Đau ngực bên phải ít được đề cập đến hơn so với đau ngực trái. Nhưng nó có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm hơn như viêm phổi, viêm ở tim,… Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi gặp một cơn đau ngực phải dữ dội. Tìm hiểu và nắm rõ những nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị để phòng ngừa đau ngực bên phải tốt hơn.
Đau ngực bên phải là gì?
Đau ngực bên phải là tình trạng người bệnh cảm thấy bị đè nặng, lồng ngực bên phải như bị bóp nghẹt lại gây khó thở. Cơn đau có thể xuất hiện chỉ trong vài phút ngắn ngủi, nhưng cũng có nhiều trường hợp đau ngực bên phải kéo dài hàng giờ đồng hồ. Mức độ đau tăng lên khi hít thở sâu, lan rộng ra khắp vùng ngực, sang vùng bả vai, tay.
Đau tức ngực ở bên phải do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như làm việc hoặc vận động quá sức, mắc các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, vấn đề cơ xương hoặc nguy hiểm hơn là bệnh liên quan đến tim, phổi. (1)
Các vị trí đau tức ngực phải phổ biến
Đau ngực phải thường gặp ở các vị trí như sau:
1. Đau ngực dưới bên phải
Vị trí đau ngực dưới bên phải hay còn gọi là đau tức hạ sườn bên phải. Đây là triệu chứng điển hình của các bệnh lý về gan, túi mật, phổi hoặc các cơ quan lân cận ở góc phần tư bên phải bụng gặp vấn đề.
2. Đau ngực phải gần nách
Khi cơn đau ngực phải xuất hiện với cường độ cao có thể đau lan ra cả vùng gần nách. Điều này khiến người bệnh khó khăn trong việc cử động mạnh tay phải, đau khi đưa tay phải lên cao. Vị trí đau này cũng có thể là dấu hiệu cho thấy phần cơ xương bả vai bị tổn thương, hoặc là triệu chứng của bệnh tuyến vú.
Triệu chứng đau ngực phải thường gặp
Ở mỗi bệnh nhân, sự xuất hiện của cơn đau ngực phải không giống nhau. Có trường hợp cơn đau xuất hiện đột ngột và kết thúc nhanh chóng. Nhưng cũng không ít người phải chịu đựng cơn đau âm ỉ trong vài giờ. Nếu đau tức ngực bên phải dữ dội, cơn đau thường sẽ lan ra xung quanh cùng với một số triệu chứng khác. (2)
Đối với đau ngực bên phải liên quan đến vấn đề tim mạch, người bệnh có thể gặp các triệu chứng:
- Tức ngực, ngực bị đè áp, áp lực nặng lên ngực;
- Khó thở, hụt hơi, vã mồ hôi;
- Tim đập nhanh bất thường;
- Bị chóng mặt, buồn nôn;
- Cơn đau lan lên cổ, quai hàm, vai và cánh tay;
- Đau kéo dài hơn 1 phút và có thể quay lại với cường độ mạnh hơn.
Đối với đau ngực bên phải không liên quan đến tim mạch có thể kèm theo các triệu chứng:
- Bị nóng rát ở phần xương ức;
- Ợ chua, cảm giác bị vướng ở cổ họng, khó nuốt;
- Đau nhiều hơn khi hít thở sâu hoặc khi ấn vào ngực;
- Ho dai dẳng, khàn tiếng;
- Sốt.
Nguyên nhân gây đau ngực phải
Đau ngực phải có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:
1. Viêm cơ tim
Khi tim bị tổn thương, bị viêm, cơn đau tim xuất hiện sẽ kéo theo triệu chứng đau ngực. Thông thường, đau tim sẽ gây đau ngực trái, nhưng nếu cơn đau nghiêm trọng thì sẽ lan ra cả phần ngực bên phải.
2. Tăng áp phổi
Trong tăng áp phổi, các mạch máu phổi co thắt hoặc bị tắc nghẽn, gây ra tình trạng phì đại, suy thất phải, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của tim phải. Triệu chứng điển hình của tăng áp phổi là người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, khó chịu hoặc đau tức ở ngực, một số trường hợp nặng có thể bị ngất.
3. Thuyên tắc phổi
Xảy ra khi cục máu đông từ một tĩnh mạch di chuyển theo dòng máu đến phổi, gây ra cơn đau ngực bên phải một cách đột ngột kèm theo khó thở. Đối với bệnh nhân có thuyên tắc phổi nhỏ thường không có triệu chứng. Nhưng nếu cục máu đông quá lớn có thể khiến bệnh nhân bất tỉnh nhanh chóng.
