Đây là chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ năm 2022 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tổ chức vừa qua. Hội nghị đã thu hút gần 500 đại biểu tham dự trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến từ các điểm cầu trong nước và thế giới.
Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, hội nghị là diễn đàn để các bên cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các phương pháp thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế, phát huy vai trò của phụ nữ nói chung và doanh nhân nữ nói riêng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều thách thức mới.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh trong những năm qua, với sự phát triển, tiến bộ chung của nhân loại và nỗ lực của các quốc gia, vị thế của phụ nữ trong ASEAN tăng lên đáng kể thông qua việc tăng cường hợp tác bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh và phát triển kỹ năng; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; tăng khả năng đại diện và vai trò lãnh đạo của phụ nữ; khuyến khích hợp tác công tư…
Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện chiếm hơn 30%; tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt đạt 50%. Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động tại Việt Nam đạt 47%-48%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 27%, trong đó, có nhiều phụ nữ tham gia hội đồng quản trị, làm tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch nước, đa số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang, khủng hoảng năng lượng, lương thực và các thách thức an ninh phi truyền thống, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận thông tin, thị thường, dịch vụ tài chính, thu hút nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nhằm thích ứng với những xu hướng của thời đại để tồn tại và phát triển.
Bởi vậy, Phó Chủ tịch nước kỳ vọng qua Hội nghị, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, doanh nhân nữ các quốc gia ASEAN và thế giới sẽ đóng góp những sáng kiến và đề xuất có giá trị thiết thực, không chỉ đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ mà còn đối với các chính phủ và các tổ chức hỗ trợ, xúc tiến thương mại, cũng như mạng lưới doanh nhân nữ trong nước và khu vực. Qua đó, giúp tăng cường kết nối, hợp tác để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, vì một cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, bao trùm và tự cường.
Cùng hành động, cùng phát triển
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, phụ nữ chiếm 50,2% dân số và 49% lực lượng lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở VN thuộc top 2 trong ASEAN (theo báo cáo của UN WOMEN năm 2021). Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, lại chính là khu vực chủ yếu do nữ làm chủ, đóng góp 40% GDP, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Các doanh nhân nữ đã có đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. “Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vô cùng khó khăn vừa qua, các nữ doanh nhân vẫn rất bản lĩnh, quyết đoán và linh hoạt, chèo lái doanh nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng cao; đồng thời, tham gia tích cực vào việc thực hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt là trong đóng góp, ủng hộ các hoạt động phòng chống dịch Covid-19”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Chủ tịch VCCI cho biết, mặc dù là nền kinh tế thị trường non trẻ, nhưng Việt Nam đã có những nữ doanh nhân lọt vào danh sách “Top 50 doanh nhân quyền lực châu Á”, “Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu”. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân VN 13/10/2022, trong tổng số 60 doanh nhân xuất sắc quốc gia được VCCI vinh danh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, có tới 15 nữ doanh nhân, đạt tỷ lệ 25%, trong đó có 2 nữ doanh nhân đặc biệt xuất sắc nằm trong TOP10 “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022”.
Một thời kỳ mới đang mở ra ở phía trước với các doanh nhân Việt Nam và thế giới. Các xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành dòng chảy chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, vì vậy để thành công và phát triển, cần phải đoàn kết, cùng hành động, cùng phát triển, cùng thành công. Những vấn đề quan trọng đối với DN hiện nay, đặc biệt là DN do nữ làm chủ như tái cấu trúc lại doanh nghiệp, ứng phó với khủng hoảng, ứng dụng công nghệ để mở rộng và phát triển doanh nghiệp, tăng cường hợp tác, kết nối để cùng nhau vượt qua các thách thức hiện tại và tiềm ẩn trong tương lai, phát triển doanh nghiệp bền vững là những vấn đề đang rất được quan tâm.
“VCCI cam kết ủng hộ và đồng hành trong việc thúc đẩy các sáng kiến và tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân nữ phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp; tăng khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ của Việt Nam với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế”, Chủ tịch VCCI nói.
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị đã diễn ra Lễ Vinh danh “Doanh nghiệp nữ ASEAN tiêu biểu” và Lễ Vinh danh “Giải thưởng ASEAN dành cho Doanh nhân nữ 2022”. Có 8 nữ doanh nhân Việt Nam được trao danh hiệu “Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu” và 2 người được trao “Giải thưởng ASEAN dành cho Doanh nhân nữ 2022”.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
Link nội dung: https://unie.edu.vn/nu-2022-a39496.html