Cảnh sát chìm làm sao bắt cá nhiều tay? Chiêu gạ tình của cảnh sát “chìm” Anh Cuộc sống “hai mặt” của những cảnh sát chìm
Không được dùng hành vi quan hệ tình dục để "bẫy" nghi phạm
Trong tài liệu hướng dẫn dài 80 trang về cảnh sát chìm do College of Policing - một tổ chức có chức năng hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo cho cảnh sát Anh ghi rõ: cảnh sát chìm sẽ được phép quan hệ tình dục và sử dụng ma túy ở "mức giới hạn" với các nghi phạm trong trường hợp bị đe dọa hoặc có nguy cơ bị lộ.
Tuy nhiên, để đảm bảo các quy định được thực thi một cách nghiêm túc, cảnh sát chìm chỉ có thể thực hiện hai hành vi nêu trên khi được cấp trên chấp thuận và đánh giá là thực sự cần thiết và phù hợp.
"Hoạt động đấu tranh chống tội phạm của lực lượng cảnh sát sẽ đạt hiệu quả tốt nếu cảnh sát chìm trực tiếp tham gia thu thập chứng cứ từ tội phạm. Cảnh sát tuyệt đối không được dùng hành vi quan hệ tình dục hay sử dụng ma túy để bẫy các nghi phạm. Bằng cách công bố bản hướng dẫn này, chúng tôi muốn người dân hiểu, chiến thuật trong hoạt động nằm vùng của lực lượng cảnh sát luôn được tiến hành một cách hợp pháp", ông Alex Marshall, Tổng giám đốc của College of Policing cho biết.
Ông Marshall nói thêm, cảnh sát mật là một chiến thuật được sử dụng để bảo vệ người dân và đưa tội phạm ra trước công lý.
Ông Alex Marshall nhấn mạnh, hoạt động nằm vùng của lực lượng cảnh sát là việc làm hết sức cần thiết. Về nguyên tắc, các nhân viên không được phép có "những mối quan hệ thân mật" khi làm nhiệm vụ, tuy nhiên, cần nhìn nhận lại vấn đề nếu cuộc sống của cảnh sát đang bị đe dọa.
"Thực tế cho thấy, các nhóm tội phạm có thể sử dụng "chiêu" lôi kéo quan hệ tình dục hay sử dụng ma túy như một phép thử xem có phải là sĩ quan cảnh sát hay không. Nhân viên cảnh sát chỉ được phép tham gia "ở mức độ vi phạm thấp" và hành vi đó chỉ đóng vai trò thứ yếu trong toàn bộ chiến dịch chống tội phạm. Hành vi này không bao giờ được chấp nhận nếu cảnh sát mật sử dụng để thiết lập mối quan hệ với những người mà họ đang tìm cách tiếp cận. Nếu hành vi quan hệ tình dục xảy ra trong tình huống ngoài hướng dẫn này thì cảnh sát chìm sẽ bị điều tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Alex Marshall nói.
Một số bê bối tình dục của cảnh sát chìm
Đây là lần đầu tiên, văn bản hướng dẫn hoạt động của cảnh sát chìm được công bố sau những vụ bê bối cảnh sát chìm có quan hệ tình dục với phụ nữ trong khi thực thi công vụ. Vào năm 2011, 8 phụ nữ đã trình đơn kiện lên tòa án ở London tố cáo 5 cảnh sát chìm đã dụ dỗ, quan hệ tình dục với họ trong thời gian dài nhằm mục đích thâm nhập tổ chức mà họ tham gia. Thậm chí, có phụ nữ cho rằng, đã sinh con với cảnh sát chìm.
Thực tế cho thấy, cảnh sát Anh đã phải giải quyết những vụ việc tương tự bằng cách trả một khoản tiền bồi thường, đưa ra lời xin lỗi công khai và khẳng định cảnh sát chìm không bao giờ được phép tham gia vào các mối quan hệ như vậy vì đó là sự "vi phạm trắng trợn phẩm giá con người".
Vấn đề đạo đức của cảnh sát chìm từng gây nên những cuộc tranh cãi lớn ở Anh sau khi nhân viên cảnh sát Mark Kennedy bị "tố" đã quan hệ tình dục với phụ nữ khi cố gắng xâm nhập vào một nhóm biểu tình cách đây vài năm.
Một luật sư nhân quyền cho biết, rất khó để tưởng tượng rằng, cuộc sống hay cái chết của cảnh sát lại có thể được đánh đổi bằng hoạt động tình dục. "Rõ ràng, một số cán bộ đã sử dụng vị trí công tác của mình để lợi dụng phụ nữ trẻ. Không gì có thể biện minh cho hành vi này", vị luật sư nói.
