Hướng dẫn viết đơn xin việc viết tay 12 ngành nghề HOT nhất 2024
Bên cạnh CV, đơn xin việc viết tay là giấy tờ được một số công ty yêu cầu trong hồ sơ xin việc. Vậy, làm cách viết đơn xin việc bằng tay như thế nào để vừa tinh tế nhưng vẫn đảm bảo thu hút được nhà tuyển dụng. Nếu bạn đang thắc mắc vấn đề trên, hãy tham khảo ngay những lưu ý của TopCV dưới đây.
Đơn xin việc là gì? Đơn xin việc viết tay là gì ?
Đơn xin việc là gì?
Hiểu đơn giản, đơn xin việc là lá thư mà bạn gửi đến nhà tuyển dụng. Trong lá thư sẽ có 2 nội dung chính:
Mong muốn muốn được vào làm việc tại đơn vị/ doanh nghiệp ứng tuyển
Thể hiện được năng lực cần thiết để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng
Đơn xin việc thường có 3 loại phổ biến là đơn xin việc viết tay, đơn xin việc đánh máy và đơn xin việc được gửi trực tiếp qua email.
Đơn xin việc viết tay là gì?
Giống như đơn xin việc thông thường, đơn xin việc viết tay là một lá thư gửi đến nhà tuyển dụng, trong đó ứng viên viết thông tin giới thiệu bản thân, trình bày năng lực, kinh nghiệm đã có và thể hiện mong muốn, nguyện vọng được làm việc tại vị trí công ty ứng tuyển.
Điểm khác biệt của đơn xin việc viết tay đó là ứng viên sẽ tự tay viết lên giấy bằng nét chữ của mình những nội dung cần thiết để gửi tới nhà tuyển dụng bằng các phương tiện chuyển phát. Đây là cách làm thể hiện thái độ cầu thị, nghiêm túc của ứng viên đối với việc ứng tuyển này
Ưu nhược điểm khi viết đơn xin việc viết tay
Nếu bạn đang đắn đo trong việc lựa chọn viết đơn xin việc viết tay thì hãy xem qua các ưu, nhược điểm của việc viết tay dưới đây để có quyết định tốt nhất.
Ưu điểm
Ưu điểm nổi bật của đơn xin việc viết tay có thể kể đến như:
Tạo sự khác biệt, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng: Hiện nay, khi phần lớn mọi người đều sử dụng đơn xin việc đánh máy, một đơn xin việc viết bằng tay chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng.
Thể hiện tính cách cẩn thận, tỉ mỉ: Lá thư gửi đi được viết bằng những nét chữ ngay ngắn, rõ ràng, được trình bày khoa học và sạch sẽ cho thấy bạn là người chỉn chu và tỉ mỉ, cẩn thận trong công việc.
Thể hiện sự chân thành khi ứng tuyển: Khi bạn đầu tư thời gian, công sức vào việc viết đơn xin việc, nhà tuyển dụng sẽ cảm nhận được sự chân thành, và mong muốn làm việc nghiêm túc của bạn.
Có tính xác thực cao: Chữ viết tay có thể trở thành căn cứ pháp lý để xác định danh tính của một người, nên việc tự viết tay đơn xin việc sẽ làm công ty cảm thấy tin tưởng hơn vào tính xác thực của lá thư.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm, việc viết tay đơn xin việc vẫn còn rất nhiều hạn chế, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định lựa chọn hình thức viết đơn phù hợp:
Không còn phổ biến: Hiện nay, hầu hết mọi người viết đơn bằng cách đánh máy. Khi nhận đơn xin việc viết tay nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn không biết sử dụng máy tính hoặc sẽ là người khó thích nghi.
Mất nhiều thời gian, công sức hơn: So với đánh máy, viết tay đơn xin việc tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Khi viết sai một vài chữ bạn sẽ phải viết lại nếu không muốn đơn xin việc của mình kém bắt mắt.
Chữ viết khó đọc: Nếu chữ viết tay quá xấu, nhà tuyển dụng phải mất nhiều thời gian đọc thư hoặc có thể hiểu sai ý bạn, điều đó không những làm bạn không tạo được ấn tượng tốt mà còn bị điểm trừ lớn.
Khó trình bày bố cục ấn tượng: Đơn xin việc viết tay thường chỉ thể hiện được thông tin một cách cơ bản, rất khó tạo được những bố cục mới mẻ, hấp dẫn.
Khi nào cần đơn xin việc viết bằng tay?
Ngày nay, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, sử dụng máy tính, laptop,... trở lên quen thuộc với hầu hết mọi người thì việc lựa chọn viết đơn bằng cách đánh máy ngày càng phổ biến hơn. Không thể phủ nhận đây là cách làm tiện lợi, nhanh gọn, người viết dễ dàng chỉnh sửa và gửi đi, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Tuy nhiên, một số trường hợp đơn xin việc viết tay lại trở thành lựa chọn tốt hơn, nên sử dụng hơn. Đó là khi:
Ứng viên chưa có kinh nghiệm: Rất nhiều người, đặc biệt là sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng liên quan đến vị trí công việc muốn ứng tuyển. Lúc này, sử dụng đơn xin việc viết tay sẽ giúp bạn thể hiện một cách mạnh mẽ và chân thành nhất mong muốn làm việc nghiêm túc của mình.
Nhà tuyển dụng yêu cầu viết tay: Một số trường hợp, công ty khi tuyển dụng yêu cầu người ứng tuyển phải viết tay một lá đơn xin việc và nộp một số loại giấy tờ cần thiết khác. Lúc này, bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu và viết một lá đơn xin việc bằng tay rõ ràng, đầy đủ thông tin.
