Tại sao phải nhịn ăn uống trước phẫu thuật? Nhịn trước bao lâu?

Nhịn ăn uống trước phẫu thuật là mối quan tâm của nhiều người bệnh. Tẩm bổ quá nhiều trước phẫu thuật hay nhịn ăn quá lâu đều là những quan niệm sai lầm. Hiểu rõ và chính xác về quy tắc nhịn ăn uống trước phẫu thuật giúp đảm bảo sức khỏe, cũng như góp phần thành công cho ca phẫu thuật.

nhịn ăn uống trước phẫu thuật

Phẫu thuật là gì?

Phẫu thuật là những kỹ thuật ngoại khoa dùng để chữa bệnh (cắt bỏ khối u) hoặc chẩn đoán một bệnh (cắt u, sinh thiết gửi giải phẫu bệnh) nào đó. Giới Y khoa phân loại phẫu thuật, thủ thuật dựa vào các yếu tố sau:

  1. Mức độ khó và phức tạp của phẫu thuật, thủ thuật.
  2. Mức độ nguy hiểm đối với tính mạng của người bệnh.
  3. Yêu cầu về phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị y tế sử dụng cho phẫu thuật, thủ thuật.
  4. Yêu cầu về số người tham gia phẫu thuật, thủ thuật.
  5. Thời gian thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.

Theo đó, sẽ có các loại phẫu thuật: đặc biệt, loại 1, loại 2, loại 3 và mức độ phức tạp của nó cũng giảm dần.

Trong cuộc sống hàng ngày, người dân thường gọi phẫu thuật, thủ thuật là những cuộc mổ chung chung mà không phân biệt đó là mổ chương trình hay cấp cứu, mổ phức tạp hay đơn giản? Từ đó, dễ có những nhận định sai lầm rằng cuộc mổ nào cũng giống nhau, nhịn ăn uống càng lâu sẽ càng tốt.

Tương tự có những nghịch lý khác như mẹ bầu đi sinh mổ sẽ ăn uống tẩm bổ nhiều trước giờ mổ “cho có sức”! Khía cạnh nào cũng đem lại những điều bất lợi, nguy hiểm cho người bệnh nếu không hiểu một cách đúng đắn nhất.

tại sao trước khi phẫu thuật phải nhịn ăn
Rất nhiều bệnh nhân lầm tưởng nhịn càng nhiều giờ trước phẫu thuật sẽ tốt.

Nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật là như thế nào?

Các nhà nghiên cứu Y khoa đã chứng minh rằng việc nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật là điều cần thiết giúp cuộc mổ diễn ra thuận lợi hơn. Nhịn ăn trước khi phẫu thuật là việc người bệnh nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định khiến dạ dày rỗng nhằm tránh những biến chứng trong và sau phẫu thuật. Tùy vào thể trạng, tính chất cuộc mổ của bệnh nhân bác sĩ sẽ đưa ra chế độ ăn uống hay nhịn ăn uống phù hợp.

Thống kê của hiệp hội gây mê hồi sức Hoa Kỳ (ASA), viêm phổi do hít phải chất nôn từ dạ dày là một trong những biến chứng hiếm gặp (chiếm tỉ lệ 1,1/10 000 bệnh nhân người lớn và 1,3/10.000 bệnh nhân trẻ em) nhưng để lại hậu quả nặng nề: viêm phổi, xơ phổi, tắc nghẽn phổi mà hậu quả 57% trong số đó dẫn đến cái chết, 15% có những thương tổn phổi vĩnh viễn không hồi phục.

Vì vậy, trước mỗi cuộc mổ dù ngắn hay dài, dù gây mê toàn thân hay gây tê vùng, gây tê tại chỗ, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các quy định về nhịn ăn, uống để tránh xảy ra các biến chứng nặng nề làm tổn hại đến sức khỏe và tiền bạc của bản thân.

Tại sao phải nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật?

Bất kỳ cuộc mổ nào cũng cần phải gây mê hoặc gây tê giảm đau, làm cho người bệnh quên đi cảm giác sợ hãi, lo lắng, đau đớn. Tùy vào mức độ khó và nguy hiểm của cuộc mổ, bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ quyết định chọn phương pháp vô cảm phù hợp cho từng thể trạng và bệnh của bệnh nhân. (1)

phương pháp này luôn đòi hỏi phải kiểm soát được các chức năng sống của người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật gồm: hô hấp, tuần hoàn, bài tiết… Đồng thời, thuốc mê, thuốc tê được sử dụng thích hợp về nồng độ, liều lượng cụ thể nhằm giữ an toàn cho bệnh nhân, thoải mái và không bị các biến chứng, tác dụng phụ.

trẻ em cũng cần nhịn ăn trước phẫu thuật
Không chỉ bệnh nhân trưởng thành, trẻ em cũng cần có quy tắc nhịn ăn trước phẫu thuật để đảm bảo cho cuộc phẫu diễn ra an toàn.

Nhịn ăn trước phẫu thuật bao lâu là được?

Hiệp hội gây mê hồi sức Hoa Kỳ (ASA) cho biết, thời gian nhịn ăn uống chấp nhận được cho các bệnh nhân khỏe mạnh, có phân độ ASA (mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như thể trạng sức khỏe của người bệnh), ASA I, ASA II cụ thể như sau: (2)

  1. Nhịn ăn thức ăn đặc, sữa công thức trước mổ 6 giờ.
  2. Nhịn uống sữa mẹ trước 4 giờ.
  3. Nhịn uống nước lọc trước mổ 2 giờ.

Ngoài ra, các trường hợp thức ăn chậm đi khỏi dạ dày đòi hỏi thời gian nhịn kéo dài hơn: từ 6-8 giờ. Người bệnh sẽ bị tăng nguy cơ hít sặc khi bị các bệnh đi kèm bao gồm: bệnh rối loạn thực quản trào ngược không kiểm soát, thoát vị, túi thừa Zenker, hẹp môn vị trước phẫu thuật dạ dày, liệt dạ dày, bệnh tiểu đường thể trung gian, sử dụng thuốc phiện, thai kỳ, béo phì…

Hướng dẫn nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật

Ngày nay, các nghiên cứu đã chứng minh rằng, sau ăn thức ăn dạng đặc: cơm, cháo, bún, phở, sữa công thức người bệnh cần nhịn đủ 6 giờ, trẻ em bú sữa mẹ nhịn trước 4 giờ và nước lọc 2 giờ. Vì vậy, tùy vào giờ giấc nhập viện để khuyến cáo nhịn ăn uống theo công thức 6-4-2 với người lớn và cả trẻ em không có bệnh nền kèm theo. Các trường hợp thức ăn chậm di chuyển khỏi dạ dày, thời gian khuyến cáo dài hơn, có thể lên đến 8 giờ.

Ở những người bệnh béo phì, tiểu đường, nếu ca mổ tiến hành muộn trong ngày, nên uống thêm dung dịch có pha carbohydrate trước 2 - 3 giờ phẫu thuật để có thêm năng lượng. Cảm giác bị đói, khát, gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý bệnh nhân trước cuộc mổ. Trẻ em có thể uống thêm nước ép táo trước mổ 2 giờ.

Với bệnh nhân nhập viện trước mổ một ngày, đêm trước phẫu thuật có thể ăn uống sinh hoạt bình thường. Giờ nhịn ăn có thể từ 12 giờ đêm đến sáng. Tùy vào giờ mổ, chúng ta có thể uống thêm nước ép táo, dung dịch carbohydrate hoặc nước lọc theo sở thích trước khi vào phòng mổ 2 -3 giờ.

Những trường hợp phẫu thuật trong ngày, phải nhịn thức ăn đặc và sữa công thức trước nhập viện (tốt nhất nhịn từ 12 giờ đêm trước khi nhập viện). Sáng ngày nhập viện cần nhịn uống để xét nghiệm máu. Nếu ca mổ rơi vào giờ chiều, có thể uống nước lọc, nước táo ép hoặc dung dịch carbohydrate trước 2-3 giờ vào phòng mổ.

Những trường hợp bệnh kèm ASA III trở lên, phải tuân thủ theo lời dặn bác sĩ gây mê hồi sức.

Nên ăn gì trước khi chuẩn bị phẫu thuật?

Đa phần bệnh nhân không biết phải ăn gì trước phẫu thuật cho đúng? Họ thường nhịn nhiều hơn số giờ quy định của khoa phòng, một số khác cho rằng phải ra sức ăn nhiều thì sau mổ có sức khỏe tốt, cả hai vấn đề này đều không mang đến lợi ích cho người bệnh.

hướng dẫn nhịn ăn uống trước phẫu thuật
Bác sĩ hướng dẫn người bệnh nhịn ăn uống trước phẫu thuật.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ: gà rán, thức ăn nhanh, nhiều đạm động vật như thịt, cá sẽ lưu lại trong dạ dày lâu hơn bình thường. Vì vậy, trước khi đi mổ, người bệnh không nên ăn quá nhiều thực phẩm “ khó tiêu” giàu dinh dưỡng.

Với ca phẫu thuật nội soi đường ruột phải nhịn ăn và uống thuốc xổ làm sạch khung đại tràng. Các trường hợp người già, trẻ em, không nên nhịn ăn uống quá mức cần thiết sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải (thậm chí ở trẻ con có thể sốt nhẹ), tăng tiết dịch dạ dày…

Các câu hỏi thường gặp

1. Sau phẫu thuật bao lâu thì tỉnh?

Có nhiều cuộc mổ bệnh nhân vẫn tỉnh trong khi mổ, ví dụ như: mổ lấy thai, mổ thay khớp háng, khớp gối, bơm xi măng cột sống.

Những cuộc mổ dù đã xong nhưng người bệnh vẫn được duy trì mê, sau đó chờ phục hồi chức năng của cơ quan bị phẫu thuật, ví dụ như mổ tim, mổ não… Nên bao lâu thì tỉnh phụ thuộc vào bạn mổ gì?

Sau phẫu thuật nên làm gì, kiêng gì cho mau lành?

Bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ điều trị trực tiếp là người theo dõi vết thương, nhu động ruột, chức năng gan, mật, thận… để hướng dẫn cụ thể từng người bệnh về chế độ ăn riêng của họ. Do đó không có bất kỳ một công thức chung nào cả.

Người bệnh nên tuân thủ đúng và đủ lời dặn nhịn ăn uống trước phẫu thuật. Đặc biệt với người già và trẻ em, rối loạn do mất nước, điện giải cũng nguy hiểm không kém nỗi sợ hít sặc dịch dạ dày vào phổi. Vì vậy phải có những thái độ và xử trí hết sức đúng đắn để mang lại hiệu quả tối đa, an toàn nhất cho người bệnh.

Link nội dung: https://unie.edu.vn/mo-mat-ca-chan-kieng-an-gi-a35923.html