Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của O.Hen-ri:
- Đó là chiếc lá thường xuân sinh động như thật do cụ Bơ-men đã vẽ với mong muốn truyền thêm niềm tin và hi vọng để Giôn-xi chiến thắng bệnh
- Đó là một tác phẩm nghệ thuật bởi một người nghệ sĩ tâm huyết, ông đã vẽ bằng cả tấm lòng.
- Chiếc lá cuối cùng là hình tượng nghệ thuật, xuyên suốt tác phẩm văn học - là biểu tượng của lòng nhân ái, vị tha cao cả.
Ta có thể nhận thấy "Chiếc lá cuối cùng" là một tiêu đề vô cùng ấn tượng, nó để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người đọc. Đây cũng là hình ảnh thể hiện chủ đề của chuyện, gắn liền với diễn biến tâm trạng của cả ba nhân vật
- Các em cũng có thể đặt tên khác cho tác phẩm này như:
+ "Chiếc lá và tình người"
+ "Kiệt tác của cụ Bơ-men"
Nhan đề của một tác phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó như chiếc chìa khóa dẫn ta vào thế giới diệu kì của tác phẩm, nó có thể cũng là điểm nhấn cho ý nghĩa của tác phẩm đó. Nhan đề tác phẩm chứa đựng tư tưởng, ý đồ của nhà văn. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh chiếc lá thường xuân duy nhất và cuối cùng - một sáng tạo bất đắc dĩ của lão hoạ sĩ già Bơ-men lại trở thành nhan đề truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Mĩ O.Hen-ri. Để mỗi lần, chỉ mới nghe tên tác phẩm thôi đã làm lòng ta rưng rưng niềm xúc động và cảm phục. Nhan đề Chiếc lá cuối cùng đã mở ra biết bao ý nghĩa sâu sắc.
Trước hết, chiếc lá cuối cùng chính là chiếc lá của cây thường xuân đối diện cửa sổ nhà Giôn-xi. Cây thường xuân mà ngày đêm Giôn-xi không rời mắt. Cô đếm từng chiếc lá và nghĩ rằng nếu chiếc lá cuối cùng rơi xuống thì cũng là lúc cô lìa đời. Thế nhưng, sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả một đêm, tưởng chừng không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch - trong suy nghĩ của Giôn-xi, nhất định nó đã rụng trong đêm. Trước hết, ta đã nhận thấy chiếc lá cuối cùng ấy là một chi tiết quan trọng thúc đẩy diễn tiến của câu chuyện và đẩy câu chuyện lên đến đỉnh điểm trong việc Giôn-xi đã mất hết niềm tin vào cuộc sống cho đến khi cứu vớt lại được ý nghĩa sống.
Chiếc lá cuối cùng ấy cũng chính là tác phẩm nghệ thuật cuối cùng mà cụ Bơ-men sáng tạo trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Chiếc lá ấy ra đời khi cụ biết được suy nghĩ của Giôn-xi ngay lúc cô đang lâm bệnh nặng. Cụ biết rằng sự sống của Giôn-xi như gắn cùng với những lá cây thường xuân ngoài cửa sổ kia. Động lực đó giúp cụ sáng tạo một kiệt tác của chính mình trong một đêm mưa vùi dập với những cơn gió phũ phàng. Người hoạ sĩ già đã lặng lẽ âm thầm sáng tạo. Chiếc lá đó chính là những nét vẽ cuối cùng trong cuộc đời người hoạ sĩ già nghèo khổ. Bởi khi tác phẩm hoàn thành cũng là lúc hoạ sĩ già Bơ-men từ biệt cuộc sống này. Chiếc lá dành cho Giôn-xi phải đổi bằng mạng sống của ông cụ Bơ-men. Một lần nữa chiếc lá ấy lại chao ngang qua cuộc đời của một con người. Nó làm bừng lên khát vọng cứu sống cô gái trẻ trong tâm trí người hoạ sĩ già.
