Tắc ruột sau mổ và những điều lưu ý cho người bệnh

1. Thời điểm xảy ra hiện tượng tắc ruột sau mổ có thể là vào lúc nào?

Tình trạng này có thể xảy ra sớm hoặc muộn sau khi mổ. Ở trường hợp sớm, có thể vài ngày sau mổ, ngay cả trong thời điểm người bệnh vẫn đang nằm ở bệnh viện sau phẫu thuật. Một số trường hợp khác, có thể là lúc bệnh nhân đã về nhà và cũng có những người nhiều năm sau mổ vẫn xảy ra tình trạng tắc ruột.

Tắc ruột là một trong những biến chứng nguy hiểm sau mổ

Tắc ruột là một trong những biến chứng nguy hiểm sau mổ

Trường hợp xảy ra sớm, trong thời gian bệnh nhân đang còn nằm tại viện, việc xử trí có thể dễ dàng hơn. Nguyên nhân là vì đây là thời kỳ bệnh nhân được theo dõi một cách chặt chẽ sau mổ nên bất kỳ hiện tượng bất thường nào cũng dễ dàng được phát hiện.

Bên cạnh đó, nếu xảy ra sớm, việc khắc phục cũng dễ dàng hơn, có thể không cần tới phẫu thuật mà nhiều trường hợp, thông qua việc truyền dịch và đặt ống hút làm xẹp ruột là ổn.

Trường hợp đã mổ lâu năm rồi mới xảy ra hiện tượng tắc ruột, tùy từng trường hợp mà cách xử trí cũng khác nhau.

2. Những nguyên nhân nào có thể dẫn tới việc tắc ruột sau mổ?

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể rất nhiều, trong đó, phổ biến và điển hình nhất là:

  • Trong quá trình thực hiện mổ, bản thân ruột hoặc các tổ chức khác ở thành bụng, phúc mạc bị tổn thương. Khi quá trình liền sẹo diễn ra, các tổ chức này sẽ bị dính với nhau hoặc hình thành các dây chằng khiến cho ruột mắc vào, không thể chui ra được, gây nên tắc.
  • Một số loại dị vật nhỏ, chẳng hạn như chỉ phẫu thuật, thức ăn,... bị rơi vào ổ bụng, qua thời gian, chúng bị bọc lại gây nên các xơ dính, dẫn tới tắc ruột.
  • Do quai ruột bị liệt cơ năng, không thể hoạt động như bình thường nên gây ra tắc.
  • Ruột bị xoắn dính và nằm nguyên vị trí, khi chịu tác động bởi một số yếu tố khác gây nên tắc ruột.
  • Quai ruột có thể chui qua lỗ thoát vị tại thành bụng hoặc các lỗ hổng bên trong bụng và nằm lại gây nên tắc.

Tắc ruột có thể tới từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Tắc ruột có thể tới từ nhiều nguyên nhân khác nhau

3. Có thể nhận biết dấu hiệu tắc ruột sau mổ như thế nào?

Đây là hiện tượng có thể được nhận biết thông qua một số dấu hiệu ở người bệnh như:

  • Buồn nôn, nôn và hiện tượng này ngày càng tăng lên.
  • Không trung tiện được dù cơ thể đã dần ổn định sau mổ.
  • Bụng đau từng cơn và mức độ đau ngày càng tăng lên.
  • Bụng bị chướng và mức độ cũng tăng dần.
  • Tăng nhu động ruột và xuất hiện tình trạng giống như rắn bò.

Khi xuất hiện các hiện tượng nghi ngờ này, người bệnh sẽ được thực hiện chẩn đoán bằng các phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán một cách chính xác hơn như:

  • Siêu âm: Nếu các quai ruột bị giãn rộng, tại vết mổ có hiện tượng nhiễm trùng, xuất hiện dịch trong ổ bụng thì có thể là dấu hiệu của tắc ruột sau mổ.
  • Chụp X-quang với một hoặc nhiều quai ruột xuất hiện tình trạng giãn.
  • Xét nghiệm công thức máu: để tìm dấu hiệu nhiễm trùng, tăng ure, tăng bạch cầu hoặc điện giải đồ.

Nội soi giúp xác định chính xác nguyên nhân tắc ruột

Nội soi giúp xác định chính xác nguyên nhân tắc ruột

Một số trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện hiện tượng đau bụng dữ dội, tái nhợt người, choáng váng, đổ mồ hôi hoặc đi ngoài ra máu nhưng lại chủ quan, không kịp thời xử trí, có thể dẫn tới hoại tử, đe dọa tới tính mạng.

4. Tắc ruột sau mổ được điều trị ra sao?

Tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh, cùng với nguyên nhân gây ra mà bác sĩ có sự chỉ định khác nhau nhằm khắc phục hiệu quả, hạn chế những ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Khi hiện tượng này xảy ra sớm sau khi mổ, vết mổ chưa lành, việc phát hiện cũng như khắc phục sẽ nhanh hơn và thuận tiện hơn. Nếu tắc ruột càng lâu sau khi mổ, việc phát hiện cũng như khắc phục theo đó càng phức tạp. Không ít trường hợp phải xử trí bằng phương pháp phẫu thuật.

Điều này có nghĩa là bạn cần theo dõi kỹ càng, định kỳ kiểm tra vết mổ và nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, nên tới gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra, điều trị.

5. Tắc ruột sau mổ có phòng ngừa được không và thực hiện bằng cách nào?

Sau mổ, tình trạng tắc ruột xảy ra được xem là có liên quan không nhỏ tới chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt của người bệnh.

Chính vì thế, việc hậu phẫu cần được thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, tùy tình trạng thể lực mà người bệnh có thể được khuyến khích ngồi dậy sớm, vận động nhẹ sau mổ khoảng 2 ngày. Điều này sẽ phòng ngừa và hạn chế tình trạng ruột bị ì ạch, dính ruột.

Việc vận động còn giúp cho ruột lưu thông trở lại như bình thường, sớm có nhu động, tránh dính.

Cùng với đó, việc ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh tình trạng này. Theo đó, khi mới mổ xong, nên chú trọng việc ăn những đồ lỏng, loãng, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa, ăn từ từ từng lượng nhỏ.

Các loại thức ăn có nhiều xơ như: rau rút, măng, mướp,... cần phải tránh. Các loại quả có chứa lượng tanin lớn như: hồng, ổi,... cũng nên tránh với chúng có thể tạo nên sự kết dính, thành bã, gây tắc ruột.

Một số loại thức ăn mềm, có chất xơ hòa tan mang tới tác dụng chống hiện tượng táo bón như: đu đủ, lê, táo và một số loại rau: rau lang, mồng tơi,... nên ưu tiên lựa chọn bởi chúng tốt cho ruột, dễ tiêu.

Người bệnh nên ưu tiên đồ ăn tốt cho tiêu hóa

Người bệnh nên ưu tiên đồ ăn tốt cho tiêu hóa

Có thể nói, tắc ruột sau mổ là hiện tượng có thể xảy ra với bất cứ ai, không kể thời gian. Chính vì thế, những người từng trải qua phẫu thuật liên quan tới ruột, bụng cần cẩn thận và theo dõi chặt chẽ. Nếu có bất thường, cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra, khắc phục.

Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ bạn không nên bỏ qua cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện và chuyên nghiệp. Bạn hãy gọi tới số 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của bệnh viện tư vấn, hỗ trợ đặt lịch khám nhanh chóng.

Link nội dung: https://unie.edu.vn/tc-rut-sau-m-v-nhng-iu-lu-cho-ngi-bnh-medlatec-a31401.html