Hà Nội - không chỉ là đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến, thủ đô cổ kính và trang nghiêm mà còn luôn là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Đến Hà Nội, bạn không chỉ được thưởng thức thật nhiều món ăn ngon mà còn có thật nhiều các địa điểm du lịch hấp dẫn. Cùng SaoDieu.vn điểm qua Top các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội - Chưa đi chưa biết thủ đô nhé!
Vị trí: Số 2, Hùng Vương, Điện Bàn, Ba Đình, Hà Nội
Phí tham quan: Miễn phí
Giờ mở cửa: Lăng Bác mở cửa vào những sáng thứ 3, 4, 5, 7 và chủ nhật. Vào các sáng thứ 3, 4, 5 sẽ mở cửa từ 7h30-10h30. Thứ 7, chủ nhật sẽ mở từ 7h30-11h00.
Địa điểm nhất định phải đến khi bạn có dịp tới Hà Nội đó là Lăng Bác - đây là nơi yên nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hòa theo dòng người dài mỗi ngày vào lăng viếng Bác, du khách sẽ được cảm nhận không khí thiêng liêng, trang nghiêm và niềm tự hào sâu sắc.
Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường Ba Đình lịch sử
Ngay phía trước Lăng Bác là quảng trường Ba Đình lịch sử, là quảng trường rộng lớn nhất ở nước ta. Đây cũng là địa điểm lịch sử nơi Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Nơi đây là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của thủ đô và cũng là địa điểm vui chơi, tham quan, dạo mát của du khách và người dân Hà Nội.
Vị trí: Số 19, Ngọc Hà, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Phí tham quan: Miễn phí với khách Việt Nam, khách nước ngoài 25.000đ/vé
Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng nằm ngay gần Lăng Bác. Du khách chỉ cần vài phút đi bộ để di chuyển từ Lăng Bác để tới thăm bảo tàng Hồ Chí Minh. Nơi đây là nơi lưu giữ những kỉ vật về cuộc đời, sự nghiệp và con người của Hồ Chí Minh.
Gian rộng lớn đầu tiên của bảo tàng trưng bày tượng Hồ Chủ tịch
Bảo tàng có các khu trưng bày thường xuyên nhằm tái hiện tổ hợp không gian về quê hương, gia đình của chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An, tổ hợp Xô Viết Nghệ Tĩnh, tổ hợp Pác Bó cách mạng, tổ hợp Việt Nam chiến đấu 1946-1954, tổ hợp gian tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ hợp Kháng chiến chống Mỹ và đại thắng mùa xuân 1975. Ngoài ra thì bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày theo chủ đề
Vị trí: Nằm trong khuôn viên khu di tích Lăng Bác - Phủ Chủ tịch
Phí tham quan: Miễn phí
Nhà sàn Bác Hồ nằm trong khu di tích Phủ Chủ tịch, là nơi ở của Bác Hồ khi sống và làm việc tại Hà Nội. Ngôi nhà sàn này có hai tầng, dựng theo kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày - Thái ở Việt Bắc. Đây vừa là di sản kiến trúc, vừa là di sản văn hóa, vừa chứa đựng những giá trị tinh thần to lớn.
Nhà sàn Bác Hồ nơi lưu giữ những kỉ niệm giản dị, mộc mạc và xúc động về Bác
Trước nhà sàn là ao cá, nơi Bác thường cho cá ăn, thư giãn, có vườn cây Bác trồng rất nhiều loại cây. Cạnh nhà sàn có đường xoài xanh mát, vô cùng đẹp mắt. Du khách tới đây sẽ được tham quan nơi ở, nơi làm việc của Bác, toàn bộ không gian vẫn được giữ nguyên so với khi Người còn sống.
Vị trí: phố Chùa Một Cột, phía sau phố Ông Ích Khiêm, nằm trong khuôn viên của khu di tích Hồ Chí Minh
Phí tham quan: Miễn phí
Nằm ngay cạnh khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột là biểu tượng văn hóa ngàn năm của thủ đô Hà Nội. Chùa Một Cột có tên gọi chữ là Diệu Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp không giống với bất cứ ngôi chùa nào khác ở nước ta. Chùa được vua Lý Thái Tông cho xây dựng từ năm 1049, chùa có dáng tựa đài hoa sen vươn lên giữa mặt hồ Linh Chiểu ở kinh thành Thăng Long.
Chùa Một Cột là ngôi chùa độc đáo bậc nhất ở Việt Nam
Toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một trụ đá ở giữa hồ, mái chùa được lợp ngói cổ, được đắp hình rồng chầu mặt nguyệt, xung quanh hồ được bao bọc bằng tường gạch thấp. Bên trong chùa đặt tượng Phật Quán Âm Bồ Tát, được đắp theo mô phỏng trong giấc mơ của vua Lý Anh Tông. Phật Quán Âm ngồi trên đài hoa sen sáng rực, tỏa ánh hào quang.
Trong top các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội không thể bỏ qua đó chính là Hồ Gươm và các di tích văn hóa xung quanh Hồ Gươm là: Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Đài Nghiên, Cầu Thê Húc. Bài ca dao vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay về di tích này:
“ Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này”
Vị trí: phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Phía đông là phố Đinh Tiên Hoàng, phía tây là phố Lê Thái Tổ, phía nam là phố Hàng Khay.
Phí tham quan: Miễn phí
Hồ Gươm với Tháp Rùa soi bóng
Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm được ví như trái tim của thủ đô Hà Nội, là nơi gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả kiếm cho Rùa thần. Đây là địa điểm mà bất cứ ai cũng mong muốn một lần được ghé thăm. Mặt hồ Gươm, những tán cổ thụ như xà cừ, bằng lăng, phương vĩ… rủ bóng mát. Xung quanh hồ có để những chiếc ghế đá để người dân và du khách đi dạo có thể ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện. Du khách có thể đi bộ hoặc đạp xe một vòng bờ hồ để cảm nhận thật rõ ràng không khí trong lành và yên bình của Hà Nội.
Vị trí: phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Phía đông là phố Đinh Tiên Hoàng, phía tây là phố Lê Thái Tổ, phía nam là phố Hàng Khay.
Phí tham quan: Miễn phí
Tháp Bút được xây bằng đá, tọa lạc trên núi Độc Tôn, trên tháp có tạc 3 chữ “Tả Thanh Thiên” (có nghĩa là “viết lên trời xanh”) mô phỏng ngọn bút lông vươn lên trời cao. Tháp có năm tầng, bình đồ hình vuông, cao 28m. Tính cả núi Độc Tôn (4m) thì chiều cao của tháp là 32m.
Công trình gắn với Tháp Bút là Đài Nghiên nằm trên cánh cổng ở đầu cầu Thê Húc. Tương truyền, vào một số giờ trong năm, bóng của đỉnh Tháp Bút sẽ chấm đúng vào giữa lòng Đài Nghiên.
Tháp Bút với ước mơ “viết lên trời xanh” của cha ông ta
Cầu Thê Húc là một cây cầu màu đỏ son rất đẹp mắt, được làm bằng gỗ, là cây cầu nối liền giữa bờ với đền Ngọc Sơn ở giữa hồ Hoàn Kiếm. Cầu Thê Húc có ý nghĩa là “nơi lưu lại ánh sáng” hay “nơi ngưng tụ hào quang”. Cầu có 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.
Cầu Thê Húc - nơi lưu giữ những ánh nắng mai của thủ đô Hà Nội
Phí tham quan: 30.000đ/người lớn
Ai tới thăm Hồ Gươm cũng sẽ ghé đền Ngọc Sơn, ngôi đền cổ kính gần hai trăm năm tuổi. Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc (hoặc Ngọc Sơn) - một gò đất nổi của Hồ Hoàn Kiếm, cách Tháp Rùa một quãng không xa. Đền Ngọc Sơn được mệnh danh là nơi dung hòa của 3 tôn giáo: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.
Khu vực điện thờ bên trong đền Ngọc Sơn
Khu vực chính của đền Ngọc Sơn có 3 phần: phía trước là trấn Ba Đình (tức đình chắn sóng); ở giữa là điện thờ chính thờ Văn Xương Đế Quân, sau cùng là hậu cung thờ đức Trần Hưng Đạo. Tượng Đức Thánh Trần được đặt ở bàn thờ chính giữa, một bên là bàn thờ Phật có tượng Quan Âm Bồ Tát và Thiện Tài Đồng Tử, bên còn lại là bàn thờ Sơn Thần, Thổ địa. Bức tường trước hậu cung thể hiện rõ sự dung hòa giữa Đạo giáo và Nho giáo, giữa hai chữ Trung - Nghĩa là hình Bát quái.
Vị trí: Nằm tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám, đầu phố Tràng Tiền
Phí tham quan: Giá vé: 400.000đ/người, học sinh 200.000đ/người.
Giờ mở cửa tham quan: thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần (từ 10h30 - 12h00).
Nhà hát lớn Hà Nội là công trình kiến trúc có một không hai tại Việt Nam, được bình chọn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nhà hát lớn Hà Nội được chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào năm 1901, hoàn thành năm 1911 và là một phiên bản thu nhỏ của nhà hát Garnier ở Paris (Pháp), đây là một trong các trung tâm văn hóa của thủ đô, nơi thường xuyên diễn ra những sự kiện lớn, các buổi biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, ca múa nhạc… của các nghệ sĩ trong nước và thế giới.
Nhà hát lớn Hà Nội đẹp nguy nga và tráng lệ theo hơi hướng cổ điển của kiến trúc Pháp
Nhà hát lớn Hà Nội có vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ và sang trọng, mang hơi hướng của Paris hoa lệ. Bên trong nhà hát với sức chứa hơn 2.500 chỗ ngồi, sân khấu lớn hoành tráng, hệ thống âm thanh và ánh sáng sống động. Bước vào nhà hát, du khách như đi lạc vào cung điện châu Âu bởi không gian sang trọng, lộng lẫy. Hàng ngày, nhà hát đều diễn ra các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệt thuật. Du khách có thể thưởng thức đầy đủ các loại hình nghệ thuật đặc sắc từ: Opera, Múa, Kịch, nhạc Pop, nhạc Jazz… Hầu như ngày nào nhà hát cũng có lịch biểu diễn, du khách có thể mua vé tại cổng chính để vào thưởng thức các buổi biểu diễn này.
Vị trí: Số 1, phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm
Phí tham quan: 30.000đ/người lớn, các đối tượng ưu tiên giảm 15%, trẻ em miễn phí
Thời gian mở cửa: 8h-17h tất cả các ngày trong tuần trừ một số dịp lễ Tết đặc biệt
Nhà tù Hỏa Lò là một nhà tù được thực dân Pháp xây dựng, nằm trên phố Hỏa Lò, dùng để giam giữ những người tù chính trị nhằm đàn áp phong trào đấu tranh của người dân Việt Nam. Nhà tù Hỏa Lò còn có tên tiếng Pháp là Maison Centrale, có nghĩa là “Đề lao Trung ương” hay “Ngục thất Hà Nội”.
Đây là một trong những địa điểm tham quan ấn tượng bởi ý nghĩa lịch sử và đặc biệt là bởi sự rùng rợn, đáng sợ bởi những câu chuyện về sự tra tấn dã man, khủng khiếp với tù nhân tại đây. Nơi đây là minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh cách mạng sôi nổi, là biểu hiện cho tinh thần bất khuất, kiên trung của những người Việt Nam yêu nước. Năm 2014, kênh CNN đã ếp hạng nhà tù Hỏa Lò là địa điểm đứng đầu trong Top 5 điểm đến đáng sợ nhất Đông Nam Á.
Nhà tù Hỏa Lò được ví là địa ngục trần gian với những màn tra tấn vô cùng man rợ
Khi tới Hỏa Lò, du khách không khỏi có cảm giác ám ảnh và sợ hãi. Xung quanh nhà tù là những bức tường đá cao, được xây vững chắc, phía trên phủ mảnh chai nhọn và chăng dây điện áp cao để ngăn tù nhân vượt ngục. Nhà tù Hỏa Lò còn được gọi là “địa ngục trần gian” bởi những khu giam cầm đáng sợ, những cachot (ngục tối) nơi được mệnh danh là “địa ngục của địa ngục”, những chiếc máy chém ghê người. Trong nhà tù có các bức tranh, mô hình điêu khắc, tượng… để khắc họa những hình thức tra tấn man rợ, giam nhốt của thực dân Pháp.