4. Căng thẳng, lo lắng
Thường xuyên lo lắng, căng thẳng quá mức trong công việc, cuộc sống hoặc bị hoảng loạn sẽ có những triệu chứng tương tự với đau tim như: Đau tức ngực bên phải hoặc đau khắp vùng ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, đánh trống ngực,…
5. Căng cơ
Trường hợp bị căng cơ hoặc bong gân các cơ ở vùng ngực khi tập luyện thể thao, vận động mạnh sẽ khiến bạn cảm thấy đau tức ngực phải. Sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giảm đau có thể giúp cơn đau ngực giảm đi đáng kể. (3)
6. Chấn thương ở vùng ngực phải
Các chấn thương ở vùng ngực phải như bị tai nạn khi tham gia giao thông, khi lao động, tập luyện cường độ cao có nguy cơ làm hỏng cấu trúc tạo nên ngực. Điều này làm ảnh hưởng đến tim, phổi và các cơ quan khác trong lồng ngực. Khi bị chấn thương ở ngực phải, thường sẽ có vết bầm tím, sưng tấy, người bệnh thấy khó thở.
7. Khó tiêu, ợ chua
Ăn uống khó tiêu là một trong những nguyên nhân gây ra cơn đau tức ngực bên phải. Bởi nó gây ra các triệu chứng như đầy bụng, chướng hơi. Người bệnh có cảm giác muốn nôn sau khi ăn xong, kèm theo ợ chua, nóng rát thực quản, gây đau tức ngực.
8. Trào ngược dạ dày
Thức ăn cùng với axit dư thừa trong dạ dày bị trào ngược lên trên thực quản sẽ gây ra các triệu chứng bao gồm: Ợ hơi, buồn nôn và nôn, ho, có mùi hôi khó chịu trong miệng, đau rát vùng thượng vị, đau tức ngực,…
9. Viêm sụn sườn
Đây là tình trạng viêm sụn nối xương sườn với xương ức, viêm dẫn đến cơn đau dữ dội và trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh hít thở sâu hay vận động mạnh. Viêm sụn sườn gây ho, đau tức ngực phải hoặc toàn vùng ngực. Bệnh thường tự khỏi nhưng tốt hơn là bạn nên nghỉ ngơi nhiều, chườm nóng hoặc lạnh để hỗ trợ phục hồi nhanh chóng.
10. Viêm túi mật
Túi mật bị viêm thường do vi khuẩn gây ra với các triệu chứng như: Đau nhói ở phần ngực dưới bên phải (hạ sườn phải), đau bên dưới xương bả vai phải hoặc đau lan ra sau lưng, buồn nôn và nôn, sốt, đầy hơi, vàng da, vàng mắt,…
Các triệu chứng của viêm túi mật trở nên nặng hơn khi người bệnh hít thở sâu hoặc ăn quá nhiều chất béo. Khi cơn đau xuất hiện, nên ngồi nghỉ ngơi, sau đó đến bệnh viện kiểm tra nếu cơn đau không giảm.
11. Bệnh zona thần kinh (giời leo)
Loại virus gây bệnh thủy đậu có thể tiếp tục gây ra bệnh giời leo, hay còn gọi là bệnh zona. Virus này gây phát ban, đau bên trái hoặc bên phải ngực. Bị giời leo tại ngực, người bệnh còn có cảm giác tê tái, ngứa ran như đốt cháy vùng ngực. Triệu chứng ban đầu sẽ có sốt, đau, nhạy cảm tại nơi bị giời leo. Sau đó nó sẽ phát triển thành ban gây ngứa và đau nhiều hơn.
12. Viêm màng phổi
Lớp màng bao quanh phổi bị viêm gây ra ma sát giữa hai lớp mô. Viêm màng phổi dẫn đến những cơn đau nhói ở ngực bên phải, mức độ đau tăng lên khi hít thở, ho khan kéo dài, cơ thể mệt mỏi, tức ngực râm ran,…
13. Tràn khí màng phổi
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tràn khí màng phổi, điển hình là do hút thuốc, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, xơ nang,… Tình trạng tràn khí màng phổi khiến cho không khí bị thoát ra ngoài và đi vào khoảng trống giữa phổi và thành ngực. Điều này có thể gây xẹp phổi. Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi thường thấy khó thở, tim đập nhanh, đau tức ngực, chóng mặt,…
14. Gãy xương sườn
Xương sườn có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan nội tạng bên trong lồng ngực. Một cơn đau dữ dội xuất hiện nếu bạn bị gãy xương sườn. Khi đó, cần được đưa đi cấp cứu để tránh trường hợp tính mạng bị đe dọa.
