VỀ AN GIANG NGẮM NHỮNG CÁNH ĐỒNG THỐT NỐT CAO VÚT TRỜI

VỀ AN GIANG NGẮM NHỮNG CÁNH ĐỒNG THỐT NỐT CAO VÚT TRỜI

Những cánh đồng thốt nốt này đẹp nhất là khi mùa nước nổi về, những cây thốt nốt thẳng tắp, vươn mình trên những cánh đồng ngập mênh mông nước, tạo nên một khung cảnh thơ mộng và bình yên, làm nao lòng bất kì ai khi chứng kiến.

Cây thốt nốt gắn liền với cuộc sống của người dân An Giang.

Vì sao lại nói cây thốt nốt gắn liền với cuộc sống của người An Giang? Vì khi nhắc đến cây thốt nốt người ta sẽ chẳng lưỡng lự mà nghĩ ngay đến An Giang. Nơi mà cây thốt nốt lớn lên và gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân từ nhiều đời nay. Ở An Giang, cây thốt nốt được trồng nhiều nhất và nổi tiếng nhất là ở vùng Thất Sơn (hay còn gọi là Bảy Núi) thuộc huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Chính vì thế nơi đây được ưu ái gọi là “xứ sở của thốt nốt An Giang”.

Sở dĩ, cây thốt nốt gắn liền với người dân vì chúng hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của họ. Lá cây thốt nốt có thể dùng để lợp nhà hay dùng để làm chất đốt. Thân cây thốt nốt thì có thể dùng làm cột nhà hay bàn ghế đều được. Đặc biệt trái thốt nốt được xem là nguyên liệu tạo nên nhiều món đặc sản, dân dã xứ An Giang. Trong đó nổi tiếng như là nước thốt nốt tươi, ngọt thanh, mát, đường thốt nốt, chè thốt nốt, bánh bò thốt nốt, cơm lấy từ trái thốt nốt,….

Cây thốt nốt trong mùa nước nổi.

Hằng năm, cứ tới tháng 9 khi những con nước đổ về thì miền Tây sẽ bắt đầu quá trình gọt rửa và làm mới bản thân mình. Quá trình này kéo dài cho tới tháng 11. Lúc này đây những cánh đồng thốt nốt được hòa mình vào con nước đã tạo ra những khung cảnh tuyệt đẹp. Có không ít những họa sĩ, những nhà nhiếp ảnh đã tìm về nơi hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang để quan sát khung cảnh này và lấy đó làm nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những cây thốt nốt đang đứng vươn mình mạnh mẽ trên mặt nước từ phía xa. Những cây thốt nốt thẳng tấp, cao vút lên trên không trung cùng với đó là bóng cây được soi rọi dưới mặt nước. Đó chính là một bức tranh thơ mộng được vẽ bởi thiên nhiên.

Nếu bạn hỏi người dân An Giang nơi đâu có khung cảnh đẹp cùng với những cây thốt nốt. Mọi người đều sẽ chỉ bạn đi về Tịnh Biên tìm tới ngôi chùa “Sà-Đách-Tót”, đây là ngôi chùa theo kiểu kiến trúc của người Kmer. Tại đây có “cặp thốt nốt” sinh đôi nổi tiếng với vẻ đẹp của mình. Nơi đây đã cho ra đời nhiều bức ảnh xuất sắc, đoạt giải tại nhiều cuộc thi ảnh, nhờ đó mà đã biến nơi đây thành nơi yêu thích của những nhiếp ảnh gia và họa sĩ.

Trên mặt nước không chỉ là những hàng thốt nốt yên bình mà còn có hình ảnh của những người dân nơi đây đang miệt mài mưu sinh trong mùa nước nổi. Những động tác quăng lưới, hình ảnh của những người đang leo cây thốt nốt để hái trái. Bên cạnh đó là những cánh đồng lúa xanh mát và người nông dân đang gánh rơm, gặt lúa,… Đây là một bức tranh nên thơ về một vùng quê thanh bình và thơ mộng.

Sẽ là một thiếu sót to lớn nếu hành trình tham quan đồng bằng sông Cửu Long của bạn sẽ không thật sự trọn vẹn nếu bạn không thưởng thức ly thốt nốt mát lạnh. Ly nước thốt nốt mát lạnh cùng với vị ngọt lịm sẽ giúp bạn xua tan đi những mệt mỏi trong chuyến đi của mình.

Không chỉ nổi tiếng về những cây thốt nốt, mà Tịnh Biên vào mùa nước nổi cũng đón rất nhiều du khách thới tham quan lễ hội đua bò tại vùng Bảy Núi. Lễ hội được tổ chức vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 Âm lịch, đây là lễ hội Tết Dolta của người Khmer sinh sống tại khu vực này. Ngoài ra thì chúng ta còn có thể ghé tham quan nhiều địa điểm khác như chợ nổi Long Xuyên, miếu bà Chúa Xứ, chợ mắm Châu Đốc, rừng tràm Trà Sư,… Mùa nước nổi không đơn thuần mang lại những giá trị đơn thuần là tôm, cá, phù sa mà còn mang lại vẻ đẹp cho cảnh sắc thiên nhiên. Điều này góp phần giúp cho đời sống tinh thần được gia tăng.

Link nội dung: https://unie.edu.vn/canh-dong-thot-not-a49640.html