Du lịch Châu Âu càng ngày càng dễ dàng hơn với mọi người. Mảnh đất mộng mơ với những nền văn minh văn hoá đa dạng, cảnh đẹp hùng vĩ từ những bờ biển tuyệt đẹp đến những thành phố cổ kính luôn chúng ta đã đến và muốn trở lại nhiều lần hơn nữa. Bạn hoàn toàn có thể đi tự túc Châu Âu, nếu muốn thì có thể mua tour ở Châu Âu như một phần của chuyến đi, kết hợp cũng rất hay. Bài viết này sẽ tổng hợp lại toàn bộ cẩm nang, kinh nghiệm cho một chuyến đi du lịch Châu Âu đầy đủ với chi phí hợp lý nhất.
Theo thông tin mới nhất TRAVELPX nhận được, nhập cảnh Paris giờ đã gần như dễ dàng như trước dịch. Khi bạn bay từ Việt Nam thì hầu như chỉ kiểm tra kết quả tiêm Covid 2 mũi qua app PC Covid, không đòi hỏi gì thêm. Khi bạn sang đến sân bay Charles de Galles, hải quan Pháp cũng không hỏi gì về tiêm hay test PCR. Chủ yếu họ hỏi về vé khứ hồi và booking khách sạn thôi, tức là gần như bình thường như trước dịch.
Các thành phố ở Châu Âu giờ đã gần như trở lại hoàn toàn như trước dịch Covid. Các nhà hàng, phương tiện công cộng mở lại bình thường. Các điểm công cộng cũng không yêu cầu phải đeo khẩu trang, mọi người yên tâm đi du lịch Châu Âu nha.
Mùa nào đẹp để đi du lịch Châu Âu? Thời tiết ở Châu Âu khá khác nhau giữa các mùa, nhưng có một điểm chung là hầu hết đều mát mẻ. Chính vì vậy những ai chưa quen mới sang đều không hiểu vì sao người dân ở Châu Âu đều không có dùng điều hoà, đơn giản Châu Âu rất ít khi nóng, trừ những lúc nắng nóng cao điểm mùa hè, nhưng ngắn thôi.
Có thể chia các mùa du lịch Châu Âu làm 3 giai đoạn: Mùa cao điểm từ tháng 6-8, mùa thấp điểm từ tháng 11-tháng 3 và mùa mát mẻ tháng 4,5 và tháng 9,10. Đồng thời cũng cần lưu ý các khu vực khác nhau ở châu Âu. Bắc Âu luôn là lạnh nhất, chỉ có 1 vài tháng mùa hè là bớt lạnh. Nam Âu thì lúc nào cũng có nắng ấm, cực phù hợp với đi cả 4 mùa quanh năm. Phần Trung Âu thì bạn có thể tìm hiểu các mùa khác nhau để ra quyết định.
Thông thường khách du lịch thường đến Châu Âu nhiều nhất từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, vì lúc này thời tiết đẹp nhất. Thời gian trong ngày cũng dài nhất, trời còn sáng đến tận 9h tối. Nắng ấm và thậm chí là khá nóng nực, bầu trời luôn trong vắt rất lý tưởng để cho bạn thực hiện chuyến hành trình của mình. Tuy vậy khách du lịch đến đây là rất đông, nhiều nơi phải chen chúc xếp hàng, cộng thêm thời tiết nóng bức có thể làm bạn khó chịu
Còn vào mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 3), ngoài trời lúc nào cũng lạnh cóng. Bầu trời rất ít khi có nắng, cơ bản là âm u xấu xí. Thời gian sáng trong ngày rất ngắn, bình minh lúc 9h sáng và tầm 4h chiều là tối rồi. Ngoài đường cũng vắng hơn vì dân châu Âu họ đã đi nghỉ ở các nước nhiệt đới nắng ấm hết rồi.