15. Ung thư phổi
Đau tức ngực phải có thể xảy ra nếu bạn bị ung thư phổi ở mức độ nặng, tế bào ung thư đã lan rộng. Đi kèm với đó, bệnh nhân còn gặp một số triệu chứng như: Ho ra máu, khó thở, đau đầu, buồn nôn, đau vai, sốt kéo dài,…
Phương pháp chẩn đoán tình trạng đau tức ngực bên phải
Đau tức ngực bên phải do nhiều nguyên nhân gây ra. Trước tiên, bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng mà người bệnh gặp phải để xem xét. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng để có kết quả chính xác hơn, bao gồm:
- Điện tâm đồ
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm men tim
- X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực
- Nghiệm pháp gắng sức
- Siêu âm tim
- Chụp lớp cắt vi tính động mạch vành
- Chụp cộng hưởng từ
- Nội soi phế quản, đường tiêu hóa
Biến chứng có thể xảy ra với tình trạng đau ngực bên phải
Tùy thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng của cơn đau tức ngực bên phải để đánh giá nó có nguy hiểm hay không. Nếu đó chỉ là cơn đau nhẹ và không có dấu hiệu của bất kỳ bệnh lý nào khác thì đó chỉ là một vấn đề bình thường, cơn đau thoáng qua không đáng ngại.
Nhưng trên thực tế, người bệnh khó để xác định chính xác đâu là nguyên nhân gây tức ngực phải. Vì vậy, không nên chủ quan vì nó có thể là dấu hiệu ban đầu hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng của các bệnh lý như:
- Vấn đề về phổi: Viêm màng phổi, tràn khí màng phổi, tăng áp động mạch phổi, thuyên tắc phổi, ung thư phổi,…
- Vấn đề về tim như viêm cơ tim…
- Vấn đề về cơ xương: Chấn thương vùng ngực, căng cơ ngực, viêm sụn sườn,…
- Vấn đề về hệ tiêu hóa: Trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu,…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nhiều người chủ quan khi bị tức ngực bên phải vì nó ít được nhắc đến hơn so với đau ngực bên trái hoặc đau giữa ngực. Tuy nhiên, khi đau ở vùng ngực bên phải trở nên nghiêm trọng, không có dấu hiệu giảm đau cho dù đã nghỉ ngơi, kèm theo đó là một số triệu chứng khác thì bạn cần đến gặp bác sĩ:
- Đau đột ngột bên ngực phải không rõ nguyên nhân;
- Cơn đau dữ dội lan ra vùng bả vai, cánh tay phải, cổ, quai hàm hoặc đau xung quanh cả vùng ngực;
- Cường độ đau vẫn tăng cho dù đã ngồi nghỉ ngơi;
- Tức ngực, khó thở, đánh trống ngực, nhịp tim không đều;
- Cảm thấy người mệt mỏi, không có sức sống;
- Bị chóng mặt, cảm giác buồn nôn, ngất xỉu;
- Bị vã mồ hôi lạnh. (4)
Phương pháp điều trị đau tức ngực phải
Việc điều trị đau ngực bên phải phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm, chẩn đoán nguyên nhân gây ra cơn đau.
- Khi cơn đau ngực phải bất ngờ xuất hiện, trước tiên người bệnh cần dừng ngay công việc đang làm, ngồi nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, có bóng râm;
- Áp dụng liệu pháp hành vi, thuốc an thần, thiền,… nếu đau ngực phải xuất phát từ nguyên nhân người bệnh bị căng thẳng quá mức hoặc hoảng loạn;
- Dùng thuốc loãng máu trong trường hợp bị huyết khối;
- Liệu pháp oxy;
- Thuốc aspirin, thuốc giãn mạch nitroglycerin;
- Khi xác định cơn đau ngực phải là dấu hiệu của một căn bệnh khác như bệnh về tim, phổi, hệ tiêu hóa,… thì bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bệnh, từ đó giúp giảm dần triệu chứng đau ngực phải.
Làm thế nào để phòng ngừa đau ngực phải?
Để phòng ngừa tình trạng tức ngực phải, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Xây dựng lối sống lành mạnh, có lợi cho tim, phổi bao gồm: Dinh dưỡng khoa học, tập luyện thể dục đều đặn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, giảm căng thẳng quá mức,…
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý nguy hiểm gây đau ngực bên phải.
Nếu bạn lo lắng về những cơn đau ngực phải có thể gây ra biến chứng đến tim, hãy đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh theo thông tin:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 - 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://tamanhhospital.vn
Những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng của tình trạng đau ngực bên phải trên đây hy vọng có thể giúp chúng ta nhận biết dấu hiệu bất thường và thăm khám sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.