7 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư dạ dày

Thưa bác sĩ, gần đây, tôi nội soi dạ dày và phát hiện một vết loét trợt có vẻ lành tính. Tuy nhiên, qua nội soi phóng đại và nhuộm màu dải hẹp, các bác sĩ quan sát được một số vị trí điển hình của ung thư sớm, sinh thiết cũng xác nhận đây là ung thư dạ dày. Vì sao tôi không bị viêm hay mắc các bệnh liên quan tới dạ dày, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường nhưng ung thư vẫn âm thầm tấn công? (Lê Ngọc Định - 41 tuổi, Hà Nội)

PGS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc chuyên môn của Bệnh viện K (Hà Nội), tư vấn:

Trường hợp của bạn rất may mắn vì phát hiện ở giai đoạn sớm vừa tránh được phẫu thuật, cơ hội điều trị khỏi cao.

Ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa nguy hiểm nhất. Theo số liệu ghi nhận ung thư (GLOBOCAN), năm 2022, Việt Nam có thêm 16.277 ca mắc ung thư dạ dày. Đây là con số đáng báo động, bệnh đứng hàng thứ 3 ở nam giới, thứ 4 ở nữ.

Nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, nội sinh, di truyền, nhóm máu A. Ăn các loại thực phẩm chứa nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Người béo phì dễ bị mắc hơn người bình thường. Nếu bạn có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa... nguy cơ này cũng ảnh hưởng đến bạn.

ung thu 34.png
Phẫu thuật ung thư dạ dày tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC.

So với các bệnh ung thư khác, ung thư dạ dày có thể chẩn đoán sớm thông qua khám sàng lọc nội soi dạ dày bằng ống mềm. Kỹ thuật này có thể thực hiện ngay cả ở cơ sở y tế tuyến huyện.

Một số ít trường hợp có dấu hiệu cảnh báo bệnh sớm. Trong đó, 7 triệu chứng dưới đây cảnh báo một người đang ở giai đoạn đầu của ung thư dạ dày:

1. Đau bụng.

2. Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng và đầy bụng sau mỗi bữa ăn.

3. Đại tiện bất thường.

4. Chán ăn, ăn không ngon miệng.

5. Cân nặng giảm đột ngột.

6. Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

7. Nôn ra máu.

Hệ thống nội soi dạ dày sử dụng các nguồn ánh sáng đơn sắc và khuếch đại hình ảnh, giúp cho việc chẩn đoán ung thư dạ dày sớm và hạn chế bỏ sót tổn thương nhất. Vì vậy, người trên 40 tuổi nên thực hiện nội soi dạ dày 1 năm/lần. Người có yếu tố nguy cơ như trên thực hiện từ sau tuổi 30.

Link nội dung: https://unie.edu.vn/7-dau-hieu-ung-thu-da-day-a33902.html