Tiền Giang không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là nơi có nhiều ngôi chùa cổ kính, có kiến trúc độc đáo và rất linh thiêng. Du lịch tâm linh là loại hình du lịch đang được nhiều du khách lựa chọn khi muốn loại bỏ phiền não, tìm về chốn thanh tịnh cho lòng an yên hơn. Nhiều du khách chỉ đơn giản là thích đi hành hương, ngắm cảnh, tìm hiểu kiến trúc và văn hóa lịch sử của những ngôi chùa.
-> Tham khảo thêm: Những khu du lịch sinh thái nổi tiếng ở Tiền Giang
Bài viết sau đây, Viet Fun Travel muốn giới thiệu đến quý khách Top 5 ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhất ở Tiền Giang.
Một trong những điểm du lịch tâm linh độc đáo ở Tiền Giang đầu tiên phải kể đến là chùa Vĩnh Tràng. Chùa Vĩnh Tràng còn được gọi là chùa Vĩnh Trường, đây là ngôi chùa lớn nhất tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 5km. Chùa nằm ở đường Nguyễn Trung Trực, thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, là di tích kiến trúc nghệ thuật cổ và độc đáo.
Ngôi chùa được xây dựng đầu thế kỷ 19, với sự kết hợp, giao thoa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây tạo nên nét độc đáo nhưng lại khá hài hòa trong tổng thể. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Nam Bộ, được nhiều du khách gần xa tới tham quan, hành hương. Chùa Vĩnh Tràng đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Kiến trúc độc đáo bên ngoài chùa Vĩnh Tràng
Mặt trước của ngôi chùa là kiến trúc phương Tây hiện đại với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong, hoa văn nhiều màu sắc, du khách có cảm giác như đi lạc vào một ngôi chùa nước ngoài. Khi đi vào bên trong thì nét đẹp châu Á là điều du khách sẽ cảm nhận rõ ràng hơn. Hệ thống các hoành phi, tượng gỗ được chạm khắc khéo léo, tinh xảo tạo nên sự vững chãi cho toàn bộ ngôi chùa.
Kiến trúc bên trong chùa đậm nét cổ truyền của Phật giáo
Chùa có diện tích khoảng 2 hecta gồm nhiều khu vực như Phật đài A di đà, chánh điện chính, đài quan âm, vườn tháp, phòng phát hành kinh sách...
Đến chùa Vĩnh Tràng hành hương, du khách được dịp được chiêm ngưỡng hơn 60 bức tượng Phật đặc sắc như tượng đồng Quan Âm, Phật Di Đà, Thế Chí với bảy bộ bao lam in hình Bát Tiên, Mặt Trăng và Mặt Trời. Ngoài ra trong khuôn viên chùa có sân kiểng, ao sen, nhiều cây cổ thụ cao lớn và vườn cây ăn trái rợp bóng mát.
Chùa Bửu Lâm được xem là một trong các ngôi chùa cổ kính nhất ở Tiền Giang, tọa lạc tại đường Anh Giác, phường 3, thành phố Mỹ Tho. Chùa là một trong bốn tổ đình dòng Lâm tế Chánh tông.
Trải qua hàng trăm năm, dù kiến trúc bên ngoài có thay đổi nhưng nội thất vẫn giữ nét cổ kính của một chùa xưa. Ngày 13/9/1999 chùa Bửu Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia.
Chùa được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1803. Đã trải qua 10 đời truyền thừa, trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Từ Lâm. Ý nghĩa của tên chùa Bửu Lâm là ước nguyện dòng Lâm tế Chánh tông sẽ được giữ gìn và phát triển vững bền.
Đã qua hơn 200 năm, qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chùa Bửu Lâm nhiều lần được trùng tu đã có được diện mạo khang trang, uy nghiêm như bây giờ.
Cổng tam quan của chùa Bửu Lâm
Kiến trúc ngôi chùa với nhiều nét đặc sắc. Đầu tiên là cổng tam quan có hình cổ lâu, bên trên là các câu đối mang ý nghĩa tôn giáo và một số hoa văn rồng phượng, bên dưới là 3 cổng với ý nghĩa Không môn, Giải thoát môn và Vô tướng.