Vào năm 2013, Bob Lambert, một nhân viên cảnh sát chìm hoạt động với bí danh Bob Robinson đã bị "tố" ngủ với bốn phụ nữ và có con với một trong số đó. Sau đó, Lambert đã phải lên tiếng xin lỗi những người phụ nữ và cho rằng tính chất hoạt động của cảnh sát chìm đã buộc ông phải quan hệ tình dục với phụ nữ.
Các phương tiện truyền thông Anh đưa tin, ông Lambert đã sử dụng bí danh Bob Robinson trong thời gian 5 năm để thâm nhập vào hoạt động của các nhóm bảo vệ môi trường. Trong một cuộc phỏng vấn với Channel 4 News, Bob Lambert nói rằng, hành vi của ông "đáng lên án về mặt đạo đức".
"Tôi chỉ có thể nói rằng, tôi thực sự hối tiếc về hành động của mình. Tôi xin được gửi lời xin lỗi đến những người phụ nữ đã bị ảnh hưởng. Tôi luôn muốn là một người chồng chung thủy. Tôi đã phản bội chính niềm tin của mình kể từ khi trở thành một sĩ quan cảnh sát mật", ông Bob Lambert nói.
Gần đây, mối tình giữa Helen Steel, 50 tuổi, một nhà hoạt động thuộc nhóm hành động vì môi trường xanh ở London và John Dines - nhân viên cảnh sát mật thuộc Đội đặc nhiệm chống biểu tình (SDS) của cảnh sát London (MET) cách đây 25 năm được hé lộ đã khiến nhiều người phẫn nộ.
Theo lời kể của Helen Steel, hai người đã có mối tình kéo dài hai năm. John Dines khi đó đã có gia đình và hai con nhỏ, giả dạng là một nhà hoạt động xã hội với cái tên là John Barker. Nhiệm vụ của John Barker là do thám, thu thập thông tin về các nhóm hoạt động chính trị. Helen Steel và John Barker đã sống chung sau 6 tháng yêu nhau.
"Vào mùa hè năm 1991, Barker nói bị suy sụp tinh thần và muốn đi thật xa. Tháng 3/1992, Barker nói rằng đến Nam Phi để giải quyết công việc. Chúng tôi mất liên lạc từ đó. Về sau này, tôi mới phát hiện ra rằng, anh ta đi Nam Phi nhưng đã quay lại Anh, làm việc tại trụ sở cảnh sát MET cho đến năm 1994", bà Helen Steel cho biết.
Bà Helen Steel bắt đầu cuộc hành trình đi tìm ông Barker ở khắp mọi nơi nhưng vô vọng. Mãi đến năm 2002, bà Steel mới phát hiện ra, Barker chỉ là cái tên giả và người đàn ông mà bà đem lòng yêu mến có tên là John Dines.
Chắp nối các thông tin có được, bà Steel phát hiện ra ông Barker thực chất là một cảnh sát chìm và mục đích ông tạo ra mối quan hệ với bà là để theo dõi hoạt động của nhóm chính trị mà bà tham gia. Mãi đến tháng 3/2016, bà Steel mới tìm được nơi ở của ông Barker.
Ông Barker hiện đã trở lại với cái tên cũ là John Dines, giảng viên chuyên ngành cảnh sát và an ninh của Trường Đại học Charles Sturt ở Australia. Bà Steel đã bay từ Anh sang Australia để gặp lại tình cũ sau 25 năm. Hai người gặp nhau tại sân bay Kingsford Smith, Sydney khi ông Dines đang đón tiếp một phái đoàn cảnh sát Ấn Độ sang thăm trường.
Ông Dines đã nói lời xin lỗi bà Steel và cho rằng, tất cả là vì công việc. Tuy nhiên, bà Steel cho rằng, lời xin lỗi là chưa đủ và cảnh sát Anh phải bồi thường những thiệt thòi, mất mát mà bà đã phải chịu đựng trong suốt thời gian qua.
Hoạt động của cảnh sát chìm đã góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở Anh. Để đảm bảo thành công trong công việc, những nhân viên cảnh sát chìm phải trải qua đợt tuyển chọn khắt khe và được đào tạo hết sức bài bản. Tác động của công việc đến cuộc sống thực của những nhân viên cảnh sát chìm rất sâu sắc và lâu dài. Những tên tội phạm có thể đã phải đi tù 10 hay 20 năm nhưng hình ảnh tội phạm sẽ luôn ở trong tâm trí những nhân viên cảnh sát chìm. Cảnh sát chìm là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận ở Anh. Ngoài việc bị "tố" quan hệ tình dục với phụ nữ, một số nhân viên cảnh sát còn bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng các quy tắc làm việc trong thời gian dài như được "đặt hàng" để thực hiện bôi nhọ danh dự gia đình một số quan chức...