Tạo Cover Letter ngay
Cấu trúc đơn xin việc viết tay đơn giản, chuẩn chỉ
Một lá đơn xin việc chỉ cần ngắn gọn nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về cả nội dung và cách trình bày, cụ thể:
Yêu cầu về mặt trình bày
Về mặt trình bày, khi viết đơn xin việc bạn cần chú ý các điểm sau để không bị điểm trừ đáng tiếc:
Tuyệt đối không viết tắt: Viết tắt trong các văn bản chính thức, trang trọng luôn là điều cần phải tránh, trong đơn xin việc cũng vậy. Nếu bạn viết tắt trong đơn xin việc, nhà tuyển dụng có thể cảm thấy bạn là người cẩu thả, thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng và không nghiêm túc với công việc này.
Viết thống nhất một màu mực: Bạn nên sử dụng bút màu xanh và cần thống nhất sử dụng một loại bút, một loại ngòi từ đầu đến cuối lá đơn.
Không tẩy xóa, không làm bẩn: Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy khó chịu hoặc không có đủ kiên nhẫn đọc hơn đơn xin việc của bạn nếu nó bị tẩy xóa và dính bẩn. Vì vậy, hãy cố gắng giữ cho “vở sạch, chữ đẹp” nhé.
Trình bày rõ ràng trên một mặt giấy: Một lá đơn xin việc nên được viết đầy đủ thông tin cần thiết, nhưng bạn nên chọn ra những thông tin nổi bật và có giá trị nhất để đưa vào thư trên một mặt giấy sẽ giúp đơn xin việc của bạn mang lại hiệu quả tốt hơn.
Chữ viết ngay ngắn, dễ đọc: Mỗi người có một nét chữ, kiểu viết khác nhau nhưng khi viết tay đơn xin việc bạn nên cố gắng viết sao cho chữ ngay ngắn và dễ đọc nhất. Nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để dịch một lá thư rối mắt, được viết bằng nét chữ “bay bổng”, khó đọc.
Viết trên giấy A4: Đừng cố gắng gây ấn tượng bằng cách sử dụng các loại giấy viết thư nhiều màu sắc, hoa văn, có mùi thơm,... Dùng giấy A4 trắng, chỉ làm nổi bật chữ viết và nội dung thông tin của bạn là lựa chọn tốt nhất khi viết đơn xin việc.
Ghi đúng tên, địa chỉ người nhận: Điều cuối cùng bạn không được phép mắc phải đó là viết sai tên, địa chỉ người nhận/công ty. Ghi chính xác tên và địa chỉ người nhận/công ty, không chỉ giúp bạn gửi được thư đến đúng người mà còn thể hiện bạn có sự hiểu biết nhất định về công ty, có sự tôn trọng với nhà tuyển dụng.
Yêu cầu về mặt nội dung
Trình bày tốt sẽ giúp bạn gây được ấn tượng bước đầu, tránh rơi vào tình huống nhà tuyển dụng vì hình thức mà bỏ lỡ thư của bạn. Nhưng sau đó, nội dung mới là thứ quyết định bạn có phù hợp với tiêu chí tuyển chọn của doanh nghiệp hay không. Để đơn xin việc của mình đảm bảo về mặt nội dung, bạn cần trình bày đầy đủ theo 3 phần Mở đầu, Nội dung chính và Phần kết.
Mở đầu
Phần này cần có Quốc hiệu và Tiêu ngữ; Tiêu đề thư; Kính gửi (công ty/nhà tuyển dụng); Thông tin cá nhân của bản thân (họ tên, năm sinh, giới tính, địa chỉ liên hệ, trình độ học vấn); Vì sao bạn biết thông tin tuyển dụng và vị trí muốn ứng tuyển.
Lưu ý, khi viết phần Kính gửi, bạn nên ghi tên người nhận, không nên viết chung chung. Trong trường hợp không biết chính xác người nhận là ai và không thể liên lạc hỏi trực tiếp bạn có thể viết “Kính gửi Ban tuyển dụng công ty A/Kính gửi bộ phận Hành chính nhân sự của công ty A”.
Nội dung chính
Ở phần nội dung chính, bạn hãy tập trung thể hiện những thành tựu, kiến thức, kinh nghiệm nổi bật và phù hợp nhất với những yêu cầu doanh nghiệp đưa ra trong JD. Cố gắng nhấn mạnh những ưu điểm và kỹ năng nổi trội của bản thân có khả năng giúp ích cho công việc ở vị trí ứng tuyển.
Đừng quên đưa ra một lý do thuyết phục để nhà tuyển dụng thấy được rằng họ nên chọn bạn cho vị trí này.
Phần kết
Ở Phần kết bạn nên gửi lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng, cảm ơn vì họ đã đọc thư và xem xét hồ sơ của bạn. Kèm theo đó, bạn hãy thể hiện rõ mong muốn nhận được hồi âm của nhà tuyển. Sau cùng, bạn cần viết ngày tháng làm đơn, ký và ghi rõ họ tên ở cuối thư.
Top 12 mẫu đơn xin việc viết tay theo ngành nghề
Mỗi ngành nghề đều có những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng khác nhau, vậy nên khi viết đơn xin việc bạn cần tập trung làm nổi bật các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm có thể giúp ích cho vị trí ứng tuyển. Tránh kể lan man, dài dòng nhưng không đúng trọng tâm. Bạn có thể tham khảo một số ví dụ cụ thể dưới đây: