạn còn có thể vãng cảnh, tưởng nhớ nhà thơ tài hoa và bạc mệnh Bích Khê.
- Khu du lịch sinh thái Hiland Suối Chí Quảng Ngãi
Khu du lịch sinh thái Suối Chí thuộc xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 35km). Đến nơi đây, du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, ngắm nhìn cảnh đẹp của rừng nguyên sinh, suối, thác và được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như leo núi, trượt tốc độ (zipline), đi cầu treo, bơi thuyền kayak, xe đạp nước, đạp vịt, chèo thuyền, tắm suối, chụp ảnh lưu niệm và nghỉ dưỡng, lưu trú ngắn ngày cũng như thưởng thức các món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê hương như cá tầm om chuối, thịt heo nướng muối, gà nướng muối...
Khu du lịch sinh thái HiLand Suối Chí là một trong những điểm du lịch mới, nhiều điểm check-in hấp dẫn đối với du khách, nhất là giới trẻ.
- KDL suối nước khoáng nóng Hamya Hotspring and Resort
Hamya Hotspring and Resort là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 7km về phía Tây.
Đây là khu nghỉ dưỡng, tắm bùn khoáng phục hồi sức khỏe chất lượng cao từ nguồn bùn khoáng và nước khoáng sẵn có của địa phương và đầy đủ tiện ích, dịch vụ phục vụ khách nghỉ dưỡng, teambuilding, hội nghị…
- Du lịch cộng đồng Ba Tơ
Dân tộc H’re cư trú chủ yếu ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, vốn nổi tiếng với kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể được chắt lọc trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của người bản địa. Năm 2019, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’re đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến với cộng đồng người H’re của huyện Ba Tơ, chúng ta sẽ có cơ hội trải nghiệm và khám phá kho tàng di sản độc đáo này.
Điểm trải nghiệm đầu tiên là tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ để cùng tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa oai hùng năm xưa và giao lưu với ba đội nghệ nhân: Đội cồng chiêng, đội múa hát và đội dệt thổ cẩm. Du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa cồng, chiêng độc đáo, được thưởng thức những làng điệu Ka-choi và Ka-lêu da diết, hòa cùng nhiều loại nhạc cụ dân tộc đàn Brook, Ching Ka-la, sáo ling la, ống tiêu ta-lía, đàn ống bút, khèn ra-vai, ra-ngói, pơ-pen... ca ngợi tình yêu chung thủy, ca ngợi tình yêu quê hương, sông núi, ca ngợi sự gắn kết cộng đồng...và được thưởng thức các món đặc sản địa phương như thịt trâu nấu lá xưng, lá lốt, cá niêng nướng, gà nướng, rau dớn, rượu cần...
Điểm trải nghiệm thứ hai là làng Teng, xã Ba Thành với mô hình Du lịch Thanh niên Ba Tơ. Du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị với nghề dệt vải của người dân nơi đây, được chiêm ngưỡng những người phụ nữ H’rê bên khung dệt, được tận tay lựa chọn để mua về những sản phẩm dệt ưng ý nhất. Thổ cẩm của người H’rê không chỉ là những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà còn thể hiện được tài năng, sự khéo léo, tinh thần sáng tạo và kỹ thuật tinh xảo của người dệt, đồng thời mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào H’rê. Du khách có thể hòa chung nhịp chiêng, điệu múa hát với những chàng trai, cô gái H’re mộc mạc, đầy khí phách của mảnh đất anh hùng để nghe họ kể những câu chuyện về đất và người H’re bên ché rượu cần nồng đượm.
Đến với Du lịch cộng đồng Ba Tơ, hãy liên hệ:
• Bảo tàng Khởi Nghĩa Ba Tơ, điện thoại: 055 3863235.
• Du lịch Thanh niên Ba Tơ, điện thoại: 0962. 807700.
- KDL Thác Trắng Minh Long
Thác Trắng nằm ở xã Thanh An, huyện Minh Long, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Đây là một trong những thác nước tự nhiên đẹp nhất miền Tây Quảng Ngãi với dòng nước chảy từ độ cao hơn 40m trắng xóa như dát bạc trên sườn núi đá dốc đứng. Dưới chân thác có hồ nước sâu rộng hàng trăm mét vuông, xanh biếc và mát lạnh. Đây là khu du lịch sinh thái rất hấp dẫn đối với du khách trong những ngày hè oi bức.