Vị trí: gần chợ Long Biên, thuộc quận Long Biên, cầu nối 2 quận Long Biên và Hoàn Kiếm
Cầu Long Biên là cây cầu bằng thép đầu tiên được người Pháp xây dựng bắc ngang sông Hồng, để nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Cây cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn với 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ. Cầu được thiết kế một đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là 2 làn đường dành cho xe đạp, xe máy và người đi bộ. Cầu Long Biên đã từng là cây cầu dài thứ hai thế giới, chỉ sau cây cầu Brooklyn bắc qua sông East River của Mỹ, còn được gọi là tháp Effiel nằm ngang của Hà Nội.
Cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử đi cùng với thủ đô qua bao biến cố thăng trầm
Cầu Long Biên được coi là chứng nhân của lịch sử, đã chứng kiến hơn một trăm năm lịch sử thăng trầm của Hà Nội và đất nước. Đó là thời Pháp thuộc, là 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, là thời kỳ đất nước hòa bình, đổi mới và phát triển cho đến ngày nay. Cầu Long Biên đã chứng kiến giây phút đất nước độc lập 1945, ngày giải phóng thủ đô 10/1954 và trải qua những tháng ngày Mỹ ném bom Hà Nội.
Du khách đến thăm Cầu Long Biên sẽ nhận thấy những dấu vết thời gian in hằn trên từng nhịp cầu. Phần sắt thép đã rỉ sét, cây cầu trông già nua nhưng vẫn còn vững chắc. Từ trên cầu, du khách sẽ được ngắm nhìn Hà Nội từ trên cao, ngắm nhìn sông Hồng cuộn chảy, những bãi bồi xanh ngắt ngô, khoai,… Nơi đây cũng là địa điểm lý tưởng để có những bức ảnh thật đẹp.
Cầu Long Biên là địa điểm chụp ảnh đẹp nổi tiếng của Hà Nội
Vị trí: Các con phố cổ của Hà Nội thuộc các phường Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bông, Hàng Đào, Đồng Xuân… của quận Hoàn Kiếm
Phí tham quan: Miễn phí
Những con phố cổ Hà Nội luôn luôn là điểm đến hấp dẫn dành cho du khách. 36 phố phường với những ngôi nhà cũ rêu phong, những cửa hàng nhỏ vẫn còn giữ được nhiều dáng vẻ từ đầu thế kỷ 20. Mỗi con phố đều mang trong mình những câu chuyện, có những đặc sản của Hà Nội, có những vẻ đẹp riêng biệt không thể tìm thấy ở những nơi khác.
Bạn có thể ghé Hàng Đường mua ô mai, ghé Hàng Mã mua những món đồ chơi, ghé Hàng Bạc để mua các đồ trang sức bằng bạc, bằng vàng, ghé thăm ngôi nhà cổ ở 38 Hàng Đào hay số 87 Mã Mây để khám phá nét kiến trúc độc đáo trong những ngôi nhà cổ xưa.
Phố cổ Hà Nội với vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính
Phố Cổ cũng là nơi có thật nhiều những quán ăn ngon với những món ăn nổi tiếng. Bạn có thể thưởng thức chả cá Lã Vọng trứ danh ở phố Chả Cá, bún chả ở Hàng Quạt, bún ốc ở ngõ chợ Đồng Xuân, bún đậu mắm tôm Hàng Khay, nem chua rán ngõ Tạm Thương, phở Bát Đàn, nộm bò khô phố Hàm Long, xôi xéo Hàng Bài hay mỳ vằn thắn Hàng Chiếu, bún thang Cầu Gỗ hay hoa quả dầm Tô Tịch…. Còn rất rất nhiều món ăn hấp dẫn khác của Hà Nội sẽ khiến du khách không khỏi xuýt xoa về độ thơm ngon khó cưỡng.
Vị trí: Số 18 và 19C, đường Hoàng Diệu, phường Điện Biên - Quán Thánh, quận Ba Đình
Phí tham quan: 30.000đ/lượt
Thời gian mở cửa: 8h00-11h30, 14h-17h từ thứ 3 - CN
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được xây dựng từ thời Đinh - Tiền Lê, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước Việt suốt 13 thế kỷ. Đây là di tích lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, là địa điểm tham quan hấp dẫn của Hà Nội thu hút du khách trong và ngoài nước ghé thăm.
