Vua tiếng Việt liên tiếp bị tố đầy "sạn", chuyên gia ngôn ngữ học lên tiếng

"Xum xuê" hay "sum suê", "dúm dó" hay "rúm ró"?

Theo đó, trong chương trình ngày 28/10/2022, ở phần chơi có nội dung chính tả, Vua tiếng Việt yêu cầu: "Hãy viết lại cho chính xác từ "xum xê".

Người chơi đưa ra cách viết "xum xuê", nhưng không được chấp nhận, vì "chưa chính xác".

Theo ông Công, đây là một "phán quyết" hoàn toàn sai. Tuy rằng cách viết "xum xuê" không được xem là thông dụng như "sum sê/sum suê" nhưng vẫn có ít nhất 6 cuốn từ điển ghi nhận từ này.

Về nguyên tắc, một từ bị viết sai chính tả, sẽ không bao giờ được từ điển thu thập. Một khi đã được thu thập thì có nghĩa cách viết đó đã được nhà biên soạn từ điển chấp nhận. Nhà biên soạn chấp nhận vì dựa trên cách viết trong thực tế, chứ không phải là sự áp đặt.

Vua tiếng Việt liên tiếp bị tố đầy sạn, chuyên gia ngôn ngữ học lên tiếng - 1

Người chơi đưa ra phương án "xum xuê" nhưng không được chấp nhận (Ảnh chụp màn hình).

Việc thu thập từ "xum xuê", rồi chỉ dẫn nên "xem", hoặc khuyên "nên viết" là "sum suê" trong từ điển hướng tới một cách viết thông dụng hơn, chứ không phải cách viết này phủ định cách viết kia.

Cũng giống như từ điển thu thập "dúm dó" và hướng dẫn "xem" hoặc khuyên "nên viết" là "rúm ró", không có nghĩa "dúm dó" là cách viết sai chính tả.

Ở một tập khác, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công chỉ ra rằng, chương trình chưa hợp lý khi phủ nhận đáp án của người chơi ở câu hỏi lựa chọn cách viết đúng chính tả từ "dúm dó" hay "rúm ró".

Câu trả lời của người chơi là "dúm dó", nhưng MC cho rằng sai, và đưa ra đáp án đúng của chương trình là "rúm ró".

Vua tiếng Việt liên tiếp bị tố đầy sạn, chuyên gia ngôn ngữ học lên tiếng - 2

Câu hỏi lựa chọn cách viết đúng chính tả từ "dúm dó" hay "rúm ró" trong chương trình (Ảnh chụp màn hình).

Theo ông Công, "dúm dó" không sai chính tả. Ông dẫn ra nhiều cuốn từ điển chính tả để chứng minh rằng "dúm; dăn dúm; dúm dó…" được xếp vào loại phương ngữ. Theo đây, người làm từ điển chính tả không coi cách viết "dúm dó" là sai, mà chỉ đưa ra lời khuyên nên viết "rúm ró" (phổ thông hơn) mà thôi.

Vua tiếng Việt ra đề sai?

Ở một tập khác, Vua tiếng Việt đưa ra một câu hỏi không hợp lý với những từ có cách phát âm gần giống nhau.

Chương trình cho rằng viết "lang lổ" là sai chính tả, nên ra đề yêu cầu viết lại từ này cho "chính xác". Sau khi người chơi "viết lại" thành "loang lổ", liền được chấp nhận là đúng.

"Một lần nữa, Vua tiếng Việt lại ra đề sai, vì "lang lổ" và "loang lổ" là hai từ khác nhau. Hoàn toàn không phải do viết "loang lổ" sai chính tả mà thành ra "lang lổ", ông Công phân tích.

Theo tác giả này, ít nhất có tới 6 cuốn từ điển (xuất bản trước và sau năm 1945) thu thập và giảng nghĩa từ "lang lổ" (Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý chủ biên…).

Thực chất, hai từ này là gần nghĩa, hoàn toàn không phải "lang lổ" là lỗi chính tả của "loang lổ" như Vua tiếng Việt nhầm lẫn.

Vua tiếng Việt liên tiếp bị tố đầy sạn, chuyên gia ngôn ngữ học lên tiếng - 3

Một câu hỏi gây tranh cãi của Vua tiếng Việt (Ảnh chụp màn hình).

"Lộng giả thành chân", "đá đưa đầu lưỡi" bị lý giải sai

Trong tập 3 mùa 2 (ngày 7/10/2022), cố vấn chương trình Vua tiếng Việt là tiến sĩ Đỗ Thanh Nga giải thích câu "lộng giả thành chân" rằng: "Đây là thành ngữ Hán Việt. "Lộng" có nghĩa là trò đùa; "giả" có nghĩa là cái điều không có thật; "thành" là biến thành; "chân" là sự chân thật".

Như vậy, "lộng giả thành chân" nghĩa là "trong cuộc sống đôi khi có những điều người ta nói đùa thái quá thì đến một lúc nào đấy cái điều tưởng như là đùa ấy nó sẽ biến thành thật. Nó cũng mang một hàm ý là trong cuộc sống những điều giả dối cứ tiếp diễn thì dần dần nó cũng biến thành bản chất thật sự của con người đó".

Song theo ông Hoàng Tuấn Công, lời giải thích trên không chính xác.

Ông phân tích: "Từ khóa cực kỳ quan trọng đã bị giải thích sai, đó là từ "lộng". "Lộng" 弄 trong câu "lộng giả thành chân" không có nghĩa là "trò đùa", mà có nghĩa là "biến", "khiến", "làm cho".

"Lộng giả thành chân" có nghĩa là: Biến giả thành thật; làm cho cái giả thành cái thật. "Chân" ở đây là "thật", không phải là "chân thật". Đây là một âm mưu, thủ đoạn, chứ không có chuyện đùa cợt, hay đùa quá hóa thật gì cả".

Ông cũng cho rằng cách hiểu sai về "lộng giả thành chân" tồn tại trong rất nhiều sách vở, từ điển khác. Tuy nhiên, bằng những lời giải thích trên sóng đài quốc gia, tiến sĩ trên đã "góp thêm" vào quá trình truyền bá cái sai một cách rộng rãi hơn nữa.

Trong một tập Vua tiếng Việt khác, một vị cố vấn đã giải thích cho người chơi và khán giả hiểu câu "Đá đưa đầu lưỡi" rằng: "Viên đá nó nặng mà! Nên đặt đầu lưỡi nó hay rơi. Ý là những người họ không thật thà, họ nói nhưng mà có khi là cái lời nói của họ không được bảo đảm về cái tính chính xác, hay là tính cam kết của nó".

Cố vấn chương trình cho rằng, đây là một câu tục ngữ. Tuy nhiên, ông Công khẳng định đây là thành ngữ.

Ngoài ra, theo ông Công, cố vấn Vua tiếng Việt đã có một nhầm lẫn tai hại khi hiểu "đá" trong "đá đưa" là "viên đá". "Đá" trong câu "Đá đưa đầu lưỡi" là một động từ, đã bị hiểu lầm thành "đá" là "viên đá" (danh từ), rồi hiểu nghĩa hiển ngôn cả câu là "đá đặt ở đầu lưỡi"(!).

Vì vị cố vấn hiểu sai về nghĩa của các thành tố cấu tạo nên câu thành ngữ, nên cách giảng "những người họ không thật thà, họ nói nhưng mà có khi là cái lời nói của họ không được bảo đảm về cái tính chính xác, hay là tính cam kết của nó", đã không nêu bật được nghĩa cốt lõi mà dân gian muốn nói đến trong cụm "đá đưa đầu lưỡi", đó là "giọng điệu đong đưa khôn khéo của kẻ xảo trá, giả dối".

Chuyên gia ngôn ngữ "mổ xẻ" tranh cãi

Liên quan đến những nhận định trên, Dân trí đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vua tiếng Việt liên tiếp bị tố đầy sạn, chuyên gia ngôn ngữ học lên tiếng - 4

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, khi theo dõi chương trình, ông cũng nhận ra nhiều điểm sai không đáng có (Ảnh: Hồng Anh).

PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, nhiều điểm ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra là chính xác, song cần có những bổ sung.

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, việc chương trình phủ nhận phương án "xum xuê" của người chơi là không đúng.

Đây là một từ phức tạp bởi có quá trình diễn biến lịch sử. Trước đây viết là "sum suê" nhưng khi tiếng Việt phát triển sang thời kỳ hiện đại thì đối lập s/x (âm quặt lưỡi và không quặt lưỡi) không còn cho nên người dùng thiên về "xum xuê".

Vua tiếng Việt liên tiếp bị tố đầy sạn, chuyên gia ngôn ngữ học lên tiếng - 5

Từ "xum xuê" được chấp nhận trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Ảnh: Hồng Anh).

Biến thể "xum xuê" đang được sử dụng hiện nay phải được chấp nhận, coi như chính thống bởi đã được các từ điển tin cậy đưa vào. Phương án phủ định "xum xuê" là không ổn.

Trường hợp về hai từ "dúm dó" và "rúm ró", Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cũng chỉ ra rằng, việc người chơi chọn "dúm dó" là không sai.

"Dấm dứt", "dúm dó", "dễ dàng"… là những từ có sự biến đổi về chuẩn chính tả. Trước đây, "rúm ró" là chuẩn và được ghi nhận trong từ điển. Nhưng về sau, phát âm thay đổi, mất đi sự đối lập quặt lưỡi và không quặt lưỡi nên người ta chấp nhận từ "dúm dó" trong từ điển hiện đại để gần với việc phát âm tiếng Việt ở giai đoạn sau này.

