Thâu tóm, sáp nhập
Hoạt động kinh doanh của nhà mạng Vodafone phát triển ổn định kể từ năm 2008, được hỗ trợ bởi một số thương vụ mua ngành dọc khác nhau như ô tô, chăm sóc sức khỏe, tòa nhà thông minh hay nông nghiệp.
Ô tô là lĩnh vực lớn nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất cho Vodafone (chiếm khoảng 1/3), tiếp theo là thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe (21%), năng lượng và tiện ích (16%) và hậu cần và vận tải (10%).
Quản lý kết nối là hoạt động cốt lõi trong lĩnh vực kinh doanh IoT của công ty viễn thông này. Tính đến cuối tháng 3/2023, Vodafone có 162,3 triệu kết nối IoT, phân phối trên 190 thị trường và 570 mạng. Các kết nối IoT nằm trên các mạng 2G, 3G, LTE và 5G cũng như các mạng IoT chuyên dụng sử dụng IoT băng thông hẹp (NB-IoT).
Hết quý I/2023, Vodafone có hơn 1 tỷ euro doanh thu từ mảng kinh doanh IoT. Giới phân tích nhận định mảng kết nối chiếm phần lớn tổng doanh thu, đang có tốc độ tăng trưởng 10% hằng năm, trong khi lĩnh vực bán thiết bị phần cứng, giải pháp đầu cuối và kết nối IoT có mức tăng lần lượt là 11%, 30% và 8,1%.
Vodafone thành lập đơn vị IoT chuyên dụng vào năm 2008, tận dụng khai thác thành công tính năng chuyển vùng (roaming) với lợi thế hiện diện đa quốc gia và đa khu vực để cung cấp những lợi ích thiết thực cho người dùng, chẳng hạn như biểu phí chuyển vùng chuyên biệt so với phí roaming thông thường.
Nhà mạng này tìm thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong cả lĩnh vực kết nối và giải pháp dịch vụ IoT. Thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được Vodafone đánh giá là phân khúc ít thâm nhập IoT nhất. Do đó, đây là khu vực cần tập trung đặc biệt cùng với y tế điện tử, thành phố thông minh, giáo dục kết nối và một danh mục khác được gọi là “Kỹ thuật số xanh” dành cho môi trường và phát triển bền vững.
Kinh tế vạn vật
Dưới góc độ sản phẩm, Vodafone đề ra khái niệm “Kinh tế vạn vật” (economy-of-things), chỉ việc tích hợp IoT vào sản phẩm, dịch vụ cho phép các thiết bị có thể tương tác, buôn bán và giao dịch.
Năm 2012, công ty viễn thông Vodafone ra mắt nền tảng Môi giới Tài sản Kỹ thuật số (DAB) sử dụng công nghệ blockchain xác thực thiết bị và các máy móc kết nối, cho phép những tài sản được xác thực có thể giao dịch dữ liệu và tiền bạc thông qua kết nối mã hoá bảo mật.
Tháng 5/2023, Vodafone tách sản phẩm DAB thành một đơn vị kinh doanh riêng, đồng thời bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư Sumitomo của Nhật Bản. Liên doanh này cho biết trước mắt họ sẽ nhắm vào lĩnh vực xe hơi và vận tải ở Đức và vương quốc Anh, trước khi mở rộng sang các quốc gia châu Âu, Mỹ và châu Á.
“Với thoả thuận đạt được, Vodafone sẽ chuyển giao nền tảng Kinh tế vạn vật, còn gọi là DAB, cũng như các tài sản trí tuệ, hợp đồng, công nghệ và phần mềm sang hoạt động kinh doanh mới”, nhà mạng cho biết. “Đổi lại, Sumitomo sẽ đầu tư vào lĩnh vực mới này và hợp tác với Vodafone trong thu hút thêm các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng”.
Cũng trong tháng 5, Sky News đưa tin Vodafone đã thuê công ty tư vấn giúp bán cổ phần của bộ phận IoT khi nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị kết nối toàn cầu. Nguồn tin cho hay, nhà mạng này có thể bán tới 49% cổ phần (định giá khoảng 1 tỷ euro).
Vodafone đang đặt cược vào lợi ích của IoT mang lại cho người tiêu dùng, dẫn chứng là ngày càng có nhiều ứng dụng như đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi thú cưng, túi xách và xe đạp cũng như các phương tiện kết nối.
“Đối với các doanh nghiệp, nhu cầu về IoT đối với những trường hợp sử dụng tiềm năng còn rõ ràng hơn”, Vodafone từng cho hay. “Chúng bao gồm các giải pháp như giám sát tự động việc sử dụng năng lượng trên mạng lưới điện quốc gia, theo dõi mức tiêu thụ trong các toà nhà thông minh và phát hiện giao thông tắc nghẽn ở các thành phố”.
(Theo Inform, News Sky)
Link nội dung: https://unie.edu.vn/vodafone-vietnam-a41465.html