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu là phía Đông của Hoàng Thành Thăng Long, tại đây du khách sẽ được tham quan những nền nhà, trụ móng, phù điêu, giếng cổ, tượng rồng, phượng… là những dấu tích còn lại của kinh thành Đại La thời Cao Biền và cung điện thời Lý - Trần. Có một khu vực là đông cung nhà Lê và trung tâm thành tỉnh Hà Nội (thế kỷ 19).
Đoan Môn là cổng vào Hoàng thành Thăng Long xưa, có thiết kế kiểu cổng thành xưa, có 5 cửa vòm được xây dựng hoàn toàn bằng đá và gạch vồ vào thời nhà Lê. Cánh cửa giữa là lối đi cho vua chúa, 4 cửa hai bên là lối đi của quan lại.
Đoan Môn là cửa chính phía Nam của Hoàng thành Thăng Long
Điện Kính Thiên là trung tâm di tích, đây là nơi diễn ra các buổi thiết triều và tế lễ lớn của triều đình. Mặt trước điện có cột cờ, phía sau là Hậu Lâu. Hiện nay, dấu tích còn lại là khu nền cũ với những bậc đá hình rồng điêu khắc đẹp mắt.
Hậu Lâu ở phía sau Điện Kính Thiên, xưa là nơi ở của hoàng hậu và công chúa, bên trong là không gian nguy nga, sang trọng với các đồ gỗ được chạm trổ tinh xảo, tỉ mỉ.
Vị trí: 28A, Điện Biên Phủ, Điền Bàn, Ba Đình, Hà Nội
Phí tham quan: 20.000đ/người
Thời gian mở cửa: 7h-17h hàng ngày
Nằm trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, tuy nhiên do cột cờ nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nên bạn phải mua vé để vào Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tại số 28A Điện Biên Phủ thì mới có thể thăm quan cột cờ Hà Nội.
Cột cờ Hà Nội cao 33m, tính cả phần trụ treo cờ là 44m gồm 3 tầng đế và 1 tòa tháp. Các tầng đế có hình chó vuông cụt và nhỏ dần. Cột cờ Hà Nội là công trình còn nguyên vẹn nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, là biểu tượng thiêng liêng của thủ đô, là hình ảnh thể hiện sự độc lập của đất nước Việt Nam, cũng là nơi gắn liền với những giây phút trọng đại của lịch sử dân tộc.
Cột cờ Hà Nội đến nay đã hơn 200 năm tuổi và vẫn còn nguyên vẹn
Cột cờ được xây dựng từ năm 1805-1812, với mục đích làm đài quan sát. Từ cửa sổ cao nhất của cột cờ có thể quan sát cả vùng nội thành và ngoại thành. Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng cũng sử dụng nơi đây làm đài quan sát và thông tin liên lạc với các đơn vị khác. Ngày 10/10/29154, Cột cờ Hà Nội là nơi diễn ra lễ thượng cờ chào mừng ngày chiến thắng lịch sử. Vào thời kỳ chống Mỹ, cột cờ cũng là đài quan sát và liên lạc của bộ đội phòng không Hà Nội.
Vị trí: Số 52 Đặng Thai Mai, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Phí tham quan: Miễn phí
Giờ mở cửa: Tất cả các ngày từ 5h-19h
Nằm trong top các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội phải kể đến là Phủ Tây Hồ, đây cũng là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội.
Phủ Tây Hồ được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17, cho đến nay đã hơn 400 năm. Nơi đây thờ một trong 4 vị tứ bất tử của Việt Nam đó là Thánh Mẫu Liễu Lạnh, cũng là vị thánh của tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo của Việt Nam. Tương truyền, Mẫu Liễu Hạnh vốn là công chúa Quỳnh Hoa - con gái thứ 2 của Ngọc Hoàng bị đày xuống hạ giới. Khi xuống trần, bà chu du khắp mọi miền rồi dừng lại ở đảo Tây Hồ, mở quán nước làm nơi giao lưu văn chương. Không chỉ thế, bà còn đi khắp nơi giúp dân diệt trừ ma quái, diệt trừ tham quan, dạy dân làm ăn, giúp dân an cư lập nghiệp.
