Giới thiệu về Ghana và người Việt tại Ghana

Ghana hay còn gọi là nước cộng hòa Ghana là một trong những quốc gia hình thành nên khối Tây Phi, trong đó Ghana là 1 trong 4 quốc gia nói tiếng Anh tại khu vực này. Nếu xét chỉ số GDP đầu người thì Ghana là quốc gia cao nhất khối Tây Phi, đồng thời cùng Senegal, Gambia là những quốc gia ổn định và an toàn nhất.

Flag_of_Ghana.svg_

Nếu nói về lịch sử phát triển của Ghana, các bạn có thể tham khảo tại Wikipedia, cơ bản chúng tôi có thể tóm lược một số ý chính về quốc gia này bằng người thật việc thật bởi chúng tôi là những con người trực tiếp làm việc hàng ngày tại Ghana, đặc biệt là trong thời gian gần đây, điều mà Wikipedia không thể cập nhật

Chính trị

Đây có thể nói là quốc gia có nền chính trị ổn định, những tranh luận, đối kháng về đảng phái trong các cuộc bầu cử luôn diễn ra “có vẻ gay gắt”, nhưng chưa bao giờ xảy ra bạo động hay biểu tình lớn dẫn tới xô xát. Bên thua cuộc luôn biết chấp nhận kết quả và bên thắng sau 4 năm tiếp tục phải bước lên vũ đài với một cuộc đua tranh cử mới. Nhìn chung mỗi đảng phái đều có những chiến lược, nhưng chung quy thì với trình độ phát triển thấp nên cũng chưa có đảng phái nào tạo được bước đột phá đối với đất nước.

Kinh tế

Kinh tế Ghana phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong đó nguyên liệu thô và nông sản chiếm tỷ lệ cao. Đã từng được gọi với cái tên Bờ Biển Vàng (Gold Coast), nên Ghana có rất nhiều vàng, cộng với việc tìm ra nguồn dầu mỏ mới khiến Ghana trở thành một nước xuất khẩu dầu với nhiều tiềm năng. Nông sản thì phụ thuộc vào Cacao, gỗ, hạt điều, cafe v.v… trong khi đó nhờ có sông Volta rộng lớn mà khả năng sản xuất thủy điện của Ghana mạnh nhất trong khu vực, xuất khẩu điện sang các quốc gia lân cận. Nếu so sánh với nước có nền kinh tế lớn nhất là Nigeria thì Ghana bảo đảm được 70-80% lượng điện cho quốc gia trong khi đó Nigeria chưa bao giờ vượt được 10%.

Tuy nhiên thì gần đây Ghana nhập khẩu quá lớn, một phần vì đời sống người dân tăng cao và lại được nhận nhiều tài trợ của nước ngoài cho nên cứ thế mà mua sắm. Điều này làm cán cân xuất nhập khẩu mất cân bằng và nền kinh tế trong nước có nhiều điểm chệch choạc, rất cần một vị Tổng thống giỏi để chèo lái lại các mô hình đầu tư sao cho hiệu quả. Khó khăn với Ghana chính là GDP đầu người tương đối cao, vượt qua các nước nghèo nên khả năng vay tiền ngày càng khó hơn (chứ không giỏi giấu số liệu như Việt Nam để tha hồ đi vay tiền các nước lớn). Lợi thế của Ghana là nguồn tài nguyên vẫn còn rất dồi dào, nhưng cần một Chính phủ biết tổ chức và quản lý giỏi hơn để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng này.

Xã hội

Người dân Ghana có thể nói là hiền lành (so với Việt Nam thì là quá hiền) mặc dù nhìn người da đen ta luôn có cảm giác ngại. Nhìn chung thì lối sống của họ có những nét văn minh hơn như biết xếp hàng trong trật tự, đi xe biết nhường đường, va chạm tai nạn không bao giờ đánh nhau mà chỉ tranh luận… Người dân Ghana mộ đạo, khoảng 70-75% theo đạo Thiên Chúa, phần còn lại theo Đạo Hồi nhưng không bao giờ xảy ra xung đột tôn giáo như các quốc gia Châu Phi khác. Nhà thờ tại Ghana mở Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật và các dịp Lễ, nhưng đó không phải là nơi chỉ cầu nguyện mà còn là khu vui chơi giải trí, văn hóa, nhảy múa của người dân. Nhà thờ giáo dục cho người dân biết hướng thiện, làm việc tốt và tin vào Chúa, chính vì vậy người dân Ghana ít khi trộm cắp (dù rằng gần đây bắt đầu thỉnh thoảng có trộm cắp vặt).

Người dân Ghana thân thiện với người nước ngoài, nhưng bản chất dân tộc có gì đó quen thói “đi xin” nên lúc nào thấy người nước ngoài cũng xin tiền, họ giúp gì mình cũng xin tiền và cho bao nhiêu cũng nhận. Nếu người nước ngoài hỏi chỉ đường, khuân vác, hoặc một số thông tin bên lề thì người dân Ghana luôn sẵn sàng giúp đỡ, chỉ mỗi cái đôi khi không rõ đường lắm cũng nhiệt tình chỉ.

Nếu so sánh Ghana với Việt Nam thì Ghana đi sau khoảng 10 năm (nhưng GDP đầu người lại ngang ngửa). Chúng ta hiếm khi thấy nhà cao tầng tại Thủ đô Accra, nhưng bù lại những khu đất vàng vài ngàn mét thì lại rất nhiều. Chính vì dân chưa đông tới mức khủng khiếp như Việt Nam cho nên thói quen ở nhà rộng, đất rộng lại có vườn vẫn còn phổ biến. Chính vì thế nên thuê nhà ở Ghana ta cứ làm nguyên cả 1 căn to, có vườn tha hồ trồng rau sạch để ăn. Chi phí cuộc sống cũng khá đắt đỏ (nếu ăn kiểu Việt Nam), nhưng thực ra thì cũng xấp xỉ Việt Nam vì ta được ăn đồ hoàn toàn sạch.

Dân Ghana có sức khỏe cực tốt, có thể ví von 1 người Ghana khiêng vác phải bằng 3 người Việt Nam (nếu bạn xem bóng đá có đội tuyển Ghana tại World Cup sẽ thấy họ khỏe thế nào), nhưng những gì thuộc về kỹ năng khéo léo thì họ lại quá kém. Dân Ghana cũng ham học, nhưng khả năng tiếp thu nhìn chung là thấp mặc dù Nhà nước rất tích cực phổ cập giáo dục. Dân Ghana có thể thiên về các môn khoa học xã hội hoặc vui chơi giải trí tốt hơn là các ngành thiên về tự nhiên, do đó nếu tranh luận với người Ghana mà không có tiếng Anh giỏi hoặc lập luận sắc bén thì chúng ta thua là chắc chắn. Xuất phát từ điều đó nên nếu giao thương với người Ghana thì đừng vội tin họ nói bởi những gì họ nói không hoàn toàn chính xác với năng lực của họ.

Người Việt Nam tại Ghana

Một số công ty Việt Nam đã đặt chân đến Ghana từ 2002-2005, chủ yếu đưa quần áo vải vóc sang bán. Kể từ năm 2006 thì phong trào là PhotoLab nở rộ và đến nay đã có 6 công ty làm về Labs với số lượng khoảng 50 người. Dần dần giao thương ngày càng mở rộng khi mà gạo Việt Nam đang “bành trướng” tại Ghana với vô số công ty nhập khẩu, còn các công ty Việt thì sang mua gỗ, mua nông sản tại quốc gia này ngày một nhiều. Mới nhất là dự án nuôi tôm của công ty ViGha đã tạo được tiếng vang lớn và được đương kim Tổng thống Ghana John Mahama ghé thăm để khai trương. Điều này cho thấy sự thành công của những người Việt Nam tại đất nước này.

2013-11-17-06.29.42-2-1024x579

Cơ hội phát triển của đất nước Ghana còn khá lớn nhờ tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nguồn nhân lực trẻ lớn, cùng với đó là cơ hội phát triển của cộng đồng người Việt cũng sáng sủa nếu như biết đoàn kết và có nhiều nhân lực tài giỏi sang. Đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ Việt Nam tìm kiếm cơ hội mới để thay đổi cuộc đời và vươn lên thành công.

Link nội dung: https://unie.edu.vn/ghana-o-chau-nao-a32709.html