- Gành Yến
Gành Yến thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) là một mũi đá basalt ăn ra biển, nhô cao, thẳng đứng có nhiều chim Yến đến làm tổ. Gành Yến mang vẻ đẹp mạnh mẽ, quyến rũ bởi mũi đá như hình trăng khuyết và mỏm đá núi lửa ngầm nhấp nhô vươn ra biển hoang sơ. Trầm tích núi lửa ở Gành Yên có niên đại tương đồng với đảo Lý Sơn từ khoảng 10 - 11 triệu năm trước nhưng hoạt động núi lửa muộn hơn.
Đến Gành Yến du khách có thể ngắm nhìn những thửa ruộng hành bậc thang đẹp mắt, khám phá vẻ đẹp của những rạng san hô. Đặc biệt hơn nữa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức bích họa vẽ 3D tại thôn Thanh Thủy “độc nhất vô nhị” ở Quảng Ngãi và hiếm hoi trong cả nước.
- Miệt vườn Bình Thành
Cách TP. Quảng Ngãi chừng 8km về phía tây, đến với thôn Bình Thành, xã Hành nhân, huyện Nghĩa Hành, du khách được thỏa thích ngắm nhìn và thưởng thức hương vị đặc trưng của các loại trái cây vùng đất giàu phù sa màu mỡ bên sông như măng cụt, thanh long, chôm chôm, nhãn lồng, bưởi da xanh, sầu riêng.... trong khu vườn đầy nắng như đang ở miệt vườn miền Tây.
16. Bàu Cá Cái, huyện Bình Sơn
Bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn là nơi được trồng cây cóc trắng và cây đước phòng hộ chắn sóng, cải thiện môi trường sinh thái. Bàu Cá Cái có vẻ đẹp hoang sơ, lạ lẫm. Đến nơi đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm cảnh đẹp mới lạ, hoang sơ, chụp những bức hình thật đẹp, được trải nghiệm chèo thuyền, thả lưới, dùng nơm, vó đánh bắt cá cùng người bản địa.
17. Quần thể Di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra vào đêm 11/3/1945. Sau khởi nghĩa thắng lợi, ngày 12/3/1945 Đội du kích Ba Tơ được thành lập. Đây là lực lượng nòng cốt để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8/1945 của Quảng Ngãi và là tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu V.
Quần thể di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ gồm 9 điểm, phân bố trên địa bàn các xã Ba Vinh, Ba Động và thị trấn Ba Tơ, nằm cách TP.Quảng Ngãi 60 km về phía tây nam. Trong đó, có 6 điểm di tích thuộc thị trấn Ba Tơ gồm: Nha kiểm lý, sân vận động, hang Én, đoạn sông Liêng, dốc Ông Tài, đồn Ba Tơ. Quần thể di tích này được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Bảo tàng Ba Tơ đã được đầu tư xây dựng năm 1985 tại địa điểm đồn Ba Tơ và quảng trường, trưng bày nhiều hiện vật quí và hình ảnh về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Ngoài ra, đây cũng là nơi trình diễn văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Hrê, dệt thổ cẩm Làng Teng và giới thiệu ẩm thực địa phương.
18. Di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi
Từ huyện lỵ Bình Sơn ngược lên phía Tây gần 30 km là di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Ngày 28/8/1959, nhân dân các xã vùng cao Trà Bồng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên khởi nghĩa, phá xiềng xích kìm kẹp của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thắng lợi này đã tạo ra vùng giải phóng rộng lớn miền Tây Quảng Ngãi và đánh dấu giai đoạn lịch sử cách mạng quan trọng từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang ở chiến trường. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng trở thành bài học kinh nghiệm được nhân rộng, là mốc son chói lọi trong giai đoạn đồng khởi ở miền Nam.
Di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi gồm các điểm: Eo Chim, Đá Liếp, Trà Xuân, Gò Rô, Làng Ngãi... thuộc huyện Trà Bồng và Tây Trà, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi khoảng 60-80 km về phía Tây Bắc.
Hiện nay Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (toạ lạc ở trung tâm huyện lỵ Trà Bồng) còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến cuộc khởi nghĩa này, cũng như nhiều hiện vật dân tộc học về người Cor.
- Di tích Điện Trường Bà
Điện Trường Bà thuộc thuộc thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng cách TP.Quảng Ngãi 50 km về phía Tây.
Điện Trường Bà là nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y-A-Na hay còn gọi là Bà Chúa Ngọc, vốn là thần Mẹ xứ sở của người Chăm. Điện xây dựng theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Ngoài sân có hai bạch tượng đứng hai bên và đôi hạc chầu bên vạc.
Tuy qua nhiều lần trùng tu nhưng đến nay Điện Trường Bà vẫn còn giữ được ít nhiều kiến trúc cổ xưa, có sự giao thoa kiến trúc Hoa - Việt. Ngoài việc thờ phụng thần chủ là Thánh mẫu Thiên Y-A-Na (thiên thần), còn thờ đức Quan Thánh cùng hai vị nhân thần xác thực trong lịch sử là Bùi Tá Hán và Mai Đình Dõng, người đã có công khai khẩn, trấn thủ, giữ gìn bình yên cho vùng Thừa Tuyên Quảng Nam xưa.
20. Di tích Chùa Ông
Chùa Ông thuộc thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hoà, huyện Tư Nghĩa, cách TP.Quảng Ngãi 10 km về phía Đông.
Chùa Ông - tên chữ là Quan Thánh tự được xây dựng vào năm 1821, là ngôi chùa cổ còn nguyên vẹn duy nhất và nổi tiếng linh thiêng của Quảng Ngãi. Chùa có giá trị lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật, thể hiện qua các mảng chạm khắc, đắp nổi các khám thờ, bộ vì kèo, đỉnh mái, bình phong… với các mô típ trang trí cổ xưa hết sức tinh tế sống động. Trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ quý giá, nhiều sắc phong thần của các triều vua và các bia đá ghi công đức của những người đóng góp xây dựng chùa cách đây khoảng 200 năm trước.
21. Di tích Chùa Diệu Giác
Chùa Diệu Giác nằm ở cạnh Quốc lộ 1A thuộc thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 20km, cách trung tâm huyện lỵ Bình Sơn 2km. Trước đây có tên gọi là chùa Viên Tông được tạo lập vào khoảng đời vua Cảnh Trị (1600) do Thiền sư Chiêu Tông khai sơn. Hiện nay bảo tháp của ngài còn lưu lại trong vườn chùa. Năm Cảnh Hưng thứ 15 (1741), Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã ban “Sắc tứ Viên Tông tự” cho chùa. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), vì phạm húy nên chùa đổi tên thành “Diệu Giác tự” cho đến ngày nay.
Chùa Diệu Giác là cổ tự danh tiếng của vùng đất Quảng Ngãi. Chùa còn có phong cảnh hữu tình và lưu lại nhiều truyền thuyết lịch sử, như về mối tình của Huyền Trân công chúa và Trần Khắc Chung (1307), chuyện vua Lê Thánh Tông… gắn liền với các địa danh: Tàu Voi, Bàu Cừ, Đồng Công, Giếng Vệ, Vườn Quan…
22. Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm
Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm thuộc xã Phổ Hòa, Phổ Cường, huyện Đức Phổ và xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, cách TP.Quảng Ngãi 45 km về hướng Nam - Tây Nam. Tại đây còn lưu nhiều di tích, tài liệu, hình ảnh gắn với thời gian nữ Anh hùng - Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sống, chiến đấu tại Quảng Ngãi từ năm 1967-1970.
Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm là tài sản vô giá chị để lại cho quê hương, đất nước, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được triệu triệu độc giả trong và ngoài nước đón đọc, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam. Chị là một trong những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng Việt Nam, được nhân dân thế giới ngưỡng mộ, ngợi ca.
Phòng trưng bày, giới thiệu tài liệu về cuộc đời của Nữ Anh hùng Đặng Thùy Trâm đặt tại Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm tại xã Phổ Cường, dọc Quốc lộ 1A là một điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi đến tham quan tại tỉnh Quảng Ngãi.