Phủ Tây Hồ nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của nước Việt
Phủ Tây Hồ gồm 4 ban chính: Phủ chính, Điện Sơn trang, Lầu Cô, Lầu Cậu được bố trí từ trong ra ngoài.
- Phủ chính được chia thành 3 lớp với 3 nếp của tam quan: lớp thứ nhất thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh và Hội đồng các quan. Lớp thứ hai là cung Tam tòa, lớp thứ ba thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Nơi sâu nhất của Phủ là hậu cung, nơi đây thờ Tam Tòa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng người Việt. Tượng Mẫu Liễu Hạnh được đặt ở giữa, mặc áo đỏ và trùm khăn đỏ. Bên trái thấp hơn là Mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh, trùm khăn xanh. Bên phải là tượng Mẫu Thoải mặc áo trắng và trùm khăn trắng. Tiếp theo ra bên ngoài là ban thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và hội đồng cá quan, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười.
- Điện Sơn Trang: nơi đây thờ Mẫu Thượng Ngàn, vị mẫu đứng thứ 2 trong Tam tòa Thánh Mẫu. Bên cạnh đó Điện còn có chầu lục chầu bé cùng 12 cô sơn trang đi hầu Mẫu Thượng Ngàn.
- Lầu Cô, Lầu Cậu: Lầu Cô, Lầu Cậu nằm ở bên ngoài và ở hai bên phải trái của phủ chính. Đây là nơi để thờ những người hầu cận của các vị quan trong Phủ.
Phủ Tây Hồ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân Hà Nội. Người ta thường đến đây để cầu tài, cầu an, cầu may, cầu bình an… Nơi đây đặc biệt đông vào mỗi dịp Tết, đầu năm âm lịch. Du khách khi tới Hà Nội, có thể tới tham quan và lễ tại Phủ Tây Hồ để trải nghiệm không gian linh thiêng, uy nghiêm và cầu may mắn, bình an.
Vị trí: Số 1, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Phí tham quan: 40.000đ/vé/người lớn,15.000đ/vé/sinh viên, 10.000đ/vé/học sinh
Thời gian mở cửa: 8h30 - 17h00 tất cả các ngày trong tuần
Nằm trong top các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là nơi trưng bày và lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam.
Bảo tàng Dân tộc học được chia làm 3 khu chính:
Khu trưng bày trong Tòa nhà Trống Đồng được chia làm 2 không gian: Không gian ở tầng 1 cố định để giới thiệu bản sắc 54 dân tộc anh em, không gian ở tầng 2 trưng bày theo chủ đề và luôn được làm mới. Tại đây hiện đang trưng bày hơn 15.000 hiện vật 42.000 thước phim và hình ảnh nhằm miêu tả chân thực nhất về lối sống, văn hóa, trang phục, ẩm thực, lao động, tín ngưỡng… và mọi mặt đời sống của đồng bào. Du khách sẽ được tham quan và ngắm nhìn những không gian làm việc, các bộ trang phục sặc sỡ đẹp mắt, các nông cụ lao động độc đáo, những tục lệ cưới hỏi, ma chay đặc sắc của các dân tộc khác nhau. Ở mỗi hiện vật hoặc không gian trưng bày đều có 3 thứ tiếng để du khách tiện theo dõi là: Tiếng Việt, Tiếng Anh và Tiếng Pháp.
Một góc trưng bày trong bảo tàng dân tộc học Việt Nam
Khu trưng bày ngoài trời được tái hiện trên một khoảng sân lớn nhằm tái hiện những kiến trúc độc đáo của đồng bào các dân tộc trên khắp cả nước. Tại đây du khách có thể tham quan và chiêm ngưỡng những kiến trúc nhà rông, nhà mồ của Tây Nguyên, nhà sàn Tây Bắc, nhà ngói của người Việt…
Khu trưng bày Đông Nam Á hiện đang trưng bày các hiện vật của các quốc gia Đông Nam Á. Tại đây thường xuyên diễn ra các hoạt động trưng bày về văn hóa của các nước Đông Nam Á, tổ chức các hoạt động giáo dục, có phòng chiếu phim để du khách được xem tư liệu văn hóa của Việt Nam và các quốc gia trong cộng đồng ASEAN.
