Nguyên liệu cần chuẩn bị làm bánh chưng
- Gạo nếp: Chọn loại gạo nếp cái hoa vàng, hạt to tròn đều, mới thu hoạch vào vụ mùa.
- Đỗ xanh: Bạn nên chọn loại đỗ mới, ruột vàng, bở, hạt mẩy để giúp phần nhân bánh thêm thơm ngon, đậm đà.
- Thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn: Không nên chọn miếng thịt quá nạc, chọn phần thịt đan xen tỉ lệ nạc mỡ vừa phải để tránh làm khô phần nhân bánh.
- Gia vị: Muối, hạt tiêu.
- Lá dong: Chọn loại lá bánh tẻ không quá già, không quá non, khổ rộng vừa phải, đều nhau, không bị rách, có màu xanh mướt.
- Lạt buộc: Lạt được chẻ từ ống giang, mỏng, mềm, dẻo dai.
- Khuôn gói bánh (nếu trường hợp gói bánh chưng bằng khuôn).
Cách sơ chế nguyên liệu làm bánh chưng đơn giản nhất
Bước 1: Lựa chọn những lá dong to đẹp để gói ngoài, những lá bé hơn để làm lá lót bên trong. Rửa lá với nước sạch và lau khô. Dọc bớt phần cứng ở sống lá.
Bước 2: Ngâm đỗ xanh trong nước khoảng 2 tiếng, sau đó đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu. Cho thêm một thìa muối, trộn đều rồi mang đồ chín. Lúc đỗ còn nóng dùng muỗng đánh cho đỗ tơi nhuyễn rồi nắm thành từng nắm có kích vừa phải.
Lưu ý: Bạn cũng có thể để nguyên đỗ sống đã ngâm cho nở, vớt ráo nước và xóc muối để gói.
Bước 3: Lá giềng thơm rửa sạch, thái nhỏ và cho vào cối xay lấy nước.
Để hạt gạo ở nhân bánh có màu xanh mướt và mùi thơm đặc trưng, bạn cần ngâm nó trong nước cốt lá giềng đã chế biến sẵn từ 3-4 tiếng trước khi gói bánh.
Bước 4: Thịt heo rửa sạch, thái miếng to và dài. Cho toàn bộ thịt chuẩn bị sẵn vào 1 tô nhỏ. Nêm đều hạt tiêu, bột canh trong khoảng 30 phút - 1 giờ trước khi gói.
Các bước gói bánh chưng không cần dùng khuôn
Bước 1: Gấp lá
Đặt 2 lá dong to vuông góc với nhau, đặt mặt phải (màu xanh đậm) úp xuống dưới. Sau đó, bạn đặt tiếp 2 lá dong vuông góc với nhau nhưng mặt phải hướng lên trên.
Bước 2: Thêm gạo, đậu xanh, thịt lợn. Cho 1 bát gạo vào giữa phần lá đã xếp rồi lấy một nửa nắm đỗ cho lên trên gạo, ấn nhẹ để phần nhân trũng xuống. Đặt 1 - 2 miếng thịt vào giữa phần đỗ rồi cho nốt nửa phần đỗ còn lại lên miếng thịt.
Đổ 1 bát gạo nếp lên trên phần nhân, dùng tay san ra sao cho gạo phủ kín nhân đỗ và thịt.
Bước 3: Gói bánh
Dùng tay gấp phần lá dong bên phải và bên trái thật chắc tay, phần mép lá thừa đem cắt đi hoặc có thể giấu vào bên trong. Bóp 2 bên mép (phần đầu và phần cuối) của bánh chưng rồi gấp lại. Vừa gấp vừa vỗ nhẹ để bánh tạo thành hình vuông.
Sau đó, lấy 2 lạt buộc song song với nhau để giữ cho bánh chặt, lá không bị bung. Tiếp theo, bạn buộc tiếp 2 chiếc lạt vuông góc với 2 lạt trên (phần lạt thừa cuốn vào trong hoặc cài vào cho gọn).
Cuối cùng bạn dùng tay ấn 4 góc của bánh chưng để bánh chặt và vuông vắn.
Cách gói bánh chưng bằng khuôn vuông đẹp mắt
Bước 1: Khi chuẩn bị nguyên liệu xong xuôi là đến khâu gói bánh. Người có kinh nghiệm thì gói bằng tay, hoặc gói bằng khuôn. Một chiếc bánh cho khoảng 5 - 6 lá dong, còn gạo và nhân bánh tùy thuộc vào độ lớn của chiếc bánh cần gói.
Bước 2: Đặt 2 lá dong ở 2 góc so le, cho 1 bát ăn cơm gạo, lấy 1/2 nắm đậu xanh dàn mỏng đều lên gạo, xếp 2 miếng thịt vào giữa rồi tiếp tục cho nốt phần đậu xanh còn lại, phủ nốt gạo lên trên cùng, bẻ gập lá gói vuông, cao thành, buộc lạt chéo chữ thập. Gói bánh theo công thức: 2 lần gạo nếp, 2 lần nhân đậu, 2 miếng thịt, hành ở giữa.
Cách luộc bánh chưng thơm ngon màu xanh bắt mắt
Luộc bánh chưng là khâu quan trọng nhất vì luộc bánh chưng mất nhiều thời gian và công sức. Chú ý khi luộc nhớ chèn chặt bánh để khỏi bị vỡ vì khi đun bánh nở ra. Các lá bánh còn thừa cho cả vào nồi cho thêm hương và giữ nhiệt khi đun.
Thông thường luộc bánh bằng củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn bằng các loại khác. Trước khi xếp bánh vào luộc, bạn nhớ xếp dưới đáy nồi lạt hoặc các sống lá dong để chèn ở dưới. Hành động này giúp cho bánh chưng không bị cháy ở đáy nồi, làm nước luộc còn xanh hơn nữa. Nồi bánh phải đủ lửa để nước luôn sôi, không bao giờ được thiếu nước nên có thùng tiếp nước bên cạnh. Bạn không được đổ nước lạnh vào khi tiếp nước cho nồi bánh chưng, nước lạnh sẽ làm bánh nửa chín nửa sống, bị lại gạo sau này.
Trong suốt hơn 10 tiếng đun, nồi bánh phải đủ lửa để nước luôn sôi, không bao giờ được thiếu nước nên có thùng tiếp nước bên cạnh. Bạn không được đổ nước lạnh vào khi tiếp nước cho nồi bánh chưng, nước lạnh sẽ làm bánh nửa chín nửa sống, bị lại gạo sau này. Sau khi vớt bánh ra, xếp thành nhiều lớp, dùng một vật nặng để ép cho ra nước.
Trúc Chi (theo Báo Đầu Tư, Lao Động)
Link nội dung: https://unie.edu.vn/cach-lam-nhan-banh-chung-ngon-a51838.html