Cùng với Bún gỏi dà, Mỳ sụa Sóc Trăng, Kim tiền kê, Phá lấu, Bánh pía, Bún vịt nấu tiêu... Bún nước lèo Sóc Trăng mang trong mình tinh hoa ẩm thực của 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer chiếm được nhiều cảm tình của người thưởng thức bởi hương vị đặc trưng đầy cuốn hút.
Hương vị bún nước lèo ở Sóc Trăng khác hẳn với những nơi khác bởi đó là sự kết hợp hài hòa giữa nguyên liệu và cách chế biến của người dân địa phương.
Ban đầu, đây chỉ là một món ăn có nguồn gốc từ món bún dân dã của đồng bào Khmer, đến nay bún Sóc Trăng này đã trở thành món khoái khẩu của nhiều người, món ăn đặc sản với cách chế biến đa dạng, thú vị tại nhiều địa phương khác nhau.
Để làm nên một tô Bún nước lèo Sóc Trăng ngon nhất định không thể thiếu những sợi bún trắng ngà vừa mềm mát nhưng vẫn đủ độ dai. Ngon nhất chính là loại bún của người Sóc Trăng được làm từ loại gạo dẻo. Người ta dùng gạo mùa đã được ngâm nước qua đêm rồi mới đem xay trong cối đá dạng bột nước để tạo thành những sợi bún trong, dẻo thơm.
Tinh túy của món ăn này chính là nước lèo - loại súp được chế biến từ sự hòa quyện giữa mắm, sả và ngải bún (dùng để khử mùi tanh và tạo hương thơm đặc biệt cho nước lèo).
Mắm thường dùng là những loại sẵn có tại địa phương như mắm cá sặc, cá lóc…; riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc.
Mắm bò hóc là một loại mắm đặc trưng của người Khmer; làm bằng các loại cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi. Sau khi đánh bắt hoặc mua về; người ta đem ủ các loại thủy hải sản này trong muối từ 6 tháng trở lên cho đến khi thành mắm. Để nấu nước lèo, người ta phải rã mắm trong nước sôi rồi chờ thịt mắm tan ra hết, sau đó mới tiến hành lọc bỏ xương mắm lấy nước riêng.
Tuy nhiên, để có thể nấu được nồi nước lèo vừa ngon vừa thơm phải kết hợp nhiều loại mắm với một quy trình nấu khá phức tạp.
Mắm được xử lý riêng, nấu chín và chỉ lọc lấy nước trong. Sau đó, nước dùng này được nấu cùng với sả và ngải bún trong khoảng thời gian cho đến khi hương vị hòa quyện vào nhau. Sau đó, cho thêm nước dừa vào để nước lèo thêm ngọt và trong.
Các nguyên liệu ăn kèm bún nước lèo cũng được chế biến khá kỳ công, trong đó có ba phần chính là cá lóc, tép đất, thịt lợn quay.
Cá lóc đồng được luộc, tách thịt, bỏ xương; tép đất luộc chín bỏ vỏ và thịt lợn quay xắt miếng. Lớp da giòn, béo ngậy và mùi ngũ vị hương trong thịt lợn quay làm cho món Bún nước lèo thêm hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Bún nước lèo còn ăn kèm với nhiều loại rau như giá, hẹ, rau muống bào, bắp chuối bào, rau thơm, rau răm làm tròn hương vị. Khi thưởng thức, thực khách có thể thêm chút chanh, ớt, nước mắm cho thêm đậm đà.
Sau khi chuẩn bị xong các loại nguyên liệu, một bát Bún nước lèo hoàn thành bao gồm phía dưới là sợi bún trắng nõn, phía trên có có tôm, cá lóc và thịt lợn quay da giòn. Đây là là món đặc sản mà bạn nhất định phải thử qua khi có dịp du lịch miền đất Tây Nam Bộ.
Vừa qua, Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức có quyết định xác lập 10 kỷ lục châu Á mới về Ẩm thực và Quà tặng Đặc sản Việt Nam theo bộ tiêu chí Kỷ lục Ẩm thực và Đặc sản châu Á năm 2023, trong đó món Bún nước lèo của tỉnh Sóc Trăng.
Bún nước lèo khác gì với Bún mắm?
Nhiều người thường lầm nhầm lẫn giữa Bún nước lèo và Bún mắm là giống nhau vì cách làm nước dùng, màu sắc cũng như mùi vị khi ngửi thoáng qua của bát bún.
Thế nhưng điểm khác nhau giữa Bún nước lèo với Bún mắm lại nằm ở cách nấu nước dùng mà ít ai biết. Bún nước lèo có thể sử dụng nhiều loại mắm nấu chung và có thêm ngải bún và sả không băm. Nước dùng của Bún nước lèo cũng trong hơn so với Bún mắm vì nấu chủ yến bằng nước dừa phần nước lèo thêm ngọt và ngon hơn. Đây là thói quen của người dân miền Tây hay dùng nước dừa để nấu các món ăn.
Ngoài ra, sợi bún trong Bún nước lèo nhỏ hơn sợi bún ăn Bún mắm. Nước dùng hay thành phần chính của Bún mắm cũng phong phú khi có thêm thịt lợn quay, mực, chả ớt và đậm đà hương vị hơn./.
Link nội dung: https://unie.edu.vn/bun-leo-a41112.html