Chương trình không bám vào sự biến đổi đó mà dựa vào từ điển cũ, phủ nhận đáp án của người chơi.

"Theo tôi, trong trường hợp này, "dúm dó" là phương án vẫn được coi là đúng bởi theo chuẩn của tiếng Việt hiện đại. "Rúm ró" được coi là chuẩn trước đây nay đã bị thay thế.

Ở đây có hiện tượng chuyển hóa từ tiếng phổ thông sang tiếng địa phương, từ này vẫn được dùng ở nhiều vùng ở Thái Bình, Hải Dương", PGS Nguyễn Hữu Đạt nói.

Về câu hỏi liên quan đến hai từ "lang lổ" và "loang lổ", PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, đây là hai từ riêng biệt, có cách phát âm gần giống nhau.

Ông nêu ví dụ về những cặp từ tương tự như: "kiểm soát" và "kiểm sát", "bàng quang" và "bàng quan". Chính vì phát âm gần giống nhau nên nhiều người hay dùng sai, viết sai.

Khi cần viết "bàng quan" (thái độ thờ ơ, đứng ngoài cuộc) thì lại viết thành "bàng quang" (bộ phận trong cơ thể người), hoặc ngược lại. Tương tự khi cần viết "loang lổ" thì lại viết thành "lang lổ".

Hai từ này ngoài phát âm gần giống nhau còn có sự gần gũi về nghĩa ("lang" chỉ những đám trắng loang lổ trên bộ lông hoặc ngoài da, còn "loang" chỉ những vết bẩn, vết ố lan dần, thấm dần ra).

Vậy nên, chương trình yêu cầu người chơi viết lại từ thì cần phải đưa ra một văn cảnh để tránh sự nhầm lẫn.

"Trong những trường hợp phát âm gần giống nhau phải có văn cảnh mới kiểm tra được người chơi đúng hay sai", vị PGS nhấn mạnh.

Vua tiếng Việt liên tiếp bị tố đầy sạn, chuyên gia ngôn ngữ học lên tiếng - 6

"Dúm dó"...

...và "rúm ró" đều xuất hiện trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên. Đây cũng là cuốn từ điển chương trình Vua tiếng Việt sử dụng (Ảnh: Hồng Anh).

Ngoài ra, ông cũng đồng tình cho rằng, Vua tiếng Việt đã giải thích ý nghĩa nhiều câu thành ngữ, cụm từ chưa thật chuẩn xác.

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, nhiều từ Hán việt khi vào tiếng Việt có sự biến đổi theo quy tắc của người Việt. Vì chịu "áp lực" bởi cấu trúc ngữ nghĩa của tiếng Việt sẽ có những thay đổi so với nghĩa gốc ban đầu. Nếu chỉ dựa vào tiếng Hán cổ, tiếng gốc để giải thích thì sẽ không chính xác.

"Lộng giả thành chân" không phải "trò đùa biến thành thật". Nghĩa gốc ban đầu có thể "lộng" là đùa nhưng khi vào thành ngữ thì ý nghĩa của "lộng giả thành chân" lại là "nói quá để cái không thật trở thành cái thật, biến cái giả thành cái thật".

"Giải thích của chương trình chưa hợp lý, chưa bám vào quá trình chuyển hóa các yếu tố Hán Việt, xa với nghĩa hình ảnh của thành ngữ. Tôi cho rằng phân tích của anh Công là đúng bởi "biến giả thành thật" mới là nghĩa khái quát, nghĩa hình ảnh của thành ngữ này.

Nói đến thành ngữ là giải thích nghĩa hình ảnh, nghĩa tổng thể, còn nếu chỉ bám vào từng từ mà không thấy sự chuyển hóa nghĩa của từ thì sẽ bị sai lạc rất nhiều", PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt nói.

Về thành ngữ "đá đưa đầu lưỡi", PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt giải thích: Thành ngữ này có hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên là "suy nghĩ thận trọng cân nhắc đi cân nhắc lại". Sau này "đá đưa đầu lưỡi" được dùng trong văn cảnh chỉ giọng điệu của người xảo trá, biến từ chuyện nọ thành chuyện kia.

"Có rất nhiều cụm từ cố định và thành ngữ có nhiều nghĩa, nhưng tùy từng bối cảnh mà người nói sẽ sử dụng nghĩa nào. Nếu chỉ đưa ra một nghĩa làm đại diện thì chưa chính xác. Song nói chung, dù trong văn cảnh nào thì "đá" trong "đá đưa đầu lưỡi" không thể là cục đá được", PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt cho hay.

Link nội dung: https://unie.edu.vn/do-da-la-gi-a54417.html