Đi mùa này bạn sẽ được trải nghiệm tuyết rơi, cái lạnh dưới 0 độ C ở Châu Âu. Tuy nhiên sẽ không thích hợp cho ai hay chụp hình sống ảo vì ảnh sẽ không đẹp. Nếu đi thì bạn nên đi vào mùa lễ Giáng Sinh, lễ hội và ánh đèn ở khắp các nẻo đường ngõ phố. Diễn ra thường vào cuối tháng 11 đến ngày lễ Noel tháng 12.
Du lịch Châu Âu vào tháng 4,5 và tháng 9,10 thời tiết sẽ khá mát mẻ, không quá nóng và cũng không quá lạnh. Khách du lịch cũng chưa đông giúp bạn tận hưởng và trải nghiệm chuyến đi được tốt nhất. Tuy vậy nhiệt độ sẽ xuống thấp vào buổi tối nên bạn nhớ mang theo những chiếc áo ấm mỏng đảm bảo sức khoẻ.
Video ngắn chia sẻ kinh nghiệm du lịch Châu Âu của tôi:
Công việc đầu tiên trong list các công việc phải chuẩn bị khi tìm hiểu kinh nghiệm du lịch châu Âu là xin Visa Schengen. Visa Schengen là visa cho phép bạn nhập cảnh và đi lại tự do vào các nước châu Âu khối Schengen. Các bạn có thể xem thông tin đầy đủ và chi tiết tại đây.
Visa Schengen là visa cho phép bạn được nhập cảnh vào 26 quốc gia châu Âu nằm trong khối Schengen. Những nước này bao gồm: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein (trong đó có 22 nước thuộc khối liên minh Châu Âu).
Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
Sau khi làm xong hồ sơ bạn lên website của TLSContact Việt Nam điền form, đặt lịch hẹn để nộp hồ sơ. Ngày nộp hồ sơ bạn sẽ cần chụp ảnh và lăn tay, sau đó chờ chừng 1 tuần là có kết quả.
Kinh nghiệm cho chuyến du lịch châu Âu dài ngày là bạn cần lên một lịch trình và kế hoạch thật chi tiết và đầy đủ. Đây là điều tối quan trọng, giúp bạn cắt giảm những chi phí không cần thiết. Đồng thời nó cũng đảm bảo cho chuyến đi được thuận buồm xuôi gió, giảm thiểu tối đa rủi ro.
Nếu mới đi lần đầu, kinh nghiệm du lịch Châu Âu là bạn nên chọn những thành phố lớn, nổi tiếng để trải nghiệm làm quen dần. Có thể kể ra một số thành phố nổi tiếng như Paris, Amsterdam, Barcelona, Prague, Santorini hay các thành phố lớn của Ý như Venice, Florence và Rome. Một chuyến đi bạn sẽ có những bức ảnh để đời ở những nơi nổi tiếng nhất lục địa già.
Nếu đã hiểu hơn về Châu Âu, những lần sau bạn có thể chọn những cung đường riêng biệt, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hơn. Lưu ý nước Anh hay liên hiệp Anh không thuộc khối Schengen nên bạn có thể dành một chuyến đi riêng cho UK. Một số cung gợi ý như:
Nhìn chung bạn cần tìm hiểu, xem nhiều ảnh về các thành phố ở Châu Âu để biết mình thích nơi nào, hợp với thành phố nào để đưa ra quyết định hợp lý.
Du lịch Châu Âu hiện tại khá dễ dàng. Nếu những ai muốn có một lịch trình linh hoạt, tự khám phá nhưng vẫn muốn có hướng dẫn viên, có xe đưa đón cho đỡ vất vả, tham quan nhanh và nhiều nơi hơn, bạn hoàn toàn có thể tham gia tour ghép GoEugo. Tour này có nhiều line nhiều lựa chọn, lịch trình linh hoạt, và có thể đặt qua TRAVELPX - Đại lý chính thức của GeEugo tại Việt Nam. Vui lòng tham khảo danh sách tour tại đây.
