Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hệ thống tim mạch trong cơ thể bao gồm cơ tim và hệ thống mạch máu. Mỗi ngày, tim hoạt động liên tục, bơm một lượng máu tương đương khoảng 14.000 lít máu mang oxy và các chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể thông qua ba loại mạch máu chính: động mạch, mao mạch và tĩnh mạch.
Hệ thống mạch máu của cơ thể là một hệ thống ống dẫn mang máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể để trao đổi chất. Tất cả những tế bào trong cơ thể đều cần oxy và các chất dinh dưỡng thiết yếu có trong máu. Nếu không có oxy và những chất dinh dưỡng này, tất cả các tế bào sẽ chết. Chính nhờ vào những hoạt động co bóp của tim, oxy và chất dinh dưỡng đến được các mô và cơ quan của cơ thể thông qua hệ thống mạch máu giúp duy trì hoạt động hàng ngày.
Không chỉ mang oxy và các chất dinh dưỡng đến mô cơ quan, mạch máu cũng là nơi vận chuyển carbon dioxide (CO2) và các sản phẩm dư thừa ra khỏi mô. CO2 sẽ được thải ra khỏi cơ thể thông qua phổi và hầu hết những sản phẩm dư thừa sẽ được đào thải qua thận. Chính nhờ hệ thống mạch máu này mà máu được lưu thông khắp cơ thể giúp duy trì các hoạt động hàng ngày của chúng ta.
Tim phải là nơi nhận máu nghèo oxy từ các cơ quan trong cơ thể đổ về theo tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới vào tâm nhĩ phải. Máu được vận chuyển xuống tâm thất phải và được bơm lên phổi. Tại các mao mạch phổi, oxy được trao đổi và thải carbon dioxide. Sau đó, máu theo tĩnh mạch phổi trở về tâm nhĩ trái. Vào lúc này, máu giàu oxy sẽ được đổ xuống tâm thất trái và được vận chuyển đến các mô cơ quan thông qua hệ thống mạch máu của cơ thể. Máu được vận chuyển từ động mạch mang oxy và các chất dinh dưỡng đến trao đổi tại mao mạch và theo các tĩnh mạch trở về tim.
Có ba loại mạch máu chính của cơ thể bao gồm động mạch, mao mạch và tĩnh mạch. Bên cạnh đó, động mạch được chia thành mạng lưới những mạch máu nhỏ gọi là tiểu động mạch và tương tự có các tiểu tĩnh mạch hợp lại thành tĩnh mạch.
Thành động mạch bao gồm ba lớp, lớp áo trong (lớp nội mạc) nằm trong cùng được cấu tạo từ các tế bào nội mạc mạch máu, lớp áo giữa (lớp đàn hồi) có các sợi cơ trơn và sợi chun co giãn và cuối cùng là lớp áo ngoài chứa chủ yếu là mô liên kết.
Tĩnh mạch cũng có cấu tạo tương tự động mạch với ba lớp. Tuy nhiên, thành của tĩnh mạch mỏng hơn, lớp áo trong của hệ tĩnh mạch có những van tĩnh mạch có nhiệm vụ giúp máu chảy theo một chiều nhất định.
Thành mao mạch được cấu tạo bởi một lớp tế bào nội mạc. Trên thành mao mạch có nhiều lỗ nhỏ giúp tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Ngoài chức năng chính vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến mô cơ quan và vận chuyển CO2, các chất thải đến các cơ quan như phổi và thận để loại bỏ khỏi cơ thể. Mạch máu còn đóng một vai trò quan trọng trong điều hòa huyết áp của cơ thể.
Động mạch có nhiều kích thước khác nhau. Đối với những động mạch lớn, thành mạch có các sợi đàn hồi đặc biệt có thể co giãn và góp một phần vào chức năng co bóp tống máu của tim (máu vẫn tiếp tục được đẩy tới mặc dù tim ở trong trạng thái nghỉ ngơi).
Động mạch cũng có thể đáp lại tín hiệu từ hệ thống thần kinh để co hoặc giãn giúp điều hòa huyết áp của cơ thể. Những thụ thể cảm nhận áp lực và hóa học tại các mạch máu giúp thu nhận thông tin tình trạng huyết động của cơ thể và truyền những tín hiệu này đến não bộ. Khi đó, não bộ sẽ phát ra những tín hiệu đến hệ thống mạch máu làm thay đổi kích thước của mạch máu (co mạch hoặc giãn mạch). Có thể hiểu một cách đơn giản, co mạch sẽ giúp tăng huyết áp và ngược lại giãn mạch sẽ làm hạ huyết áp. Tuy nhiên, hệ thống mạch máu không chỉ là cơ quan duy nhất góp phần vào việc điều hòa huyết áp mà còn có sự tham gia của nhiều hệ thống phức tạp.
Tiểu động mạch là những động mạch nhỏ nhất của cơ thể. Chúng vận chuyển máu đến mao mạch và cũng có chức năng co giãn tương tự động mạch góp phần kiểm soát lượng máu đến mao mạch.
Các mao mạch tại mô cơ quan sẽ hợp nhất lại tạo nên các tiểu tĩnh mạch. Những tiểu tĩnh mạch sẽ tập hợp lại tạo nên những tĩnh mạch lớn hơn. Tĩnh mạch có nhiệm vụ chính là vận chuyển máu trở về tim. Bên trong những tĩnh mạch ở các chi dưới của cơ thể có chứa các van tĩnh mạch giúp máu đi về tim dễ dàng hơn mà không chảy ngược lại.
Một số rối loạn liên quan đến mạch máu bao gồm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: webmd.com & healthdirect.gov
Xem thêm:
Link nội dung: https://unie.edu.vn/vi-sao-o-tinh-mach-huyet-la-thap-nhat-a53554.html