23. Di tích Thành cổ Châu Sa
Di tích thành Châu Sa nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 6km về hướng Bắc. Thành Châu Sa là di sản kiến trúc của văn hóa Chămpa, người Việt sử dụng lại để làm lỵ sở Tam ty thời vua Lê Thánh Tông năm 1472. Thành được đắp bằng đất có quy mô lớn. Khu vực thành bao gồm các xã Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Thiện, Tịnh Khê thành phố Quảng Ngãi và chia làm 2 vòng thành: Thành nội và thành ngoại. Thành nội là khu trung tâm với hình hai càng cua bên ngoài, chạy theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây. Thành ngoại chạy theo hướng Bắc Nam gồm hai cạnh thành Đông, Tây, Bắc. Thành Châu Sa có một hệ thống đường thủy nối liền hào thành với Sông Trà Khúc nên rất thuận tiện cho thuyền bè đi lại. Bờ thành cao trên 4m, mặt thành rộng trung bình 5m, đáy thành rộng trên 25m, hào thành có đường nước rộng khoảng 40m. Thành Châu Sa là tòa thành đắp đất có quy mô lớn và còn nguyên vẹn nhất so với các thành Chămpa khác ở miền Trung Việt Nam.
24. Địa đạo Đám Toái - Bình Châu
Địa đạo Đám Toái được nhân dân địa phương đào từ năm 1945 để tránh các cuộc càn quét của dân Pháp. Đầu năm 1965, địa đạo được tu bổ, đào thêm làm nơi sơ cứu thương binh và dân chúng ở chiến trường Đông Bình Sơn. Địa đạo có tổng chiều dài trên 100m, chiều cao 1,6-1,9m, rộng 0,9m, uốn lượn hình chữ z. Sáng ngày 09/9/1965, sau thất bại ở trận Vạn Tường, quân Mỹ đã đổ bộ xuống bán đảo Ba Làng An càn quét và phát hiện được địa đạo. Chúng dùng mìn đánh sập địa đạo, giết hại khoảng 60 cán bộ, y bác sĩ, y tá, thương bệnh binh và nhân dân đang điều trị tại đây.
Di tích này nằm tại Ba Làng An, thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, là một bờ biển nên thơ và có nhiều ghềnh đá; cách TP.Quảng Ngãi 25 km về hướng Đông Bắc. Từ cửa Sa Kỳ và Ba làng An du khách có thể đi bằng tàu cao tốc ra đảo Lý Sơn khoảng chừng 45 phút.
25. Di tích Khánh Giang - Trường Lệ
Hiện nay, di tích Khánh Giang - Trường Lệ đã được xây dựng tượng đài và bia ghi tội ác của lính Mỹ, cách thành đá Thiêm Xuân khoảng 3 km về phía Tây. Vào ngày 18/4/1969 tiểu đoàn Tiger Force hành quân càn quét, đốt phá nhà cửa, giết súc vật và tàn sát 63 phụ nữ và trẻ em. Đây là vụ thảm sát tàn bạo, man rợ của quân đội Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Quần thể di tích có 3 địa điểm gồm gò Đập Đá, vườn nhà Ông Xu, mé vườn Ông Thuỷ.
26. Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Trung Bộ
Gồm 3 điểm đều nằm ở bờ bắc sông Phước Giang, thuộc thôn Phú Bình, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), cách TP.Quảng Ngãi 10km về phía Tây Nam. Đây là nơi Trung ương Đảng và Chính phủ chọn đặt cơ quan Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Trung bộ để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp (từ 1946-1949). Đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (Chủ tịch Mặt trận Liên Việt) đều làm việc tại đây và cũng là nơi cụ Huỳnh tạ thế ngày 21/4/1947.
27. Đình An Định
Đình An Định thuộc thôn An Định, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, cách TP.Quảng Ngãi 12km về phía Tây Bắc. Đình An Định được tạo lập vào đầu thế kỷ 19 do một số họ Tiền hiền khai cơ, lập nghiệp đóng góp. Đình bao gồm quần thể các công trình xây dựng như cổng, trụ biểu, bình phong, đình chính, nhà hội, miếu thờ sơn thần, thổ thần. Đình An Định là di tích gắn liền với công cuộc khẩn hoang lập làng của người Việt. Đình còn bảo lưu các tác phẩm điêu khắc gỗ đẹp và tinh xảo vào loại bậc nhất miền Trung.