Để lên được kế hoạch cho chuyến du lịch châu Âu thì bạn cần tìm hiểu sơ qua từng địa điểm mà bạn muốn đi. Những thành phố, ngôi làng ở châu Âu nào bạn muốn có trong hành trình. Tìm hiểu cách đi lại ở châu Âu, khách sạn, ăn uống,…
Tham khảo bài: Những điều cần lưu ý khi lên lịch trình du lịch bụi châu Âu
Bản đồ chi tiết hành trình của tôi:
Lịch trình cho chuyến đi lần đầu của tôi khá đơn giản. Tôi chủ yếu đi những thành phố lớn gồm Paris, Barcelona, Venice, Rome, Florence, Athens và Santorini. Chuyến đi kéo dài tầm 20 ngày, không quá dài cũng không quá ngắn, thời gian khá thoải mái để trải nghiệm tương đối các điểm du lịch, tìm hiểu văn hoá địa phương.
Kinh nghiệm du lịch từng thành phố cụ thể của Châu Âu (click vào link để xem chi tiết):
Với vé máy bay khứ hồi hà Nội - Paris có rất nhiều hãng hàng không cung cấp đường bay này. Như Vietnam Airlines, Air France các hãng của Trung Đông (5 sao) như Qatar Airways, Etihad, Emirates, … mà nếu bạn dùng các công cụ tìm vé như Skyscanner, Momondo,.. sẽ thấy cả một rừng luôn.
Giá vé khứ hồi trung bình Việt Nam - Châu Âu khi đặt trước tầm 1 tháng đến 15 ngày dao động trong khoảng $1000. Thi thoảng có những đợt siêu khuyến mại của các hãng này giá rẻ lắm, chỉ tầm $300-400 thôi nhưng bạn phải để ý, theo dõi nhận tin khuyến mại từ họ.
Một cách nữa tiết kiệm chi phí là bạn có thể tự bay sang các nước Đông Nam Á như Bangkok hay Kuala Lumpur, rồi mua vé máy bay từ đây đi châu Âu, vé sẽ rẻ hơn kha khá nếu chọn đúng thời điểm có khuyến mãi khủng.
Do châu Âu là một cộng đồng khá gắn kết, nên việc di chuyển giữa các quốc gia khá dễ dàng. Với Visa Shengen bạn có thể đi lại tự do trong khối mà không cần phải xuất trình khi đi từ nước này qua nước khác. Di chuyển giữa các quốc gia có xe bus, tàu cao tốc, và máy bay. Cũng như việc book vé máy bay, đặt chỗ cho xe bus và tàu cao tốc càng sớm, thì giá càng rẻ.
Đi bus:
Nếu bạn nào có thời gian dài để chuẩn bị, bạn có thể cân nhắc việc đi xe bus với giá tốt và tiết kiệm được tiền phòng nghỉ nếu di chuyển trong đêm. Nói là xe bus thôi chứ bus ở châu Âu hoành tráng lắm, nhiều hãng tiện nghi không khác gì khách sạn 5 sao. Bạn có thể đặt vé của Eurolines, hoặc mua của Flixbus là trang có giá cố định nên không lo mùa cao điểm hay mua trễ.
Đi tàu (train):
Đặc biệt với những ai di chuyển nhiều có thể mua cái Eurail Pass của Eurail. Giống như mua trọn gói trong vòng 15 hoặc 30 ngày với giá cố định và đi thoải mái không giới hạn số lần đi. Bạn vào website của họ và chọn Eurail Global Pass để xem và mua Pass. Tuy nhiên cũng phải nói trước rằng đi bằng ô tô hay tàu thì khá là chậm. Nhiều chặng mất đến nửa ngày đi, mà có khi lại không vào buổi đêm để tôi có thể tiết kiệm được thời gian. Nếu đi bằng tàu từng chặng lẻ thì mỗi khi đặt vé bạn nên vào trực tiếp website hãng tàu quốc gia của nước mà bạn định khởi hành, bạn có thể tham khảo bài về kinh nghiệm đi du lịch bằng tàu ở châu Âu.