Ngoài ra, khi tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, du khách cũng có cơ hội được trải nghiệm các hoạt động thú vị khác như: Biểu diễn múa rối nước, các lệ hội dân gian, văn nghệ dân gian,… và có thể ghé quầy hàng để mua đồ lưu niệm về làm kỷ niệm.
Vị trí: Số 58, đường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội
Phí tham quan: 30.000đ/người lớn, 15.0000/học sinh, sinh viên và các đối tượng ưu tiên
Giờ mở cửa: 7h30-17h30 (mùa hè), 8h00-17h00 (mùa đông) tất cả các ngày trong tuần
Văn Miếu Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam, là nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của đạo Nho, nơi ghi danh những người đỗ đạt đầu các kỳ thi trạng nguyên. Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, còn Quốc Tử Giám được xây dựng 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông. Toàn thể Văn Miếu Quốc Tử Giám gồm: Khuê Văn Các, Hồ Văn, vườn Giám và Nội tự.
Đầu tiên là Hồ Văn hay còn được gọi là hồ Minh Đường, nằm phía trước Văn Miếu và ngay sau Khuê Văn Các. Nước hồ trong xanh mát mẻ quanh năm, bên hồ có những hàng liễu rủ rất thơ mộng. Giữa hồ Văn có gò Kim Châu, trên gò là Phán Thủy đường, là nơi diễn ra các buổi bình thơ, bình văn của các nho sĩ thời xưa.
Đi qua Hồ Văn là du khách sẽ đến Văn Miếu Môn tức là cổng vào Văn Miếu với 3 cửa: 1 cửa chính giữa và 2 cửa hai bên. Phía trên có 3 chữ Văn Miếu Môn bằng chữ Hán cổ. Tiếp đến là Đại Trung Môn - tức là cổng thứ hai của Văn Miếu. Trước và sau Đại Trung Môn là không gian xanh mát, rộng lớn với cây cối xanh tốt, hồ nước trong xanh, những con đường nhỏ trải gạch đỏ tạo cảm giác tĩnh mịch, thâm nghiêm.
Tiếp theo du khách sẽ bắt gặp Khuê Văn Các - một công trình kiến trúc được lấy làm biểu tượng của thủ đô. Khuê Văn Các có nghĩa là “Các vẻ đẹp của Sao Khuê”, có kiến trúc dạng cổ lầu, tầng gác bên trên bằng gỗ, bốn góc có lan can bằng gỗ tiện, mái ngói được nâng bằng các giá gỗ nhỏ gọn, thanh thoát mà vững chắc.
Khuê Văn Các của Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu tượng của thủ đô Hà Nội
Tiếp đến là Giếng Thiên Quang, bia Tiến sĩ. Giếng Thiên Quang có hình vuông tượng trưng cho mặt đất (đất vuông) đặt ngay sau Khuê Văn Các với các cửa tròn (trời tròn. Hai biểu tượng này kết hợp lại có ý nghĩa Văn Miếu là nơi quy tụ tất cả tinh hoa của trời đất.
Tiếp theo, du khách sẽ thăm Đại Thành Môn, tới sân rộng nhất ở Văn Miếu được lát gạch đỏ Bát Tràng rồi đến khu chính giữa của Quốc Tử Giám là Đại Bái Đường. Cuối cùng là Đền Khải Thánh - nơi đây thờ tụng cha mẹ của Khổng Tử là Thúc Lương Ngột và Nhan Thị.
Chính giữa Hậu đường của Khu Thái học, du khách sẽ được chiêm bái tượng Thầy Chu Văn An - người thầy giáo nổi tiếng bậc nhất của nước Việt ta.
Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng có khu dành để mua các vật phẩm lưu niệm như tranh thư pháp, thú bông, móc khóa, đồ thủ công mỹ nghệ… để du khách có thể mua về làm kỉ niệm hoặc quà tặng.
Trên đây là 10 địa điểm du lịch hấp dẫn nhất nằm trong top các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội. Du khách khi có dịp ghé thăm Hà Nội hãy dành thời gian để tham quan, khám phá và trải nghiệm những danh lam, thắng cảnh, di tích… này để cảm nhận một Hà Nội cổ kính, bình yên và thanh lịch.
Link nội dung: https://unie.edu.vn/ha-noi-co-diem-du-lich-nao-a57441.html