28. Di tích Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán
Bùi Tá Hán (1496-1568), người Châu Hoan (Nghệ An). Ông là vị tướng tài kiêm văn võ, có công lớn trong việc ổn định và khai phá vùng đất Thừa Tuyên Quảng Nam (từ Đà Nẵng đến Phú Yên) vào thế kỷ 16. Ông được nhà nước phong kiến triều Lê Trung Hưng (1546) phong tước Quận công và các triều đại sau tấn phong Trấn quốc công, suy tôn là Thượng đẳng thần.
Di tích Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán hiện nay tọa lạc tại Rừng Lăng, thuộc phường Quảng Phú, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 4 km về hướng Tây Bắc. Trong đền thờ có hai pho tượng gỗ, một pho tượng là Bùi Tá Hán, tương truyền do một nhà sư ở Phú Yên tạc chân dung ông vào lúc sinh thời, còn tượng kia là tượng Xích Y họ Hạ, vốn là bộ tướng của Ông. Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hoá như: 24 sắc phong từ triều vua Cảnh Thịnh đến Khải định, trong đó có 9 sắc phong cho Bùi Tá Hán, 7 sắc phong cho Xích Y họ Hạ, 8 sắc phong cho Bùi Tá Thế - con trai Bùi Tá Hán, danh tướng triều Lê và bia đá, liễn đối cẩn xà cừ, tam sự…
29. Di tích chiến thắng Vạn Tường
Di tích chiến thắng Vạn Tường có 8 điểm nằm trên địa bàn các thôn Vạn Tường, Lộc Tự, An Cường… thuộc xã Bình Hòa và Bình Hải, huyện Bình Sơn, Cách TP.Quảng Ngãi 25 km về hướng Đông Bắc.
Ngày 18/8/1965 bộ đội chủ lực Quân khu V đã phối hợp cùng bộ đội và du kích địa phương đánh bại cuộc hành quân “Ánh sáng sao” của quân đội Mỹ. Chiến thắng này cho thấy khả năng quân và dân ta có thể đánh thắng quân viễn chinh Mỹ trong điều kiện đối phương được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Quần thể di tích Chiến thắng Vạn Tường bao gồm: Chiến hào thép Lộc Tự, Sở chỉ huy trung đoàn 1 (Quân Khu V) xóm Hải Nam, Đỉnh đồi 61, xác máy bay ở thôn Phước Thiện, xác xe tăng…
30. Di tích Trường Lũy Quảng Ngãi
Trường Lũy là một di tích kiến trúc, bao gồm các yếu tố: Thành lũy - đồn (bảo) - đường cổ, có giá trị văn hóa đặc biệt, là công trình kiến trúc dài nhất Đông Nam Á, đa dạng về chất liệu, có cấu trúc độc đáo, là biểu tượng cho công sức lao động và sáng tạo của nhân dân trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, là một tài nguyên du lịch hấp dẫn.
Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và tiềm năng phát triển du lịch của di tích Trường Lũy Quảng Ngãi, ngày 09/3/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận xếp hạng di tích Quốc gia.
Theo sử liệu, vào khoảng giữa thế kỷ XVI, một vài đồn (bảo) ở miền Tây Quảng Ngãi được Bùi Tá Hán (1496-1568) cho xây dựng để nhằm kiểm soát giao thương và bình định vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1750, khi được cử làm Tuần vũ Quảng Ngãi, Nguyễn Cư Trinh cũng tiếp tục cho xây dựng một số đồn (bảo) khác trên vùng đất này.
Tuy nhiên, để có một Trường Lũy dài hàng trăm km, nối kết hàng trăm đồn (bảo) lại với nhau, hình thành một hệ thống đồn - lũy liên hoàn, chạy từ huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam đến phía bắc phủ Bồng Sơn tỉnh Bình Định, phải nhờ đến công sức của hàng ngàn binh lính và nhân dân các dân tộc của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đặc biệt là nhân dân các dân tộc Kinh, Hrê ở Quảng Ngãi cùng nhau xây dựng vào năm 1819 dưới sự chỉ huy của Tá quan Lê Văn Duyệt (1764-1832). Theo các bộ chính sử của triều Nguyễn, như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí….thì Trường Lũy dài 117 dặm, 115 bảo, mỗi bảo có khoảng 10 lính canh gác, nhằm kiểm soát việc qua lại và giao thương giữa hai vùng. Hiện nay, sau khi đi khảo sát và nghiên cứu toàn bộ tuyến lũy trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã xác định được 127,4km Trường Lũy. Trong đó, trên đất Quảng Ngãi có 113km, trải dọc qua 08 huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ và còn lại khoảng hơn 70 đồn (bảo) còn tương đối nguyên vẹn; tiêu biểu như: Di tích Thiên Xuân, di tích Khánh Giang (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành); di tích Rùm Đồn (Rừng Đồn) và di tích Đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành)… Một số đoạn lũy tiêu biểu, như các đoạn lũy ở xã Trà Sơn, Trà Xuân, Trà Bình (huyện Trà Bồng), Nghĩa Thắng, Nghĩa Thọ (huyện Tư Nghĩa), xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành), xã Ba Động (huyện Ba Tơ)…. Hầu hết là lũy, bảo xây hoàn toàn bằng đá. Độ cao trung bình của lũy là 2m, đáy trung bình 4m, bề mặt trung bình 1m. Các đồn (bảo) phần lớn hình chữ nhật có chiều dài mỗi cạnh phổ biến 25 đến 30 mét độ cao trung bình tường đồn 4m, đáy 5m, bề mặt trung bình 1m.
31. Nhà lưu niệm Nguyễn Nghiêm
Là nơi ghi dấu cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Nghiêm, người con ưu tú của Quảng Ngãi, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi. Nhà lưu niệm Nguyễn nghiêm tọa lạc tại thôn Tân Phong, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, cách TP.Quảng Ngãi chừng 35km về phía Nam, là nơi “về nguồn” của các thế hệ học sinh, sinh viên và tuổi trẻ Quảng Ngãi.
32. Làng nghề
• Làng nghề truyền thống gốm Mỹ Thiện
Làng gốm Mỹ Thiện thuộc địa phận thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn. Đây là làng nghề phát triển sớm (từ đầu thế kỷ XVII), sản xuất được nhiều kiểu dáng xinh đẹp, tinh xảo như: Nồi, chum, chậu kiểng, bình hoa, ấm trà… Vào thế kỷ 19, nơi đây đã áp dụng kỹ thuật chế tạo men vào sản xuất đồ gốm. Gốm Mỹ Thiện hoàn toàn được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay, nguyên liệu làm gốm là đất sét được lọc kỹ tạp chất. Bằng sự khéo léo, sáng tạo, kế thừa truyền thống, các nghệ nhân làng gốm Mỹ Thiện đã tạo ra những sản phẩm đẹp về kiểu dáng, có giá trị thẩm mỹ cao.
Du khách có thể tham quan trải nghiệm tại nhà nghệ nhân Đặng Văn Trịnh hoặc đến thăm Nhà trưng bày đồ cổ của nhà sưu tập Lâm Dzũ Xênh ngay tại thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn.
• Làng nghề dệt chiếu
Nghề dệt chiếu vẫn còn tồn tại và phát triển ở các làng xã ven biển như: Tịnh Khê (thành phố Quảng Ngãi), Nghĩa Hà (thành phố Quảng Ngãi), đặc biệt là ở Nghĩa Hoà (Tư Nghĩa). Những nơi này người ta chú trọng đến việc trồng cói - nguyên liệu chính để dệt chiếu. Để dệt được một tấm chiếu đẹp người ta chỉ cần dùng các dụng cụ thô sơ như trục, con ngựa, khổ… tất cả đều bằng gỗ hoặc tre. Chiếu Thu Xà (Nghĩa Hoà) dày dặn, màu sắc hài hòa, đa dạng mẫu mã, bền và mát nên được ưa chuộng trên thị trường.
- Làng dệt thổ cẩm
Làng Teng thuộc xã Ba Thành cách huyện lỵ Ba Tơ 4km về phía Đông là làng duy nhất còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi.
Thổ cẩm của người Hrê có nhiều hoa văn họa tiết rất đẹp. Sản phẩm đủ các loại, từ váy (kà tu), khố (kapen), tấm địu con (Katăk), khăn đội đầu (mul), dây đeo (sipăh), khăn gói trầu cau, lễ vật (tagóh), mền đắp (veixan). Những dịp cúng mừng năm mới, hội làng, lễ cưới không thể thiếu tiếng cồng chiêng, rượu cần và trang phục truyền thống của người Hrê.