Tia cực tím gây ra nhiều tác hại và ảnh hưởng xấu đến cơ thể và sức khỏe con người. Một số biện pháp bảo vệ cơ thể chống lại tác động của tia UV như thoa kem chống nắng, mặc áo dài tay, đeo kính râm.
1. Ảnh hưởng của tia cực tím đến sức khỏe
Tia cực tím (hay tia tử ngoại, tia UV, bức xạ UV) với liều lượng vừa phải khi chiếu vào da giúp tăng cường chuyển hóa tổng hợp vitamin D, cần thiết cho quá trình hấp thu canxi, là bộ đôi dưỡng chất tốt cho xương, rất quan trọng cho sự phát triển chiều cao ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, ánh nắng sớm còn có tác dụng kích thích quá trình hoạt động của cơ thể.
Tuy có rất nhiều lợi ích cho cơ thể, nhưng tia cực tím cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là trên da và mắt. Tia tử ngoại gây ảnh hưởng xấu đến mắt khi không đeo kính bảo hộ chống lại ánh nắng mặt trời. Các tế bào mắt có thể bị phá hủy do tác động của tia UV, nhất là khi luồng tia phản chiếu dội lên từ mặt tường xi măng, cát hay nước.
Sau khi bị tia cực tím chiếu vào trong khoảng thời gian nhất định, từ 6 - 15 giờ sau, bệnh nhân sẽ một số rối loạn thị giác như giảm thị lực tạm thời, nhìn thấy có quầng bao quanh các nguồn sáng, cảm thấy như có dị vật trên mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhất là ánh nắng mặt trời. Thông thường, nếu bệnh nhân tiến triển tốt và không có dấu hiệu bất thường khác, những triệu chứng liên quan đến thị giác sẽ tự khỏi sau khoảng 8 giờ.
Trường hợp nếu cơ thể tiếp xúc với tia cực tím nhiều lần trong thời gian dài, nguy cơ dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn về mắt, như suy hoại võng mạc, bệnh cườm mắt, thậm chí mù lòa.
Ngoài ra, tia UV còn gây ra nhiều tác hại khác đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như lão hóa da, ung thư da, sinh ra khối u ác tính, ung thư mô tế bào, đẩy nhanh tiến trình lão hóa và ức chế miễn dịch.
2. Tia UVA và tia UVB
Tiếp xúc với tia cực tím là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư da. Có hai loại tia UV:
Tia cực tím A (tia UVA): Chiếm 95% ánh nắng mặt trời, có khả năng xuyên qua thủy tinh, cửa kính xe, cửa sổ. Tia UVA gây lão hóa sớm và nhăn da, đóng một vai trò là tác nhân gây ung thư tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và các khối u ác tính.
Tia cực tím B (tia UVB): Không thể xuyên qua cửa sổ xe hơi hoặc các loại kính khác. Tia UVB gây cháy nắng, giảm khả năng sản xuất collagen và elastin, là tác nhân chủ yếu gây ung thư da và khối u ác tính.
Bảo vệ làn da của bạn khỏi tia cực tím chính là bảo vệ khỏi tác động của cả tia UVA và tia UVB. Một trong những cách hiệu quả nhất đang được dùng hiện nay là sử dụng kem chống nắng.
3. Mẹo sử dụng kem chống nắng bảo vệ da
Tác động của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời tích tụ dần theo thời gian. Do đó, nên sử dụng kem chống nắng mỗi ngày, ngay cả khi trời nhiều mây. Sau đây là một số lời khuyên giúp bạn dùng sản phẩm này hiệu quả hơn:
Chọn kem chống nắng phổ rộng, bảo vệ chống lại cả tia UVA và UVB. Nên lựa chọn sản phẩm có khả năng chống nước và có hệ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Các loại kem chống nắng khác có thể ngăn ngừa tình trạng cháy nắng, nhưng chúng không giúp bảo vệ chống lại ung thư da.
Sử dụng son dưỡng môi hoặc son môi có chứa kem chống nắng với SPF ít nhất là 30.
Thoa một lượng vừa đủ kem chống nắng 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài trời.
Thoa lại cho toàn bộ cơ thể sau mỗi 2 giờ ở ngoài trời. Nếu đang đi biển, bơi trong hồ hoặc đổ mồ hôi nhiều thì nên thoa lại kem sau mỗi 1 giờ sử dụng.
Kem chống nắng thông thường tốt hơn cho da khô. Còn đối với những vùng da dầu hoặc nhiều lông, dạng gel sẽ hiệu quả hơn.
Nên bôi sản phẩm chống nắng bất cứ khi nào ra ngoài trời nắng.
Không sử dụng các sản phẩm đã hết hạn sử dụng.
4. Một số lời khuyên bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời
Hạn chế phơi nắng trong khoảng từ 10:00 sáng đến 4:00 chiều vì đây là khoảng thời gian cường độ nắng mạnh nhất. Thực hiện theo quy tắc đổ bóng: nếu chiều dài bóng ngắn hơn chiều cao khi ngoài trời nắng thì nên tìm khu vực râm mát, có mái che;
Luôn luôn giữ trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi dưới bóng râm hoặc được bảo vệ tránh khỏi ánh nắng trực tiếp từ mặt trời;
Chú ý đến chỉ số UV: Cho thấy mức độ nguy hại của việc tiếp xúc với tia cực tím vào bất kỳ thời điểm cụ thể nào trong ngày. Chỉ số UV thường được trung tâm dự báo thời tiết đo được và thông báo cho toàn dân. Khi chỉ số này đạt từ 10 trở lên, nghĩa là mức độ bức xạ đang rất lớn, nên tránh ra ngoài trời;
Để ý các bề mặt phản chiếu như mặt nước, tuyết, cát và kính. Chúng có khả năng phản chiếu tia nắng mặt trời, vô tình gây hại cho làn da, tăng nguy cơ bị cháy nắng cũng như ung thư da;
Mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng, như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối màu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai. Nếu có thể, nên lựa chọn chất liệu vải chống nắng đặc biệt;
Đeo kính râm bảo vệ mắt. Lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia cực tím từ 99 - 100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh;
Bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím;
Nhận biết tác dụng phụ của một số thuốc khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Các thuốc này bao gồm một số loại kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc kháng nấm, thuốc trị tăng huyết áp và một số loại thuốc hóa trị.
Tránh tắm nắng khi ngoài trời đã nắng gắt. Ngoài ra, không nên sử dụng đèn mặt trời, giường nằm tắm nắng hoặc các dịch vụ làm cho da rám nắng bằng cách sử dụng ánh sáng cường độ cao.
Sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây. Tia cực tím có thể xuyên qua mây và qua các loại cửa kính.
Sử dụng son dưỡng môi hoặc son môi có chứa chất chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30.
Vào những ngày hè, ánh nắng mặt trời trở nên chói chang gay gắt, rất dễ gây ra sốc nhiệt, ảnh hưởng lớn đến da và mắt nếu không được bảo vệ cẩn thận. Để tránh tác động tiêu cực từ tia cực tím, chúng ta nên lựa chọn những biện pháp bảo vệ phù hợp với bản thân để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Nguồn tham khảo: Cancer.net
XEM THÊM:
Cách chọn kem chống nắng bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB