Khám phụ khoa là khám những gì? Quy trình thực hiện như thế nào?

Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng/lần để tầm soát các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục nếu có, giúp can thiệp điều trị kịp thời và hiệu quả. Đối với những chị em khám lần đầu đều thắc mắc khám phụ khoa là khám những gì, có đau không và cần lưu ý gì? Cùng tìm hiểu cụ thể vấn đề này trong bài viết dưới đây.

khám phụ khoa gồm những gì

Khám phụ khoa là gì?

Khám phụ khoa là việc thăm khám tổng quát và chi tiết các cơ quan sinh dục bên ngoài lẫn bên trong ở nữ giới như âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng… Ngoài ra chị em còn được thăm khám hai bầu ngực (vú).

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm kiểm tra như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm dịch âm đạo, siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo… để tầm soát các bệnh lý ở cơ quan sinh sản. (1)

Tình huống nghi ngờ có bất thường ở cơ quan sinh sản, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định thêm các kiểm tra cần thiết như soi cổ tử cung, chụp cộng hưởng từ (MRI), sinh thiết… để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

ThS.BS Lê Nhất Nguyên, Trưởng Đơn vị Sản Phụ khoa Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, khác với nam giới, cơ quan sinh dục nữ có giải phẫu sinh lý phức tạp hơn nên cần được quan tâm, chú trọng đúng mức bằng cách thăm khám định kỳ mỗi 6 tháng/lần để phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời các vấn đề nếu có. Nhờ đó tránh để lại các biến chứng đáng tiếc có thể đe dọa đến khả năng sinh sản và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.

Ngoài ra, khám phụ khoa cũng là cách giúp chị em có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, được hướng dẫn biện pháp phòng ngừa bệnh phụ khoa nguy hiểm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc cách ngừa thai an toàn, thực hiện hiệu quả kế hoạch hóa gia đình.

nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng
Khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng/lần là cách giúp chị em chủ động bảo vệ sức khỏe và thiên chức làm mẹ của mình

Vì sao nên khám phụ khoa định kỳ?

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 90% phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi sinh sản (từ 19 đến 49 tuổi) mắc bệnh phụ khoa ít nhất 1 lần trong đời, trong đó cứ 100 người thì có 11 người tái nhiễm bệnh nhiều lần. Số ca mắc bệnh phụ khoa tăng khoảng 15-27% mỗi năm. Đáng chú ý, bệnh không chỉ xảy ra ở phụ nữ đã lập gia đình mà còn xuất hiện ở những thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục. (2)

Bác sĩ Nguyên cho biết, thông thường chị em chỉ tìm đến các cơ sở y tế Sản Phụ khoa khi có nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình, khám thai, phá thai hoặc khi cơ thể có những vấn đề như viêm nhiễm, ngứa rát vùng kín…, rất ít trường hợp chủ động khám phụ khoa định kỳ để phòng ngừa và tầm soát các bệnh lý liên quan.

Chính tâm lý chủ quan, thiếu quan tâm chăm sóc sức khỏe, thậm chí nhiều trường hợp e ngại chia sẻ chuyện vùng kín nên không dám đi khám, chỉ khi tình trạng trở nặng, không thể chịu đựng được mới tìm đến bác sĩ.

Lúc này bệnh đã diễn tiến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị, nhiều trường hợp điều trị muộn màng gây biến chứng cản trở việc mang thai và sinh con của người phụ nữ. Viêm phụ khoa không được điều trị kịp thời và hiệu quả có thể dẫn đến mang thai ngoài tử cung, là nguyên nhân gây viêm tắc vòi trứng, ung thư cổ tử cung…

Do đó, khám phụ khoa định kỳ chính là cách giúp ngăn ngừa các bệnh phụ khoa, viêm nhiễm và ung thư cổ tử cung ngay từ giai đoạn đầu. Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời sẽ mang lại hiệu quả điều trị tối ưu, bảo vệ sức khỏe sinh sản cũng như hạnh phúc gia đình.

“Không nên đợi đến khi xuất hiện bệnh lý hoặc triệu chứng bất thường mới thăm khám. Chị em nên đi khám định kỳ mỗi 6 tháng/lần. Những người có tiền căn gia đình mắc bệnh ung thư phụ khoa nên thăm khám thường xuyên hơn theo hướng dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Ai nên đi khám phụ khoa?

Không chỉ phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục, những chị em chưa từng quan hệ tình dục cũng nên thăm khám phụ khoa định kỳ. Nguyên nhân bởi trong quá trình dậy thì, sự thay đổi nội tiết tố hoặc những tác động xấu từ lối sống, môi trường, chế độ sinh hoạt, thói quen vệ sinh vùng kín sai cách… có thể gây viêm nhiễm phụ khoa hoặc các bệnh lý khác. (3)

Bên cạnh đó, cấu trúc giải phẫu cơ quan sinh dục nữ giới nằm giữa lỗ tiểu tiện và đại tiện, vốn chứa nhiều vi khuẩn nên nếu vệ sinh không đúng cách, thường xuyên thụt rửa sâu trong âm đạo hoặc sử dụng các dung dịch vệ sinh chứa chất tẩy rửa mạnh… có thể làm thay đổi hệ khuẩn ở môi trường âm đạo, khiến các tác nhân gây bệnh sinh sôi và phát triển mạnh mẽ.

Chị em hãy an tâm bởi việc thăm khám phụ khoa ở người chưa lập gia đình hoặc chưa có hoạt động tình dục sẽ không gây đau đớn hay tổn thương màng trinh.

chỉ định các xét nghiệm phù hợp
Tùy từng đối tượng thăm khám phụ khoa mà bác sĩ sẽ chỉ định các kiểm tra xét nghiệm phù hợp cho kết quả chẩn đoán chính xác

Thời điểm nào nên đi khám phụ khoa?

Bác sĩ Nguyên chia sẻ 3 mốc thời gian đặc biệt là chị em cần phải khám phụ khoa là:

Khi có dấu hiệu bất thường: chị em cần thăm khám ngay khi có những biểu hiện sau:

Việc lựa chọn thời điểm khám cũng góp phần quan trọng trong công tác khám và chẩn đoán bệnh. Theo đó, thời điểm khám phụ khoa tốt nhất được khuyến cáo là sau khi sạch kinh khoảng 3-5 ngày.

Không nên thăm khám trong những ngày hành kinh bởi tử cung đang ồ ạt máu, niêm mạc tử cung bong tróc rất khó quan sát, việc lấy mẫu không thể thực hiện. Trong những ngày hành kinh cổ tử cung sẽ mở rộng đi kèm môi trường ứ đọng máu kinh, nếu thăm khám có thể gây nhiễm khuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh.

Cũng không nên khám phụ khoa vào những ngày xung quanh ngày rụng trứng, bởi dịch âm đạo sinh lý có thể bị nhầm lẫn với huyết trắng bất thường. Giai đoạn cuối chu kỳ kinh hoặc sắp đến ngày hành kinh lớp niêm mạc tử cung tăng sinh rất dày, việc quan sát cấu trúc thành và lòng tử cung khi siêu âm có thể trở nên khó khăn hơn.

Cần chuẩn bị gì khi đi khám phụ khoa?

Để việc khám phụ khoa đạt kết quả tốt nhất, chị em nên vệ sinh vùng kín bằng nước sạch, không nên sử dụng dung dịch vệ sinh, các loại thuốc đặt và tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo bởi việc làm này có thể rửa sạch các tế bào gây bệnh, có thể khiến kết quả chẩn đoán bệnh bị sai lệch.

Không quan hệ tình dục trong vòng 48 giờ (2 ngày) trước khi thăm khám để tránh nhầm lẫn khi lấy mẫu phân tích bệnh phẩm.

Không uống rượu bia, các chất kích thích, ăn đồ ngọt hoặc nhiều dầu mỡ bởi có thể làm tăng nhiệt độ tại cơ quan sinh dục, khiến âm đạo tăng tiết dịch tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhiều hơn bình thường khiến xét nghiệm kiểm tra không chính xác.

Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và thuận tiện cho việc thăm khám vùng kín. Cần thả lỏng tinh thần, tâm lý thoải mái và tin tưởng vào bác sĩ để quá trình khám được nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.

Khám phụ khoa là khám những gì?

Đối với những chị em khám lần đầu đều thắc mắc khám phụ khoa là khám gì? Đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, sau đó chỉ định một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết để phát hiện những bất thường ở cơ quan sinh dục. Cụ thể là: (4)

1. Khám bên ngoài

Bác sĩ quan sát và dùng tay khám bên ngoài vùng ngực, hai bầu ngực (vú) và cơ quan sinh dục nữ bên ngoài để xem có biểu hiện bất thường hay không.