Trong chùa có nhiều bức tượng cổ trong đó có tượng Bồ đề Đạt Ma được đúc từ năm 1802. Một số cổ vật khác cũng rất có giá trị như ba tấm hoành phi được các Phật tử cúng hiến vào năm 1909, 40 câu đối chữ Nho được khắc trên gỗ từ đầu thế kỷ 20...
Chùa có khuôn viên rộng rãi, nhiều cây cảnh đẹp nên du khách đến đây hành hương còn được tham quan quang cảnh trong chùa. Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến thăm ngôi chùa cổ này là những hàng dừa xanh vươn cao vút, đầy sức sống kề bên những vườn trái cây sai trĩu quả. Chắc chắn rằng, sau khi chiêm bái, vãng cảnh tại chùa, du khách sẽ thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn.
-> Cùng Viet Fun Travel xem qua: 12 địa điểm du lịch đẹp ở Tiền Giang
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác nằm trong mảnh đất ở ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang rộng 30ha, được xây dựng theo mô hình truyền thống của các thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, khởi công xây dựng ngày 28 tháng 4 năm 2012.
Điểm khác biệt so với tất cả hệ thống các thiền viện trong cả nước chính là việc xây dựng Tứ động tâm (Lâm-tì-ni, nơi Phật Thích Ca đản sinh; Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo; Lộc Uyển, nơi Phật chuyển pháp luân và Câu-thi-na, nơi Phật nhập diệt) theo đúng nguyên mẫu các công trình ở Ấn Độ và Nepal với tỷ lệ 6-10.
Kiến trúc đẹp, độc đáo của thiền viện
Đây cũng là thiền viện đẹp nổi tiếng và lớn nhất Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác sở hữu một vẻ đẹp trang nghiêm, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ kính và hiện đại. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một thiền viện có kiến trúc độc đáo, hiếm có tại Việt Nam.
Điểm nhấn nổi bật là Thiền viện mang đậm phong cách Ấn Độ có thể dễ dàng bắt gặp được ở tòa tháp chính của ngôi chùa. Lớp sơn trắng toát lên vẻ uy nghi, cộng thêm những chi tiết, hoa văn chạm khắc tinh xảo bên ngoài đã góp phần thu hút khách tới tham quan, hành hương.
Thiền viện có 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện trong đó khu ngoại viện bao gồm nhiều hạng mục: Chánh điện, Tổ đường, Thiền đường, Giảng đường, Thư viện, Nhà Trưng bày, Lầu chuông… với tổng diện tích hơn 47.000 mét vuông. Chánh điện của Thiền Viện có sức chứa lên đến hơn 3.000 người.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại thiền viện
Đặc biệt nhất phải kể đến pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được tạc bằng đá ngọc, thếp vàng, cao 4,5m, nặng trên 30 tấn, do đích thân các nghệ nhân Myanmar chế tác.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được xây dựng ở vùng đất miền Tây của đất nước đã làm phong phú thêm đời sống tâm linh của người dân tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, với kiến trúc đặc sắc từ Ấn Độ, thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác thực sự đã trở thành “điểm gây sốt” cho nhiều du khách trẻ đến vãng cảnh, check-in.
-> Xem thêm về: Những Quán cafe đẹp ở Mỹ Tho Tiền Giang
Chùa Phật Ân không chỉ là một trong những ngôi chùa rất nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang mà còn là một trường trung cấp Phật Học đào tạo tăng ni phật tử. Bao trùm chùa Phật Ân là không khí thanh tịnh và uy nghiêm khác với sự ồn áo, náo nhiệt bên ngoài chùa.
Đến đây, du khách được ngắm cảnh chùa, chiêm bái, phúng viếng cầu bình an cho gia đình đồng thời có dịp được tìm hiểu nhiều thông tin về Phật Giáo. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho Phật Giáo.