Với hai ý nghĩa trên có lẽ chưa đủ để khẳng định tại sao O.Hen-ri lại chọn chi tiết “chiếc lá cuối cùng” để làm thành tiêu đề của tác phẩm. Điều độc đáo chính ở chỗ chiếc lá đã trở thành phương thuốc duy nhất cứu sống Giôn-xi, đưa cô thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Một niềm tin thật mong manh, thật ngây thơ được đặt cả vào chiếc lá lạ lùng, bất chấp nắng mưa, ngày đêm, cứ gan lì bám trụ, quyết không chịu lìa khỏi ngọn cây leo. Chính chiếc lá ấy đã giúp Giôn-xi lấy lại sức mạnh để sống, mang lại hơi thở và tuổi trẻ cho cô. Khi mà tâm hồn cô đã “chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình. Khi những dây ràng buộc cô với tình bạn và với thế gian cứ lơi lỏng dần từng sợi một”. Chiếc lá cuối cùng ấy đã khiến Giôn-xi hồi sinh, nó thực sự đã trở thành phương thuốc “cải tử hoàn sinh” cho một con người tưởng chừng đã chập chững bước chân vào ngõ chết.
Chiếc lá cuối cùng của cụ Bơ-men, chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân, chiếc lá đã cứu sống Giôn-xi vô tình lại chính là một kiệt tác nghệ thuật. Nó rất đẹp, rất giống lá thật, từ cuống lá màu xanh sẫm đến hình răng cưa nhuốm màu vàng úa, giống đến nỗi với con mắt chuyên môn của cô hoạ sĩ trẻ cũng không thể phân biệt được lá thật hay giả. Điều này không chỉ ở tài năng của người nghệ sĩ già mà có lẽ còn xuất phát từ mục đích phải vẽ như thật. Có như vậy mới đủ sức cứu sống một linh hồn, đủ sức để giữ chặt Giôn-xi ở lại với cuộc đời này. Nó là kiệt tác bởi nó mang giá trị nhân sinh rất cao. Nó vì con người và cho con người. Nó là kiệt tác bởi nó được đổi bằng một giá quá đắt. Nó không chỉ được vẽ bằng sắc màu và cây bút lông thông thường mà bằng cả tình yêu thương và đức hi sinh thầm lặng, cao quý của cụ già Bơ-men. Chiếc lá cuối cùng là minh chứng cho quy luật của nghệ thuật : kiệt tác là hiếm hoi, là bất ngờ và đầy tính ngẫu nhiên. Kiệt tác chỉ thực sự là kiệt tác khi nó mang trong mình giá trị nhân sinh và giá trị nghệ thuật cao cả. Chỉ khi nào người hoạ sĩ dốc hết tấm lòng, tất cả vì cuộc sống, vì hạnh phúc, vì tuổi trẻ, vì cái đẹp thì tác phẩm của họ mới xứng tầm kiệt tác. Kiệt tác phải đổi bằng nhọc nhằn sáng tạo, có khi bằng cả tính mạng của người nghệ sĩ.
Có lẽ có quá nhiều ý nghĩa xoay quanh hình ảnh chiếc lá cuối cùng đó, và khi chúng ta đọc tác phẩm này, mỗi người lại sẽ có những suy nghĩ khác biệt về ý nghĩa mà nó đem lại. Nhưng nhan đề Chiếc lá cuối cùng lại khắc họa rõ nét trong tâm khảm người đọc, mỗi khi nhìn thấy bốn chữ này thôi, áng văn đầy tuyệt vời của O.Hen-ri lại hiện ra trong tâm trí.
-/-
Trên đây là một bài văn mẫu phân tích ý nghĩa nhan đề Chiếc lá cuối cùng của O.Hen-ri mà Đọc tài liệu thực hiện, mong rằng nội dung này sẽ hữu ích để giúp các em hiểu rõ hơn về tác phẩm này.
Đừng quên tham khảo trọn bộ văn mẫu 8 do Đọc tài liệu tổng hợp nữa nhé!
Link nội dung: https://unie.edu.vn/y-nghia-nhan-de-chiec-la-cuoi-cung-a59444.html