Hen phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Có bao giờ bạn nhớ lại khi còn nhỏ, bạn có những đợt khó thở được bố mẹ dẫn bạn đi khám bệnh, hoặc có khi nào bạn thấy mỗi sáng thức dậy bạn đột ngột ho và khò khè rất nhiều, hay sau khi tan ca làm bạn lại thấy nặng ngực,... Và sau đó bạn đi khám, bác sĩ chẩn đoán bạn bị hen phế quản. Vậy, hen phế quản là gì?

Hen phế quản (hay hen suyễn) là là bệnh lý đa dạng kiểu hình đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây co thắt và tắc nghẽn đường thở. Triệu chứng bao gồm khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái phát. Bệnh có thể tái phát nhiều lần, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm. Điều trị và theo dõi kịp thời là quan trọng để tránh biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây ra hen phế quản

Hen phế quản có thể được gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau, bao gồm cả tác nhân dị ứng và không dị ứng.

Tác nhân dị ứng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của hen phế quản. Các tác nhân dị ứng bao gồm bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá và các chất gây dị ứng trong môi trường công nghiệp như bụi kim loại, khói xăng dầu và hơi hóa chất, kể cả các loại nước hoa có mùi nồng.

Phấn hoa là một trong các tác nhân gây ra hen phế quản. - Ảnh: Canva

Tác nhân dị ứng từ thực phẩm: Một số loại thực phẩm như hải sản (tôm, cua, cá, sò...), trứng, thịt gà và lạc cũng có thể gây ra hen phế quản ở những người bị dị ứng.

Tác nhân từ thuốc: Khá hiếm, chủ yếu gặp ở những bệnh nhân có tiền căn dị ứng các loại thuốc như aspirin, thuốc kháng viêm không corticoid (NSAIDs).

Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng cũng có thể gây ra hen phế quản ở những người có cơ địa dị ứng. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân không dị ứng bao gồm yếu tố di truyền và tình trạng tâm lý như lo âu, căng thẳng và sang chấn tâm lý.

Những người có cơ địa dị ứng hoặc tiền sử gia đình có người mắc hen phế quản là đối tượng nguy cơ cao của bệnh. Đối với những người đã được chẩn đoán hen phế quản, việc tiếp xúc với các tác nhân kích thích có thể dẫn đến việc khởi phát cơn hen cấp.

Triệu chứng hen phế quản

Hen phế quản được nhận biết qua những triệu chứng sau:

Ho và khò khè

Bệnh nhân hen phế quản có đường thở rất dễ bị kích ứng bởi các nguyên nhân được nêu ở trên, triệu chứng đầu tiên khi bị kích ứng là ho rất nhiều, ho khan hoặc có đàm, sau đó là khò khè nhiều do không khí lưu thông qua đường thở bị co thắt.

Đặc biệt, triệu chứng này thường xảy ra vào ban đêm, theo mùa, hoặc sau khi tiếp xúc với các kích thích như cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết và khói bụi.

Các triệu chứng khác

Ngoài các triệu chứng điển hình, bệnh nhân đôi khi gặp các triệu chứng đi kèm khác như hắt hơi, sổ mũi, choáng váng, đau đầu, ngủ gà ngủ gật,...

Cơn khó thở điển hình

Khó thở là triệu chứng điển hình và là dấu hiệu trở nặng thành cơn hen cấp, cần thuốc cắt cơn. Các cơn hen có thể xảy ra từ từ trong vòng 1 ngày hoặc có khi chỉ cần vài phút, tùy thuộc vào mức độ phơi nhiễm với yếu tố gây kích ứng. Trong cơn khó thở, bệnh nhân phải ngồi chúi người ra trước để thở bằng cơ hô hấp phụ, khò khè nhiều.

Nếu có tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp kèm theo, bệnh nhân sẽ khạc ra đàm đổi màu, đục. Trong quá trình khám, các bác sĩ có thể nghe thấy âm thanh ran rít và ran ngáy lan toả ở cả hai phổi.

Chẩn đoán hen phế quản

Trong quá trình chẩn đoán hen phế quản, bác sĩ sẽ tiến hành một loạt các bước khám và xét nghiệm để thu thập thông tin chi tiết về tiền sử và triệu chứng của bệnh nhân.

Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ lắng nghe và khám bệnh nhân dựa trên các triệu chứng và lý do nhập viện. Qua đó, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán hướng dẫn và loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay giãn phế quản, suy tim,...

Đo chức năng hô hấp: Bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm như hô hấp kí, đo lưu lượng đỉnh phổi trước và sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản. Nếu chức năng phổi cải thiện sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản, điều này có thể cho thấy bệnh nhân mắc hen phế quản.

Chẩn đoán hình ảnh: X-quang ngực hoặc CT Scan có thể được sử dụng để tạo ra hình ảnh của phổi và phát hiện các bệnh lý đi kèm trong hen phế quản.

Xét nghiệm khác: Một số xét nghiệm như xét nghiệm Methacholin, đo nồng độ khí NO thở ra (khí nitric oxit), xét nghiệm bạch cầu ưa acid trong đàm có thể được sử dụng trong một số trường hợp để hỗ trợ chẩn đoán hen phế quản.

Điều trị hen phế quản

Bệnh hen phế quản không thể khỏi hoàn toàn, nhưng nếu bệnh nhân tuân thủ đúng điều trị, hen có thể được kiểm soát. Sự kết hợp giữa thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để ngăn chặn các cơn hen phế quản cấp.

Mục tiêu dài hạn của điều trị hen là kiểm soát triệu chứng và duy trì khả năng hoạt động bình thường. Điều này giúp giảm nguy cơ tử vong do hen, ngăn ngừa và giảm thiểu các cơn hen cấp, hạn chế co thắt đường thở và tránh các tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị hen là quá trình liên tục, bao gồm đánh giá tình trạng bệnh, điều chỉnh thuốc và đánh giá đáp ứng. Liều thuốc có thể được tăng hoặc giảm tùy thuộc vào tình trạng hen.

Có ba loại thuốc chính trong điều trị hen:

Thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn: nhằm duy trì điều trị và giảm nguy cơ cơn hen cấp. Hiện nay, tất cả các thuốc kiểm soát hen đều ở dạng hít, bao gồm các loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài phối hợp với corticoid, đôi khi là cả hai loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.

Thuốc cắt cơn hen tác dụng nhanh: chỉ sử dụng khi có cơn hen hoặc triệu chứng khó thở. Mục tiêu là giảm hoặc không cần dùng thuốc cắt cơn hen.

Thuốc điều trị phối hợp kiểm soát hen nặng và hen không kiểm soát: xem xét khi bệnh nhân có triệu chứng hen dai dẳng hoặc vẫn có đợt cấp mặc dù đã được điều trị bằng liều cao thuốc giãn phế quản và corticoid. Các thuốc điều trị phối hợp kiểm soát hen nặng hoặc hen không kiểm soát cần phải tuân thủ kỹ càng hướng dẫn của bác sĩ để tránh hàng loạt các tác dụng phụ của thuốc.

Nếu tuân thủ đúng điều trị, hen phế quản có thể được kiểm soát. - Ảnh: Canva

Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào tuổi, triệu chứng, yếu tố khởi phát, mức độ hen và mức độ kiểm soát bệnh. Bệnh nhân cần được theo dõi và tái khám để bác sĩ có thể đánh giá mức độ kiểm soát hen và điều chỉnh kế hoạch điều trị trong tương lai.

Hen phế quản là một bệnh nguy hiểm, tiến triển nhanh và có thể đe dọa tính mạng. Khi có cơn hen, bệnh nhân không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể. Nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc can thiệp cấp cứu kịp thời, có thể gây suy hô hấp, mất ý thức và thậm chí tử vong.

Nếu sau điều trị bệnh nhân vẫn có triệu chứng khò khè, khó thở hoặc triệu chứng cơn hen ác tính, cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa hen phế quản

Hen phế quản không lây lan từ người này sang người khác. Bệnh liên quan đến cơ địa của bệnh nhân cũng như có tính chất di truyền. Việc phòng ngừa kiểm soát hen tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn hen phế quản cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Một vài lời khuyên giúp phòng ngừa, kiểm soát cơn hen hiệu quả như sau:

Hen phế quản là một bệnh lý không nên coi thường. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh kiểm soát được triệu chứng và tăng cường sức khỏe.

Link nội dung: https://unie.edu.vn/nguyen-nhan-hen-phe-quan-a33193.html