Mua vé tàu qua Trainline: Một website đặt vé tàu mà bạn có thể cân nhắc khi muốn đi giữa các thành phố bên trong Thuỵ Sĩ hoặc đến các thành phố khác của châu Âu và ngược lại là Trainline.com. Web này cực kỳ tiện lợi, search được hầu hết các chặng tàu ở châu Âu. Thậm chí cả tàu địa phương và đưa chọn bạn rất nhiều phương án chuyển tàu với mức giá và thời gian khác nhau. Trainline cực kỳ hữu ích nếu bạn muốn tìm những chặng dài phức tạp mà các website khác không làm được. Ví dụ như bạn muốn đi từ Lucerne đi Milan và ngược lại, hoặc đi từ Lucern đi Salzburg,.. Những chặng này bạn sẽ phải đổi tàu khá nhiều lần, bạn không biết cách sắp xếp? Trainline sẽ giúp bạn làm điều đó.
Đi máy bay
Do tôi lên kế hoạch khá gần với ngày đi nên không có vé rẻ nữa, đặc biệt là giá tàu điện cao tốc cao không tưởng, vì thế tôi quyết định đặt toàn bộ vé máy bay cho các chặng di chuyển giữa các quốc gia với nhau, giá cực tốt khi dùng các hãng hàng không giá rẻ:
Tôi đặt vé máy bay trước khi khởi hành hành trình, dù thời điểm đặt vé không được như ý nhưng giá vé cũng đáp ứng được một phần kỳ vọng của tôi. Để tìm hiểu tổng quan khi đi lại ở bất cứ đâu ở châu Âu bạn có thể vào trang rome2rio.com để tham khảo lịch trình và hình dung được cung đường mình có thể đi.
Đó là việc đi lại giữa các quốc gia châu Âu, còn việc đi lại trong thành phố hoặc trong nội bộ một nước thì đơn giản hơn, tôi đi chủ yếu bằng tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ở Pháp thật kinh khủng, chằng chịt và các toạ độ đan chéo nhau rất nhiều. Sau đó là Barcelona, Rome, còn lại thì tàu ở Athens lại cực kỳ đơn giản.
Mỗi thành phố bạn nên mua vé theo ngày để tiết kiệm chi phí, tránh mua theo từng chặng. Nếu lịch trình của bạn ở thành phố đó chừng 3-4 ngày thì bạn nên mua vé 3 ngày luôn giá sẽ rẻ hơn mua theo từng ngày. Ngoài ra cần tìm hiểu vé đó đã bao gồm vé chặng đi từ sân bay về trung tâm hay chưa.
Việc nghỉ đêm đối với dân phượt thì có lẽ ai cũng từng có nhiều trải nghiệm thú vị . Trước khi đi tôi cân nhắc khá nhiều phương án ngủ nghỉ (chủ yếu dành cho dân phượt chứ bình thường thì cứ vào khách sạn cho nhanh):
Tôi tìm phòng ở khá nhiều trang như Booking, Agoda, Hostelworld, với đầy đủ các lựa chọn về phòng và giường riêng. Giá phòng ở châu Âu phụ thuộc vào mức độ đắt đỏ ở thành phố mà bạn ở, hàng đắt đỏ có thể kể ra như Paris, Rome, Venice, Thuỵ Sĩ,.. còn rẻ hơn thì có Barcelona (thành phố đẹp mà sinh hoạt siêu rẻ ý), Berlin, Athens,…
Nhìn chung giá giường dorm dao động tầm từ 15-30Euro/giường/đêm, nếu bạn đi 2 người thì có thể thuê phòng riêng. Phòng khách sạn ở Châu Âu giá loanh quanh 100E/đêm trở lên. Các nơi tôi đã ở và thấy rất ok, thường là khu trung tâm một chút, gần các ga tàu để đi lại cho nhanh và cũng cần có bếp để tiện mua đồ siêu thị về nấu.
Thực ra thì tôi rất muốn du lịch kiểu khám phá văn hoá, nên trước khi đi tôi cũng cân nhắc đến việc sử dụng dịch vụ cho ở nhờ, tức là xin ở miễn phí nhà của người bản địa. Có 2 trang về dịch vụ ở nhờ là Couchsurfing và Airbnb, cái đầu thì là dạng đăng ký xin ở nhờ miễn phí, cái thứ 2 là dạng cho ở nhưng phải trả tiền (giá thấp hơn ở khách sạn).
Tôi có một vài hôm phải ngủ ở sân bay vì sân bay ở cách khá xa thành phố, mà giờ bay buổi sáng thì lại quá sớm. Hoặc có lúc thì lại có chuyến bay hạ cánh lúc nửa đêm ở sân bay, nên tôi cũng đành ngủ lại ở sân bay luôn để sáng hôm sau vào thành phố. Hầu hết những sân bay tôi ngủ đều rất an toàn dù có khá nhiều những sân bay nhỏ (bay của hãng hàng không giá rẻ mà!).
Mua đồ về nấu ở châu Âu
Tôi dễ tính chuyện ăn uống, đi đến đâu tính đến đó, và hầu như toàn ăn bánh mỳ (sandwich) là chủ yếu. Thường thì các hostel ở châu Âu đều có bếp riêng dành cho dân du lịch bụi nên chỉ hôm nào quá bận và về muộn tôi mới ăn linh tinh ở ngoài, thưởng thức các món ăn địa phương chứ tôi cũng hay mua đồ siêu thị về nấu lắm.
Đồ mình tự nấu thì nhiều khi cảm thấy cũng rẻ và nhiều hơn so với ăn ở ngoài. Nếu ăn tiết kiệm thì chi phí ăn uống một ngày tầm 10-15 Euro là hoàn toàn có thể. Nhưng bạn nên tìm hiểu những món ăn địa phương và nhất định phải thử để hiểu thêm văn hoá ẩm thực nơi mình đến, đó cũng là những trải nghiệm không thể nào quên và không thể thiếu trong mỗi chuyến hành trình.
Ăn đồ ăn đường phố Street food
Châu Âu nhất là các khu chợ đêm, những địa điểm du lịch thì đồ ăn đường phố bày bán rất nhiều. Đặc biệt nếu đi vào tầm tháng 11,12, rất nhiều thành phố dựng lên các chợ Giáng Sinh với nhiều hàng quán bày bán đồ ăn truyền thống. Bạn có thể ăn ngay tại đây, chủ yếu là các loại bánh mỳ, hot dog, các loại bánh với bơ, chocolate nóng.
Nhà hàng ngon ở châu Âu
Thi thoảng bạn có thể đổi khẩu vị trong các nhà hàng ở châu Âu. Giá cho mỗi bữa ăn tuỳ vào từng thành phố với mức đắt đỏ khác nhau, giao động chừng 15-30Euro/người/bữa. Thường thì mọi người khi đi du lịch cũng không có nhiều thời gian tìm hiểu các quán ngon trước.
Vì vậy mọi người cứ đi chơi đi, khi nào đói thì lên Trip Advisor hay Google, tìm các quán ngon quanh chỗ mình đứng. Thường thì cứ tìm các nhà hàng có rating ổn ổn là ok.
Thời đại này thì chiếc smartphone thực sự là công cụ cực kỳ đáng giá và gần như không thể tách rời. Rất nhiều công dụng hữu ích mà chiếc iphone có thể mang lại và thay thế hẳn được một chiếc laptop. Bạn có thể check-in online các chuyến bay, đặt phòng, đặt vé máy bay, vé tàu. Nhớ mua một chiếc sim 5G ngay tại Việt Nam trước khi lên đường, có thể sử dụng ở rất nhiều nước trong Châu Âu.