2. Khám âm đạo bằng mỏ vịt

Bác sĩ thăm khám âm đạo bằng cách đưa mỏ vịt đã được vô trùng vào trong âm đạo để quan sát thành âm đạo và cổ tử cung. Đồng thời có thể lấy mẫu dịch âm đạo và tế bào cổ tử cung để làm bệnh phẩm soi tươi hoặc xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ bệnh phụ khoa. Bước thăm khám này chỉ áp dụng cho những phụ nữ đã có hoạt động tình dục.

3. Kiểm tra tử cung và hai phần phụ bằng tay

Bác sĩ dùng tay sờ nắn bụng nhằm xác định vị trí và kích thước tử cung. Có thể kết hợp thêm siêu âm đầu dò hoặc siêu âm bụng để kiểm tra cấu trúc của một số cơ quan sinh dục trong như tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng…

4. Xét nghiệm Pap smear

Xét nghiệm Pap smear còn gọi là phết tế bào cổ tử cung, là xét nghiệm tế bào học dùng để tầm soát và phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi 21-29 tuổi nên lặp lại xét nghiệm Pap smear mỗi 3 năm 1 lần. Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm HPV sẽ quyết định bao lâu nên làm lại xét nghiệm Pap smear.

5. Xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV giúp tầm soát và phát hiện virus gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, thường được chỉ định cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên đi kèm với xét nghiệm Pap smear.

6. Xét nghiệm CA-125

CA-125 (cancer antigen 125) là một loại protein giữ vai trò như một chất chỉ điểm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao với các khối u. Khi có sự hiện diện của tế bào ung thư buồng trứng, nồng độ CA-125 sẽ cao hơn bình thường. Vì thế, trong trường hợp nghi ngờ có ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ chỉ định chị em làm xét nghiệm CA-125.

7. Xét nghiệm nội tiết tố

Xét nghiệm nội tiết tố nữ gồm nhiều xét nghiệm nhỏ với mục đích theo dõi và đánh giá sức khỏe sinh sản, khả năng mang thai cũng như chất lượng đời sống tình dục của người phụ nữ. Thông qua xét nghiệm này có thể phát hiện sớm tình trạng rối loạn hoặc thay đổi nội tiết tố, từ đó có hướng điều trị kịp thời.

8. Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là thủ thuật dùng để quan sát vùng cổ tử cung, được phối hợp với các kỹ thuật xét nghiệm khác như soi tươi, nuôi cấy, nhuộm trực tiếp… nhằm phát hiện các bệnh lý ở đường sinh dục nữ. Dựa vào kết quả soi cổ tử cung bác sĩ sẽ phát hiện những bất thường của cổ tử cung, kết hợp với các triệu chứng đang có để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có phương án điều trị thích hợp.

9. Siêu âm đầu dò âm đạo hoặc siêu âm bụng

Siêu âm giúp đánh giá tử cung và buồng trứng của người phụ nữ, ngoài ra giúp phát hiện những bất thường ở tiểu khung và phần phụ để đưa ra phương án điều trị phù hợp. Tuy nhiên, siêu âm đầu dò âm đạo chỉ được áp dụng cho những phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục, không thực hiện ở những chị em chưa quan hệ tình dục để tránh ảnh hưởng đến màng trinh.

10. Siêu âm vú

Siêu âm vú là phương pháp sử dụng sóng âm tần số cao để dựng hình ảnh cấu trúc bên trong vú, thường được chỉ định trong trường hợp cần khảo sát thêm bản chất tổn thương ở vú sờ được trên lâm sàng hoặc có các triệu chứng liên quan ở vú.

11. Chụp nhũ ảnh tuyến vú

Chụp nhũ ảnh tuyến vú hay X-quang tuyến vú là kỹ thuật áp dụng trong tầm soát ung thư vú và phát hiện các bệnh lý ở tuyến vú. Bác sĩ thường chỉ định chụp nhũ ảnh để tầm soát đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có các yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú.

Khám phụ khoa ở đâu tốt?

Hầu hết chị em cũng băn khoăn không biết khám phụ khoa ở đâu tốt? Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ khám phụ khoa đáng tin cậy mà chị em có thể tham khảo và lựa chọn.

Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được biết đến là địa chỉ thăm khám và điều trị các vấn đề sản phụ khoa từ khám thai, chăm sóc thai kỳ, chăm sóc tiền sản, thăm khám và điều trị các bệnh lý phụ khoa… Tại đây quy tụ đội ngũ chuyên gia - bác sĩ giỏi chuyên môn giàu kinh nghiệm, chú trọng đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ cho công tác khám và chẩn đoán bệnh.