Chùa Phật Ân là một trong số ít những ngôi chùa có kiến trúc đậm nét Phật Giáo đẹp nhất ở tỉnh Tiền Giang sau nhiều lần được trùng tu. kế kiến trúc của chùa Phật Ân gồm nhiều hạng mục như cổng Tam Quan, Chánh Điện, khu Giảng Đường, khu Tăng xá, khu thư viện, bồn hoa và tiểu cảnh trong khuôn viên chùa...
Chùa Phật Ân vừa là nơi hành hương vừa là trường đào tạo tăng ni, phật tử
Cổng tam quan của chùa mới được xây dựng lại năm 2012 nên còn rất mới và đẹp. Du khách đến chùa thích chụp ảnh lưu niệm tại đây. Chánh Điện chùa Phật Ân có kiến trúc đẹp và trang nghiêm do vừa được trùng tu và sửa chữa vào năm 2011.
Trước cửa Chánh Điện có đặt tượng Phật Di Lặc to lớn, còn ở giữa Chánh Điện là nơi đặt tượng thờ Đức Phật Thích Ca. Mỗi ngày, Chánh Điện chùa Phật Ân đón tiếp nhiều lượt khách du lịch đến chùa cúng viếng, cầu bình an.
Chính cái không khí thanh tịnh và bình yên đó kết hợp với vẻ đẹp kiến trúc đẹp mắt, chùa Phật Ân trở thành một trong những địa điểm du lịch đẹp ở Tiền Giang được nhiều khách du lịch tìm đến tham quan, ngắm cảnh.
Chùa Linh Thứu có tên đầy đủ là Sắc Tứ Linh Thứu, thường được gọi là chùa Sắc tứ, tọa lạc gần chợ Xoài Hột, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là một ngôi chùa cổ, đã từng được vua Gia Long ban sắc chỉ đặt lại tên chùa là Long Nguyên tự năm 1811 vì đã từng cứu ông trốn khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn.
Cổng vào của chùa với 2 tên gọi được khắc trên 2 phiến đá
Ngôi chùa Linh Thứu ngày nay đã trải qua nhiều lần trùng tu, tuy bề ngoài có thay đổi nhưng bên trong vẫn còn khung cột gỗ. Từ ngoài vào trong cổ tất cả 78 cột gỗ đen bóng. Chính điện được tôn trí các tượng Phật như đức Di Đà, đức Thích Ca và đức Di Lặc cùng các vị Bồ tát.
Những cột gỗ đen bóng bên trong chùa vẫn còn nguyên vẹn
Đặc biệt bên trái bệ thờ là chiếc đại hồng chung khi xưa đã cứu mạng vua Gia Long. Trước bệ thờ Phật giữa chính điện là hai câu đối nhắc lại việc vua Gia Long sắc ngự định tên chùa là Long Tuyền và vua Thiệu Trị tứ phê cho chùa tên Linh Thứu.
Hiện tại, kiến trúc chùa mang nét thánh thoát cổ kính, dáng vẻ uy nghiêm nhưng rất gần gũi khiến cho lòng người đến chùa, cảm nhận được sự bình yên, ấm cúng. Bên cạnh nét đẹp về phong cách kiến trúc truyền thống xưa, chùa ngày nay là nơi sinh hoạt phật pháp quan trọng của bà con phật tử.
-> Bài viết liên quan: 42 địa điểm du lịch đẹp ở Miền Tây
Khi đến thăm những ngôi chùa, người dân không chỉ để ngắm một ngôi chùa có kiến trúc đẹp, mà còn đến để gửi gắm những ước vọng bình an, trải lòng mình trong một không gian yên bình, an tịnh. Bước chân nhẹ nhàng, thành tâm chiêm bái, tĩnh tâm trong những chốn linh thiêng du khách như được trút bỏ hết những lao xao trong đầu, được thanh lọc tâm hồn mình. Đó là giá trị lớn nhất khi du khách đi du lịch hành hương chùa chiền. Quý khách có dịp về du lịch Tiền Giang, hãy nhớ ghé thăm những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng mà Viet Fun Travel vừa tổng hợp nhé.
Du lịch Việt Vui tổng hợp
Link nội dung: https://unie.edu.vn/chua-tien-giang-a40915.html