Kể cả vé điện tử của các chuyến tàu chuyến bay bạn cũng có thể lưu lại trong Iphone để khi ra sân bay đưa vào máy quét là có thể qua cửa kiểm tra được rồi. Nhưng tôi cũng khuyến cáo các bạn nên lên kế hoạch tỉ mỉ, cẩn thận in trước tất cả những booking khách sạn, máy bay. Ngoài ra còn mang theo một quyển sổ nhỏ ghi lại những thông tin quan trọng để đề phòng trường hợp điện thoại gặp trục trặc. Một chuyến đi dài mà, mọi chuyện đều có thể xảy ra không lường hết được.
Một số phần mềm về du lịch cần phải có trong chiếc smartphone của tôi:
Trước khi tham quan mỗi thành phố chừng 2-4 ngày bạn nên có kế hoạch đi lại trước, xem nên đi như thế nào, từng ngày ra sao, cả chi phí tham quan, vé vào cửa nữa xem có mẹo nào tiết kiệm không. Thường ở các thành phố châu Âu họ có vé ngày, vé đi lại nhiều chuyến giá rẻ hơn so với đi từng chuyến, hoặc đi theo nhóm nhỏ, với ai trẻ tuổi (dưới 26 tuổi) giá còn giảm nữa.
Với một chuyến du lịch bụi châu Âu tầm 1 tháng mà muốn đi theo dạng siêu tiết kiệm cũng không phải là quá khó, tầm ngân sách 50 triệu là hoàn toàn có thể được nếu có kế hoạch sớm. Bay Việt Nam - Châu Âu chỉ tầm 10tr khứ hồi, đi tàu/máy bay rẻ chỉ tầm 20-30Eur/lượt, ăn uống 10-15Eur/ngày, ở Couchsurfing không mất phí, điều đó khả thi mà.
Dù vậy cũng không nên tiết kiệm quá, ăn uống chi tiêu dè sẻn nhưng những thứ phải trải nghiệm thì tôi nghĩ mình bắt buộc phải trải nghiệm. Tận hưởng và trải nghiệm, đó mới là cái đích của việc du lịch.
Chi phí đi lại:
Chi phí khách sạn: 339€
Chi phí tham quan: tôi có tham quan một số bảo tàng hay thắng cảnh như leo lên Arc de Triomphe (9€), xem tượng David (21€), đấu trường Colosseum (14€), thăm sân Camp Nou ở Barcelona (23€), v.v..
Chi phí ăn uống, tiêu linh tinh: Cái này thì tôi cũng không thống kê lại, thông thường chỉ hết tầm trên dưới 10euro/ngày vì ăn uống đạm bạc và mua đồ về hostel nấu.
Tổng chuyến đi chừng 2200€ chưa tính tiền mua sắm hay quà cáp, tương đương với tầm 59.4tr/người theo tỷ giá 1Euro = 27.000VND.
Là một chuyến du lịch dài ngày nên việc chuẩn bị đầy đủ đồ đạc dụng cụ cần thiết cũng rất quan trọng. Bạn không nên mang quá nhiều tránh nặng hành lý, nhưng cũng phải đủ những thứ bắt buộc phải có. Cơ bản như sau:
Ngoài ra theo kinh nghiệm của tôi thì mặc dù các hãng hàng không giá rẻ có quy định về cân nặng hành lý xách tay (thường 7kg) và kích cỡ hành lý. Nhưng khi tôi đi qua khu soát vé giữ ý không để hành lý quá cồng kềnh, thì việc có quá cân một chút hay cầm thêm một hai túi đồ nhỏ bên ngoài cũng không làm sao.
Đặc biệt khi bay xuyên lục địa của các hãng lớn như Qatar Airways mà tôi đi thì bạn cứ thoải mái mang đồ nhé, dịch vụ 5 sao nên không để ý hành lý của bạn có cồng kềnh hay không đâu.
Các chuyến đi du lịch bụi châu Âu thường kéo dài từ khoảng 2,3 tuần đến tầm 2 tháng, ai là dân chuyên nghiệp còn đi đến 5-6 tháng. Với những người đi siêu lâu đến vài tháng thì không nói làm gì vì kế hoạch của họ khá mở, dễ dàng thay đổi. Nhưng với những người nghiệp dư như tôi đi chỉ tầm 1 tháng thì mọi thứ đều phải chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng.
Kinh nghiệm du lịch châu Âu chuẩn là khi đã manh nha ý tưởng, hay quyết định thật sớm để chốt thời gian đi, khi đó việc chuẩn bị sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chi phí tàu xe vé máy bay sẽ rẻ đi rất nhiều vì thường vé tàu ở châu Âu mua càng sớm càng rẻ. Đẹp nhất là cố gắng quyết định đi trước trước 3 tháng, làm visa và lấy visa xong còn 2-2.5 tháng. Khi đó lên kế hoạch là đẹp nhất vì đó là thời điểm các hãng tàu ở châu Âu bắt đầu mở bán.
Để đến thiên đường này thì chi phí bao nhiêu cũng cố được: ^^
Lừa đảo, móc túi: Châu Âu là một xứ sở an toàn, trước giờ vẫn như vậy mặc dù hiện nay có hơi lộn xộn một chút vì tình trạng người nhập cư, khủng bố. Tuy vậy thì nạn móc túi ở đây xảy ra rất nhiều, cả cướp giật, lừa đảo giữa ban ngày nữa.
Chúng luôn thực hiện vào những lúc bạn không thể ngờ nhất, có khi một kẻ ăn mặc đứng đắn, lịch sự, mới chỉ tiếp chuyện vui vẻ với bạn cách đây vài phút thôi sau đã trở thành kẻ lấy mất đồ của bạn rồi. Hãy luôn cảnh giác, để tiền ở nhiều nơi trên người, những thứ quan trọng như hộ chiếu phải giữ thật cẩn thận. Những thành phố với nạn móc túi hoành hành như Paris, Rome, Barcelona…
An toàn khi ở khách sạn/hostel: Còn về ở hostel, ngủ chung thì cũng không phải là vấn đề lớn lắm, hầu hết những hostel, khách sạn ở châu Âu tôi thấy đều khá an toàn. Điều quan trọng là bạn nên tìm hiểu kỹ về nơi mình định ở khi đến thành phố đó, xem review từ những khách du lịch trước để hiểu hơn và đảm bảo sự an toàn của mình một cách tối đa.
Bạn nên sử dụng Booking.com để đặt phòng vì đây là nơi đặt phòng gần như tốt nhất trên thế giới, giá luôn thuộc hàng rẻ nhất và chỉ có những người đã thực sự bỏ tiền, ở tại khách sạn mới được review về khách sạn đó. Điều này khác xa với Trip Advisor, nghe thì có vẻ lớn và lượng review nhiều đấy, nhưng cũng không ít những reviewer fake trên đó, có thể là nhân viên khách sạn, người cung cấp dịch vụ giả làm khách du lịch lên nói tốt cho mình và nói xấu cho người khác.
Để chuẩn bị cho một chuyến đi dài và xa xôi như du lịch phượt châu Âu thì việc lên kế hoạch, vẽ hành trình chi tiết và lường trước mọi vấn đề là vô cùng quan trọng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được một phần nào cho những bạn đang ấp ủ ước mơ như mình. Những biến cố, rủi ro, trải nghiệm trên những con đường ở châu Âu các bạn đón đọc qua loạt bài ký sự tiếp theo đây của tôi nhé.
Link nội dung: https://unie.edu.vn/kinh-nghiem-du-lich-chau-au-a59042.html