Thâm môi là hiện tượng môi bị thâm sạm, xỉn màu, thiếu sức sống, hiện tượng này thường gặp ở rất nhiều người, phổ biến ở cả nam và nữ. Đôi môi thâm không chỉ ảnh hưởng đến sự tự tin, thẩm mỹ cho khuôn mặt mà còn gây khó khăn trong quá trình trang điểm, làm đẹp của các chị em phụ nữ. Hãy cùng tìm hiểu môi thâm thiếu chất gì ngay sau đây.
Tại sao môi bị thâm?
Môi là vùng da rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất bởi những tác động từ môi trường cũng như các yếu tố từ trong cơ thể. Vùng da môi được phân ra làm 2 phần đó là vùng môi khô và vùng môi ướt. Phần môi khô có chứa melanin do tế bào melanocytes sản sinh ra, khi tế bào này bị tổn thương sẽ tiết ra quá mức melanin khiến vùng môi không còn mềm mại, căng bóng hồng hào mà trở nên thâm, tối màu. Vùng môi khô được xem là vùng bán niêm mạc, do đó, da vùng môi khô sẽ có thể gặp phải những tình trạng tương tự với da của chúng ta như thâm sạm, khô, thiếu ẩm.
Môi thâm thiếu chất gì?
Sắc tố môi được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó có dinh dưỡng. Khi gặp phải tình trạng môi thâm, có thể bạn đang thiếu một số chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể. Vậy môi thâm thiếu chất gì?
Thiếu máu
Thiếu máu sẽ khiến cho cơ thể của bạn bị suy nhược, thiếu sức sống, da niêm tái nhợt và cũng khiến cho đôi môi của bạn bị nhợt nhạt, thâm đen. Nhiều nghiên cứu cho rằng, hemoglobin trong máu quyết định sắc đỏ của máu, khi thiếu máu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt đáng kể hemoglobin vì thế sẽ dẫn đến tình trạng nhạt màu, thâm của vùng da niêm mạc nói chung và vùng da môi nói riêng. Bất kể nguyên nhân thiếu máu là gì cũng sẽ gây ra nguy cơ thâm môi, nhưng thường gặp nhất là những nguyên nhân sau đây:
- Thiếu máu do thiếu sắt.
- Thiếu máu do thiếu vitamin B9 và vitamin B12.
- Mắc những bệnh gây tán huyết như Thalassemia, thiếu men G6PD, tán huyết do sốt rét…
Thiếu vitamin C
Vitamin C hay ascorbic axit là một chất có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa cho cơ thể, tăng cường sức khỏe. Ngoài ra vitamin C còn hỗ trợ, tăng cường hoạt động của vitamin E, thúc đẩy sự phục hồi tổn thương da, các mảng bầm, thâm sậm màu trên da.
Cơ chế hoạt động của vitamin C là sẽ trực tiếp đi vào vị trí vùng da bị thâm, tác động vào dãy tế bào melanocytes ở lớp thượng bì đang bị kích thích hoạt động quá mức và ức chế chúng, qua đó sẽ ức chế hình thành melanin - nguyên nhân chính gây mờ thâm. Thiếu vitamin C rất có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thâm da vùng môi của bạn, vì vậy bạn nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin C để bờ môi của bạn lúc nào cũng hồng hào, căng bóng nhé.
Thiếu nước làm cho môi khô và thâm
Chắc hẳn mọi người đều biết được tầm quan trọng không thể thay thế của nước đối với cơ thể. Một cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ giúp ích cho quá trình chuyển hóa, đào thải các chất mà biểu hiện ra bên ngoài là làn da bóng khỏe, đôi môi hồng hào căng mọng.
Nếu bạn gặp phải tình trạng da sạm khô, môi khô nứt nẻ chính là dấu hiệu của việc uống không đủ nước theo nhu cầu. Tình trạng này kéo dài lâu sẽ mang lại hậu quả là một đôi môi xỉn màu, khô bong tróc và thậm chí là chảy máu. Việc thường xuyên thở bằng miệng hay thói quen liếm môi cũng khiến cho môi nhanh bị mất nước vì mất đi lớp dầu bảo vệ tự nhiên trên bề mặt môi. Các chuyên gia khuyên bạn nên cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày tùy theo thể trạng của cơ thể (ít nhất là 2 lít nước) và từ bỏ thói quen xấu như liếm môi.
Các yếu tố bên ngoài làm cho môi thâm
Ngoài các nguyên nhân trên, câu hỏi môi thâm thiếu chất gì có thể trả lời bởi những tác động như:
- Do tác động trực tiếp với ánh nắng mặt trời: Tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời rất có hại cho da của chúng ta. Chỉ số UV cao sẽ làm da chúng ta bị tổn thương, lão hóa nhanh gây các bệnh như ung thư da,… Do đó cơ thể sẽ tự bảo vệ bằng cách tăng sản sinh hắc tố melanin làm da bị thâm, sẫm màu hơn.
- Hút thuốc lá: Trong thuốc là có chứa Nicotine - đây là một chất độc gây ảnh hương xấu đến sức khỏe con người, làm cho răng bị ố vàng, hôi miệng và làm cho môi bị biến màu, trở nên thâm đen hơn. Nguyên nhân này thường gặp ở nam giới.
- Trà và cà phê: Trong trà và cà phê có chứa một lượng lớn Caffeine. Caffeine cũng là một chất làm thay đổi màu sắc của môi, khi sử dụng nhiều có thể làm môi trở nên thâm sạm dần. Để khắc phục, giảm thiểu tình trạng trên bạn cần uống bổ sung nhiều nước và đủ với nhu cầu nước hằng này của bạn sau khi uống trà và cà phê.
- Dùng son môi kém chất lượng: Hiện nay có một số loại son kém chất lượng có chứa thành phần là chì với nồng độ vượt quá mức quy định. Chì là một hóa chất độc hại và thường được đưa vào son nhằm giữ cho màu son bám trên môi lâu hơn, khi sử dụng nhiều sẽ khiến môi bị xỉn màu và thâm đen thậm chí dẫn tới ung thư.
Trên đây là một vài nguyên nhân để giải đáp cho câu hỏi môi thâm thiếu chất gì? Hi vọng với những thông tin trên, bạn sẽ có thêm cho mình được những kiến thức để chăm sóc môi hiệu quả, chắc hẳn bạn sẽ có được một đôi môi căng mọng hồng hào đáng mơ ước.
Xem thêm:
- Bật mí bí quyết chăm sóc môi chỉ với vài bước cực đơn giản
- 8 cách dưỡng môi tại nhà đơn giản, hiệu quả cao