Trung tâm Sản Phụ khoa liên kết chặt chẽ cùng các chuyên khoa trong bệnh viện như Khoa Ngoại vú, Trung tâm Xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản… tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn các xét nghiệm kiểm tra cần thiết, mang đến dịch vụ khám và điều trị chính xác, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Để đặt hẹn khám phụ khoa tại Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị em vui lòng liên hệ đến:

Quy trình khám phụ khoa nữ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh như thế nào?

Tại Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, sau bước đăng ký tại quầy Lễ tân và kiểm tra các chỉ số ban đầu như chiều cao, cân nặng, huyết áp… tại khu vực chờ, chị em sẽ trải qua quy trình khám phụ khoa gồm 7 bước cơ bản sau:

Bước 1: Khai thác thông tin về triệu chứng và bệnh sử nếu có

Trước khi thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi thăm một số thông tin cơ bản của chị em như thể trạng, các triệu chứng bất thường đang gặp phải, tiền sử bệnh lý bản thân hoặc gia đình nếu có.

Bước 2: Thăm khám bên ngoài

Sau khi nắm được những thông tin cơ bản, bác sĩ sẽ tiến hành quan sát và thăm khám các cơ quan sinh dục bên ngoài như âm hộ, môi âm hộ, âm đạo và tầng sinh môn.

Bác sĩ cũng sẽ khám ngực để phát hiện những bất thường ở tuyến vú, trường hợp nghi ngờ có khối u sẽ chỉ định thêm siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh.

Bước 3: Khám âm đạo

Đối với những chị em đã lập gia đình hoặc đã có hoạt động tình dục, bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt đã được vô trùng đưa vào trong âm đạo để quan sát vùng cổ tử cung và thành âm đạo. Trường hợp nghi ngờ có bệnh phụ khoa, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu dịch âm đạo để gửi đến phòng xét nghiệm.

Bước 4: Khám tử cung và hai phần phụ

Bác sĩ dùng tay ấn nhẹ vào vùng bụng để phát hiện những bất thường nếu có ở cơ quan này.

Bước 5: Siêu âm

Chị em được siêu âm để quan sát vị trí và cấu trúc của các cơ quan sinh dục bên trong như tử cung, buồng trứng… Ngoài ra, chị em sẽ được siêu âm tuyến vú để phát hiện bất thường ở cơ quan này nếu có.

Bước 6: Thực hiện các xét nghiệm kiểm tra khác nếu có

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định chị em thực hiện thêm một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết để tăng kết quả chẩn đoán.

Bước 7: Đọc kết quả, tư vấn và hẹn lịch tái khám

Dựa vào quá trình thăm khám và kết quả các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán sau cùng về tình trạng của chị em kèm theo phương pháp can thiệp hoặc chăm sóc phù hợp. Bác sĩ cũng sẽ hẹn lịch tái khám định kỳ hoặc lịch tái khám gần hơn trong trường hợp cần theo dõi sát sao vấn đề chị em đang gặp phải.

bác sĩ đang tư vấn cho chị em phụ nữ
ThS.BS Lê Nhất Nguyên, Trưởng Đơn vị Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đang tư vấn cho chị em sau khi khám phụ khoa

Lưu ý sau khi khám phụ khoa

Một số chị em sau khi khám phụ khoa bị chảy máu vùng kín lo lắng không biết có sao không? Bác sĩ Nguyên chia sẻ, trước hết chị em không nên quá lo lắng mà cần xác định rõ tính chất, thời gian và lượng máu chảy ra. Nếu lượng máu không nhiều và kéo dài không quá 3 ngày là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu nhận thấy máu chảy ngày càng nhiều, chị em cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra lại.

Sau thăm khám chị em cũng cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày. Lưu ý rằng chỉ nên vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài, tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo. Không sử dụng dung dịch vệ sinh chứa chất tẩy rửa mạnh. Không mặc quần lót quá chật khiến vùng kín bí bách.

Trường hợp cần điều trị bệnh phụ khoa, chị em cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Sử dụng thuốc đúng liều lượng, không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng, đổi thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Với trường hợp viêm nhiễm phụ khoa cần kiêng tuyệt đối quan hệ tình dục trong quá trình điều trị.

Hy vọng qua bài viết này chị em đã biết khám phụ khoa gồm những bước gì để không bỡ ngỡ mặc dù khám lần đầu. Khuyến cáo chị em nên lựa chọn cơ sở y tế có chuyên khoa Sản Phụ khoa uy tín để được thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng cũng như được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản!

Link nội dung: https://unie.edu.vn/anh-kham-phu-khoa-a32269.html